"Được" và "Mất" là bài học đầu tiên để con người biết được các niềm đau khổ và vui sướng của cuộc đời. Nếu nhận thức rõ được ý nghĩa của hai từ này sẽ không bao giờ bạn rơi vào trạng thái đau đớn hay tuyệt vọng cả.
Bàn tay khỉ và Steve Jobs
Có người hỏi tôi rằng: "Chị sang Nhật, chị thấy mình được nhiều hay mất nhiều?". Tôi trả lời rằng: "Chị không đếm được, chỉ biết rằng càng mất nhiều thì càng được nhiều thôi". Rồi, tôi cũng chia sẻ với người đó hai câu chuyện mà tôi rất thích về được và mất.
Tôi nhớ đến câu chuyện rất nổi tiếng có tên Bàn tay khỉ. Bàn tay ấy có khả năng giúp người ta đạt được mọi ý nguyện nhưng cũng sẽ lấy đi của người đó một thứ ý nghĩa. Đôi vợ chồng sở hữu bàn tay khỉ đã ước có được một số tiền lớn và họ đã có được. Đổi lại, đứa con trai duy nhất của họ đã bị tai nạn lao động mà chết. Và số tiền họ ước cũng chính bằng số tiền bảo hiểm họ phải chi trả.
Hay câu chuyện về Steve Jobs trong cuốn Tiểu sử Steve Jobs của Walter Isaacson có viết khi Jobs tham gia buổi nói chuyện với sinh viên tại buổi lễ trao bằng tốt nghiệp ở Đại học Stanford vào tháng Sáu năm 2005, ông chia sẻ rằng ông đã phải rời ghế nhà trường chỉ sau sáu tháng theo học ở trường Reed College với một lý do đó là cha mẹ nuôi của ông không đủ tiền để đóng học phí.
Steve phải bỏ học, nhưng ông nói rằng chính việc bỏ học đó đã giúp ông có thời gian quay sang theo học các lớp viết chữ đẹp. Điều bất ngờ là chính việc này về sau đã giúp ông sáng tạo ra máy tính cá nhân Macintosh mang tính nghệ thuật cao, có nhiều font chữ đẹp, một sự khác biệt hoàn toàn với các dòng máy tính Windows của Microsoft.
Sau đó một thời gian, Steve bắt đầu sáng lập công ty Apple từ năm 20 tuổi với tổng số nhân viên là hai người, ở trụ sở công ty là cái garage bé xíu của nhà bố mẹ nuôi. Sau mười năm làm việc chăm chỉ và sáng tạo không ngừng, ông đã phát triển thương hiệu Apple thành một công ty trị giá hai tỉ đô la Mỹ với 4000 nhân viên.
Và chính vào thời điểm tưởng như cực kỳ vinh quang đó, ông phải gánh chịu một mất mát hết sức nặng nề, khi doanh số của Mac vào khoảng tháng Ba năm 1985 không được tốt và Jobs muốn giảm giá, đồng thời đầu tư quảng bá sản phẩm và giảm tập trung vào Apple II, nhưng John Sculley - người mà chính Jobs mời về hợp tác làm việc tại Apple phản đối, và cao trào của mâu thuẫn xảy ra khi John tố cáo Jobs là lừa đảo và đến gặp Ban giám đốc để nói về điều này. Kết quả là Jobs bị đuổi việc.
"Làm sao mà bạn có thể bị đuổi việc khỏi công ty do chính bạn sáng lập? Khi đó, Apple đã trưởng thành và chúng tôi đã thuê một người mà tôi nghĩ rất tài năng để điều hành Apple với tôi. Khoảng một năm gì đó, tình hình có vẻ rất khả quan. Nhưng sau đó, quan điểm của chúng tôi về tương lai bắt đầu khác nhau, thậm chí chúng tôi trở nên bất hòa. Khi mối bất hòa xảy ra giữa chúng tôi, hội đồng quản trị đã đứng về phía anh ta, và tôi, ở tuổi 30, đã bị sa thải một cách rất rõ ràng. Những điều mà tôi theo đuổi trong suốt cuộc đời đã biến mất, chúng đã bị phá hủy" - Steve Jobs nói.
Thế nhưng, Jobs lại cho biết, chính việc bị sa thải khỏi Apple hóa ra lại là một sự kiện tốt đẹp nhất trong cuộc đời ông. Nghe có vẻ như hoàn toàn vô lý, nhưng thay vì yên vị, ông càng thức tỉnh, càng sáng tạo. Trong vòng năm năm sau đó, ông đã thành lập hai công ty mới là NeXT và Pixar. Công ty Pixar sáng tạo những bộ phim hoạt hình máy tính đầu tiên và dần dần phát triển thành xưởng phim hoạt hình thành công nhất Thế giới.
Công ty NeXT thì sau đó được Apple mua lại, và do đó mà Steve quay về với Apple. Chính những kỹ thuật mà Jobs sáng tạo cho NeXT đã trở thành điều kiện cần thiết để giúp Apple phục hồi và phát triển trong thời kỳ này, để rồi cho đến nay, hàng loạt những tiện ích trong thế giới di động mà chúng ta có được như Ipod touch, Iphone, Ipad... đều có sự đóng góp không nhỏ của Apple.
Được và mất khi yêu Nhật Bản
Được và mất - hai mặt của cuộc sống, luôn song hành và gắn kết. Và có một sự thật không thể chối bỏ rằng: Những cái được thuộc về tự nhiên thì cũng có thể tự nhiên mất đi, nhưng những cái được từ những mất mát sẽ luôn bên mình, trở thành giá trị của riêng mình.
Cái mất đầu tiên tôi mất đó là mất tiền. Bố mẹ nuôi cho ăn học suốt 12 năm trong nước rồi hơn một năm học tư phí ở Nhật, chưa kể các chi phí trước khi sang Nhật. Nhưng sau cái mất đó tôi có được một tấm bằng thạc sỹ - không phải để khoe khoang hay vênh váo với ai mà đó là thành quả của sự cố gắng và nỗ lực khi đi học ở nước ngoài, đủ để tôi tự hào với chính mình. Rồi đến bây giờ, tôi có thể tự kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình, và cái chính là không phải bỏ một đồng nào ra để xin việc.
Cái mất thứ hai là mất đi sự hồn nhiên, vô tư của tuổi thanh xuân. Tốt nghiệp đại học năm 22 tuổi, nếu như lúc ấy tôi chọn lấy một công việc ổn định, đủ sống, gần bố mẹ, gia đình thì đúng là chẳng phải nghĩ ngợi gì. Sang Nhật đi học, quay cuồng trong gánh nặng cơm áo gạo tiền, tôi thấy mình tính toán, và già đời hơn. Tính cách tôi vui vẻ, quảng giao là vậy nhưng nhiều khi tôi thèm một mình, thèm cảm giác cô đơn.
Nhưng đổi lại tôi hiểu được giá trị lao động, của đồng tiền, tôi học được cách vượt qua khó khăn, và áp lực. Nếu những ai ở Nhật, đều không lạ lẫm với những tin tức như người Nhật nhảy tàu tự sát. Người Nhật sống bi quan hơn người Việt chúng ta nhiều. Áp lực công việc, áp lực cuộc sống khiến họ cảm thấy cuộc sống rơi vào đường cùng, và chỉ còn cách chọn cái chết giải thoát.
Bản thân những du học sinh, tu nghiệp sinh sang Nhật nếu không biết cách cân bằng thì sẽ rất dễ gây vào tình trạng tự kỷ và chán nản. Mất niềm tin vào chính mình, có bước đi cũng như đang dậm chân tại chỗ, vô vị, tẻ nhạt,... là những tin nhắn chia sẻ của các bạn 9X gửi đến cho tôi. Tôi nói với các bạn ấy rằng ai cũng vậy, cũng đều phải trải qua những giai đoạn khủng hoảng tinh thần, thất vọng, hối tiếc,... những lúc như thế hãy hít thật sâu, đi chạy bộ và làm những điều khiến bạn cảm thấy thoải mái.
Nếu mệt thì hãy nghỉ ngơi, đừng cố gắng quá. Nếu đầu óc không tập trung vào chữ nghĩa thì hãy để đó đi siêu thị mua đồ ăn về nấu nướng. Quan trọng là phải khỏe, bởi nếu không khoẻ thì tinh thần sẽ rất dễ đi xuống. Mà một khi tinh thần đi xuống thì chỉ thấy một màu đen kịt trước mắt. Làm gì cũng được miễn để cơ thể và trí óc luôn được cân bằng.
Cái mất thứ ba là những mất mát trong chuyện tình cảm. Có bạn phóng viên đã hỏi tôi rằng: "Một người phụ nữ mạnh mẽ là tốt, nhưng để có được sự mạnh mẽ đó, có lẽ người phụ nữ cần phải đánh đổi nhiều thứ, chẳng hạn như tình yêu? Linh dường như đã trải qua rất nhiều mối tình, và buông tay cũng khá nhiều...?"
Tôi trả lời rằng: "Gọi là nhiều nhưng có đếm cũng chưa hết một bàn tay đâu. Tính tôi khá nghệ sĩ, khi yêu tôi luôn nhiệt thành và say đắm nhưng có lẽ để tiến đến hôn nhân lâu dài thì tình yêu thôi chưa đủ. Tôi tìm kiếm một người đàn ông mà khi tôi lấy người ấy, tôi vẫn được là chính tôi. Tôi không thích dùng từ "Phải" hay "Hi sinh" cho một cuộc hôn nhân vì tính tôi không chịu được tù túng, gò bó".
Trước khi sang Nhật, tôi có một mối tình sâu đậm kéo dài cũng phải gần bốn năm, nhưng rồi cả người ấy và đến người thứ hai cũng không thể chấp nhận được tình yêu nước Nhật quá lớn của tôi. Nhiều người nói tôi cuồng Nhật, bởi hay ca ngợi Nhật này kia. Những gì tôi viết về Nhật tốt xấu đều có, tôi không thần thánh hóa, tôi chỉ nói sự thật.
Tôi nhắc lại, tôi nói là tôi yêu Nhật. Yêu ở đây, có nghĩa tôi thấy rằng mình được là chính mình, mình đang được sống hạnh phúc tại Nhật. Chia tay người yêu, lúc đó tôi tạm gọi đó là mất mát. Nhưng giờ nghĩ lại tôi thấy mình đã lựa chọn hoàn toàn đúng đắn, bởi nếu bản thân không thấy thực sự hạnh phúc thì không thể sống hạnh phúc với ai được.
Cái mất thứ tư là mất đi thời gian sẻ chia với gia đình. Hồi mới sang Nhật, rảnh là gọi điện về buôn chuyện trên trời dưới biển với bố mẹ nhưng dần dần nhịp sống bận rộn, hối hả cứ hối thúc và kéo tôi ra khỏi thói quen đó lúc nào không hay biết. Tôi từng bị mẹ giận vì gần một tháng trời không có một cuộc gọi, mẹ trách tôi đã quên mất mẹ là ai rồi. Lúc đó tôi chỉ biết đổ lỗi cho công việc bận rộn, không có thời gian nhưng khi mẹ cúp máy tôi lại ngồi khóc vì thấy mình chẳng khác gì một đứa con bất hiếu.
Vì thế, cho dù học tập hay làm việc bận bịu thế nào cũng nên dành thời gian nói chuyện với gia đình, bạn bè nhé. Đây cũng là một cách để luôn thấy mình được chia sẻ, được hạnh phúc khi thiếu đi tình cảm nơi xứ người.
Dương Linh
Nguồn: Trí Thức Trẻ