Nhớ lưu lại địa chỉ liên lạc của những người bạn cũ, cố gắng hơn vào các đợt thực tập, đầu tư nhiều vào các mối quan hệ với người dân bản xứ… để khỏi rơi vào hoàn cảnh tiếc nuối sau khi đi du học về.
Không nghiêm túc trong các đợt thực tập
Một trong những trải nghiệm hữu ích nhất của thời gian du học đó là bạn sẽ được đi thực tập và thực sự làm việc trong quá trình này. Đối với các trường Đại học nước ngoài, các kỳ thực tập sẽ mang lại cho sinh viên cơ hội áp dụng kiến thức vào môi trường thực tế, đảm nhiệm các nhiệm vụ việc làm, nâng điểm tổng kết và còn giúp họ đưa ra những lựa chọn làm việc hợp lí. Chưa kể, đây chính là cơ hội để bạn đạt điểm cao và kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp.
Vì thế, hãy tận dụng khoảng thời gian này cho việc quan sát, học hỏi, thể hiện mình một cách tốt nhất để không phải tiếc nuối khi về nước.
Không đủ khả năng ngôn ngữ
Việc thiếu thốn khả năng ngôn ngữ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tiếp thu bài vở, thực tập, làm việc và đời sống của bạn. Nếu không hiểu bài, bạn không thể đạt được thành tích cao trong việc học. Nếu không nói tốt ngôn ngữ bản địa, bạn sẽ khó kiếm được việc làm thêm hay xin thực tập. Nếu không thể thoải mái chuyện trò với bạn bè quốc tế, bạn sẽ khó lòng kết thân, tụ tập cùng họ.
Vậy nên, hãy cố gắng trau dồi khả năng tiếng của mình ngày từ khi còn ở trong nước. Đừng tưởng việc sở hữu điểm số cao ở trường hoặc các bài kiểm tra trình độ tiếng (IELTS, TOEFL) là đã đủ để sống tốt ở nước ngoài. Thật tế phức tạp hơn bạn nghĩ!
Không hoạch định mục đích rõ ràng
Tất nhiên ai cũng muốn đạt được điểm cao trong khi du học, nhưng điều này không có nghĩa là ai ai cũng có cùng một điều kiện tài chính hay cùng định hướng cho tương lai. Chỉ có bạn mới biết được khả năng và nguyện vọng của mình. Chẳng hạn, nếu bạn không có đủ tài chính thì dĩ nhiên là bạn phải tính tới chuyện vừa học vừa làm thêm. Còn nếu bạn xác định mình đủ khả năng đứng đầu toàn khoa thì tất nhiên là phải lao vào học để đạt thành tích cao, thay vì chăm chăm đi chạy bàn ở nhà hàng châu Á.
Quan trọng là phải biết mình biết ta để đưa ra được những kế hoạch “hành động” rõ ràng.
Không gần gũi với dân bản xứ
Một trong những điều tuyệt vời của cuộc sống du học là bạn sẽ được khám phá thêm một nền văn hoá mới – văn hoá địa phương. Điều này không đơn thuần chỉ là sống dưới bầu trời ấy, ăn những món đặc sản địa phương hay… chụp ảnh tại các địa điểm tham quan trong thành phố, mà quan trọng là được trò chuyện, giao lưu để hiểu rõ hơn những đặc tính, phong cách sống của người dân bản xứ.
Rất nhiều du học sinh sau khi trở về nước đều tỏ ra tiếc nuối vì đã không dành nhiều thời gian tụ tập cùng bạn bè bản xứ, không có nhiều mối quan hệ với bạn bè nước ngoài. Vậy nên, nếu có cơ hội, hãy cố gắng giao lưu với thật nhiều bạn bè quốc tế càng tốt. Những mối quan hệ này không chỉ giúp bạn hiểu hơn về thế giới mà còn có thể hữu ích khi xin việc, du lịch sau này
Không cởi mở
Nếu không “rộng lòng” với những khác biệt, bạn sẽ tự tách biệt mình với thế giới. Cố gắng không mang theo mình quá nhiều những định kiến tiêu cực về tôn giáo, chính trị, văn hoá vì có thể điều này sẽ lấy đi của bạn những tình bạn tuyệt vời.
Không giữ liên lạc
Sẽ quá tiếc nuối nếu bạn quên xin địa chỉ liên lạc của người hàng xóm thân thiện trên khu kí túc, hoặc những người bạn cùng lớp thân thiết. Chỉ một lời mời kết bạn trên Facebook sẽ giúp bạn kết nối được với những người bạn tuyệt vời.
Những mối quan hệ với thầy cô, đồng nghiệp, cha mẹ nuôi… cũng là những mối quan hệ nên được nuôi giữ cho đến khi bạn đã rời đi. Biết đâu một ngày nào đó bạn sẽ quay trở lại chốn cũ tìm họ. Biết đâu đấy, biết đâu!