Trang Savethestudent liệt kê thị thực du học, tài khoản ngân hàng, cách gọi di động... là những thứ du học sinh phải nắm rõ khi học tập tại Anh.
1. Lập kế hoạch nhận hỗ trợ tài chính và học bổng
Khi du học Anh, bạn cần chắc chắn xem mình đủ khả năng chi trả tài chính trong suốt quá trình học hay không. Sinh viên bản địa và trong khối EU được nhận các khoản hỗ trợ tài chính từ vương quốc Anh, nghĩa là chi phí học được thanh toán bằng một khoản vay và sẽ trả lại sau đó. Còn sinh viên ngoài EU (trừ một số trường hợp cụ thể) sẽ không nhận được hỗ trợ. Ngoài ra, sinh viên ngoài EU còn phải trả phí học cao hơn nhiều so với sinh viên bản địa và trong khối EU.
Khi đơn xin thị thực thành công, bạn sẽ cần cung cấp bằng chứng tài chính đủ khả năng chi trả mức học phí từ 10.000 đến 35.000 bảng Anh một năm, cũng như chi phí sinh hoạt, ăn ở. Nếu không đủ điều kiện tài chính, hãy tìm hiểu về các khoản tài trợ và học bổng cho sinh viên quốc tế, đồng thời xem xét các khoản vay giáo dục cũng như chương trình trao đổi sinh viên.
Du học sinh cần lập kế hoạch xin hỗ trợ tài chính. Ảnh: Savethestudent
2. Nắm rõ về thị thực du học
Để du học ở Anh, bạn phải xin thị thực, tuy nhiên điều này còn thuộc vào từng quốc gia. Công dân nằm trong khối Liên minh châu Âu (EU), khu vực kinh tế châu Âu (EEA) hoặc là công dân Thụy Sĩ sẽ không phải xin thị thực du học mà có thể đến học ở Anh bằng hộ chiếu bình thường.
Sinh viên quốc tế ngoài các khu vực trên sẽ phải xin thị thực du học, tùy theo thời gian học tập. Nếu học tại Anh dưới sáu tháng, bạn sẽ cần xin thị thực du học ngắn hạn, nhưng với loại này sẽ không được phép đi làm thêm. Nếu khóa học kéo dài hơn 6 tháng, du học sinh cần xin thị thực du học cấp 4.
Hồ sơ xin thị thực du học Anh bao gồm:
- Hộ chiếu hiện tại của bạn.
- Thư hỗ trợ xin visa được cấp bởi trường mà bạn đăng ký học. Việc này đem lại cho bạn 30 trên tổng số 40 điểm cần thiết để được xét duyệt cấp visa. Trường bạn học phải thuộc danh sách trường đã đăng ký cấp phép với Cục biên giới Anh.
- Bằng chứng về tài chính. Bước này cung cấp 10 điểm còn lại để được xét duyệt visa.
- Bằng chứng về các bằng cấp mà dựa vào đó trường xem xét để chấp nhận bạn vào khóa học.
- Chứng chỉ IELTS.
- Các giấy tờ khác có liên quan về tài chính.
3. Làm quen với cuộc sống ở Anh
Văn hóa ở Vương quốc Anh rất đa dạng và có nhiều người từ khắp nơi trên thế giới đến sinh sống. Nếu đến Anh du học, bạn sẽ dễ dàng gặp gỡ nhiều sinh viên quốc tế. Các trường học đều có nhiều đoàn hội giúp bạn gặp gỡ những người cùng chung sở thích, chí hướng.
Để hòa nhập môi trường, văn hóa nhanh chóng, du học sinh nên tham gia các nhóm Facebook của trường đại học. Hầu như trường nào cũng có những nhóm riêng do sinh viên quốc tế lập và khi tham gia, bạn có thể thảo luận, nói chuyện cùng mọi người, thậm chí kết bạn ngay cả trước khi sang du học.
Bên cạnh đó, vương quốc Anh nổi tiếng với thời tiết lạnh và ẩm ướt. Trước khi sang đây, bạn hãy mang theo nhiều quần áo ấm, các loại áo không thấm nước cho những tháng mùa đông.
4. Chọn kỹ nơi ăn chốn ở
Du học sinh thường sẽ sống ngay trong ký túc xá của trường hoặc thuê phòng tư nhân bên ngoài. Tuy nhiên, với sinh viên năm đầu, tốt nhất là nên ở trong ký túc xá vì sẽ giúp tránh được nhiều rắc rối khi đi thuê phòng.
Hơn nữa, trong ký túc xá nhiều trường đại học còn có hội trường dành riêng cho sinh viên quốc tế, giúp du học sinh kết bạn với nhau dễ dàng hơn. Không giống như trường đại học Mỹ, phần lớn phòng trong ký túc xá và cả nhà ở tư nhân bên ngoài đều là phòng đơn, nghĩa là bạn sẽ có phòng riêng, không sống cùng người khác.
Du học sinh Anh sống tại ký túc xá sẽ có hai hình thức ăn uống "tự phục vụ", (bạn xuống bếp chung tự nấu ăn cho mình) và "được phục vụ" (xuống căng tin để ăn). Nếu muốn tiết kiệm tiền, bạn nên chọn hình thức tự phục vụ.
Du học sinh năm đầu nên ở ký túc xá đại học ở Anh. Ảnh: Savethestudent
5. Hãy chắc chắn bạn đã có bảo hiểm y tế
Tất cả sinh viên quốc tế khi đến Anh du học đều cần chứng minh có đủ bảo hiểm y tế để chi trả cho bất kỳ dịch vụ chăm sóc sức khỏe nào khi cần. Tùy theo bạn là sinh viên trong hay ngoài khối EU mà các thủ tục bảo hiểm sẽ khác nhau.
Sinh viên khối EU chỉ cần có thẻ Bảo hiểm y tế châu Âu (EHIC) là được thăm khám miễn hoặc giảm phí khi sử dụng các dịch vụ y tế quốc gia ở Anh. Còn nếu không, bạn chỉ cần đăng ký một công ty bảo hiểm ở đất nước mình là được.
Sinh viên ngoài khối EU sẽ phải trả phụ phí y tế khi làm đơn xin thị thực du học. Điều này cho phép bạn sử dụng các dịch vụ y tế quốc gia ở Anh trong thời gian lưu trú. Ngoài ra, hãy kiểm tra bất kỳ loại bảo hiểm nào bạn đang có vì nó cũng có thể giúp chi trả phí tổn khi ở nước ngoài.
6. Lập tài khoản ngân hàng ở Anh
Nếu ở lại Anh lâu hơn một học kỳ, bạn nên lập một tài khoản ngân hàng. Điều này sẽ giúp bạn thanh toán các hóa đơn dễ dàng, giúp tiết kiệm tiền và tránh được các khoản phí ngoại tệ sẽ phải trả nếu sử dụng tài khoản ngân hàng không thuộc Vương quốc Anh để thanh toán chi phí phát sinh tại đây.
Lập tài khoản ngân hàng ở Anh sẽ mất khá nhiều thời gian vì các ngân hàng cần thông tin để xác minh danh tính cũng như xếp hạng tín dụng của bạn. Nếu được, hãy kiểm tra xem tài khoản ngân hàng trong nước bạn đang sử dụng có liên kết với bất kỳ ngân hàng nào ở Anh hay không.
Để mở tài khoản ngân hàng ở Anh, du học sinh sẽ cần những thứ sau:
- Hộ chiếu hợp lệ.
- Thị thực hợp lệ (đối với sinh viên ngoài khối EU).
- Giấy tờ chứng minh địa chỉ hiện tại ở Anh (như hợp đồng thuê nhà, hóa đơn tiện ích...).
- Giấy tờ về địa chỉ ở đất nước bạn.
- Giấy tờ về tình trạng sinh viên (bạn sẽ nhận được giấy này khi đăng ký vào trường đại học).
7. Tiết kiệm chi phí các cuộc gọi di động
Vương quốc Anh hoạt động trên cùng một băng tần GSM như hầu hết quốc gia, nhưng nếu bạn đến từ Nhật Bản hoặc Bắc/Nam Mỹ thì điện thoại của bạn có thể không hoạt động được.
Nếu điện thoại của bạn không hoạt động được, hãy bán đi và mua một cái mới. Đừng dùng thẻ SIM hiện tại để gọi về nhà, cũng như gọi tới các số địa phương vì chi phí sẽ rất đắt. Thay vào đó, hãy nắm rõ những điều sau để tiết kiệm chi phí di động.
Để gọi các số địa phương: Nếu bạn đã có điện thoại di động thì cần mua thêm thẻ SIM mới. Với thẻ SIM Pay As You Go (PAYG - Gọi lần nào thanh toán lần đó), bạn sẽ cần nạp tiền để sử dụng. Đây là cách tốt để theo dõi chi tiêu nhưng cũng có thể gặp rắc rối nếu thẻ tín dụng của bạn hết hạn vào thời điểm cần.
Lập hợp đồng di động hàng tháng thường sẽ tốt hơn vì bạn sẽ được cấp số phút và ký tự nhắn tin không giới hạn, nhưng sẽ phải trả tiền mỗi tháng và phải chịu trách nhiệm dài hạn.
Nếu bạn không mua điện thoại mới và sử dụng tiếp điện thoại cũ ở trong nước thì sẽ phải mở khóa để lắp thẻ sim mới.
Để gọi về nhà: Những năm gần đây, có rất nhiều công ty viễn thông cung cấp cuộc gọi quốc tế giá rẻ, như: Lebara, LycaMobile hay RebTel. Theo khảo sát thì RebTel cung cấp giá cước tốt nhất với các cuộc gọi dưới một phút và cuộc gọi đầu tiên sẽ được miễn phí hoàn toàn.
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng các phần mềm xã hội như Skype, Facetime (trên Iphone), Viber, Facebook Messenger và WhatsApp để thực hiện các cuộc gọi âm thanh và video miễn phí.
8. Tìm hiểu về giao thông công cộng
Đối với đi lại trong thành phố: Tất cả thành phố ở Anh đều có dịch vụ xe buýt địa phương, đây là cách thuận tiện nhất để đi lại trong thành phố. Hãy xem bạn sống cách xa trường bao xa để đăng ký sử dụng dịch vụ xe buýt sinh viên.
Các thành phố lớn hơn có hệ thống tàu điện ngầm như Tube ở London hay Metro ở Newcastle. Bạn có thể đăng ký vé năm nhằm tiết kiệm chi phí. Riêng với London, bạn có thể làm thẻ Oyster (thẻ thông hành điện tử) để được sử dụng nhiều phương tiện công cộng khác nhau.
Nếu đủ tự tin, bạn có thể đi lại bằng xe đạp, vừa thân thiện với môi trường, vừa tiết kiệm tiền.
Đối với đi lại ngoài thành phố đang sống, bạn có thể sử dụng xe khách hoặc xe lửa. Xe lửa thường là phương tiện nhanh nhất và thoải mát nhất để đi lại vòng quanh Vương quốc Anh. Tuy nhiên, bạn nên đặt vé càng sớm càng tốt để tiết kiệm tiền. Xe khách thì rẻ hơn xe lửa, tuy nhiên sẽ tốn nhiều thời gian đi lại hơn, có khi là gấp đôi so với xe lửa.
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng máy bay nếu có nhu cầu di chuyển giữa các thàng phố ở Anh, tuy nhiên nó sẽ rất tốn kém.
9. Số giờ được phép làm thêm
Nếu muốn làm thêm trong thời gian du học ở Anh, bạn cần biết rõ một số quy định. Nếu là sinh viên ngoài khối EU, bạn có thể làm thêm tới 20 giờ mỗi tuần trong khi học, và toàn thời gian trong các kỳ nghỉ, cũng như trước khi khóa học bắt đầu. Còn đối với sinh viên thuộc khối EU, bạn có thể tự do làm việc bao nhiêu giờ cũng được, và được tiếp tục làm ngay cả sau khi tốt nghiệp.
Tuy nhiên, bạn không nên lấy công việc bán thời gian làm nguồn thu nhập chính để chi trả phí sinh hoạt ở Anh. Đây là một cách tuyệt vời để tăng thêm thu nhập, nhưng nó hoàn toàn không đủ sống và những ca làm việc dài sẽ khiến bạn mất tập trung vào việc học.
Nguồn: Thanh Hương (Theo Savethestudent)