Màn phối hợp phòng thủ giúp bảo vệ Israel trước UAV và tên lửa Iran là kết quả từ nỗ lực xây dựng liên minh do Mỹ thực hiện suốt hàng chục năm qua.
Khi hàng trăm máy bay không người lái (UAV) và tên lửa Iran khai hỏa nhằm vào Israel đêm 13/4, một tuyến phòng thủ gồm radar, chiến đấu cơ, tàu chiến và hệ thống phòng không của Israel, Mỹ cùng hàng loạt quốc gia khác đã được kích hoạt. Các hệ thống vũ khí phòng không đồng loạt khai hỏa, bắn hạ gần như mọi quả đạn Iran tới gần không phận Israel.
Chiến dịch phòng thủ tập thể ấn tượng này là kết quả của nỗ lực nhiều thập kỷ qua của Mỹ nhằm xây dựng mối quan hệ quân sự chặt chẽ hơn giữa Israel và các đối thủ Arab lâu năm, chống lại mối đe dọa chung ngày càng tăng từ Iran.
Một chiến đấu cơ Israel chuẩn bị xuất kích từ căn cứ để đánh chặn đòn tập kích của Iran. Ảnh: Lực lượng Phòng vệ Israel
Lực lượng Israel và Mỹ tuyên bố bắn hạ 99% UAV và tên lửa do Iran phóng. Nhưng họ chỉ có thể đạt được kết quả này một phần vì các nước Arab đã bí mật chuyển thông tin tình báo về kế hoạch tấn công, mở không phận cho chiến đấu cơ của họ tác chiến, chia sẻ dữ liệu radar hay triển khai lực lượng của chính họ để giúp đỡ, các quan chức Mỹ am hiểu vấn đề cho hay.
Giới chức Mỹ đã phải tốn nhiều năm nỗ lực nhằm phá bỏ các rào cản chính trị và kỹ thuật vốn cản trở hợp tác quân sự giữa Israel và các chính phủ Arab trong khu vực. Thay vì tạo ra một NATO phiên bản Trung Đông, Mỹ đã đi theo con đường ít toàn diện hơn, chỉ tập trung thúc đẩy hợp tác phòng không khu vực nhằm đối phó kho vũ khí UAV và tên lửa đang không ngừng gia tăng của Iran.
Trên thực tế, nỗ lực xây dựng một hệ thống phòng không tích hợp cho khu vực Trung Đông đã hình thành từ nhiều thập kỷ trước, nhưng gần như bế tắc do không đạt được nhất trí của các bên. Sáng kiến này chỉ đạt được động lực sau Hiệp định Abraham năm 2020 do chính quyền tổng thống Donald Trump làm trung gian, thiết lập mối quan hệ giữa Israel với Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain.
Hai năm sau, dưới thời Tổng thống Joe Biden, Lầu Năm Góc chuyển Israel từ Bộ Tư lệnh châu Âu sang Bộ Tư lệnh Trung tâm (CENTCOM), nơi tập hợp phần còn lại của Trung Đông, động thái cho phép mở rộng hợp tác quân sự giữa Tel Aviv với các chính phủ Arab dưới sự bảo trợ của Washington.
"Chuyển địa bàn Israel sang khu vực phụ trách của CENTCOM là bước đi thay đổi cuộc chơi, giúp việc chia sẻ thông tin tình báo và đưa ra cảnh báo sớm giữa các quốc gia trong khu vực trở nên dễ dàng hơn", Dana Stroul, cựu quan chức dân sự cấp cao tại Lầu Năm Góc chịu trách nhiệm về Trung Đông, cho hay.
Tháng 3/2022, tướng thủy quân lục chiến Frank McKenzie, khi đó là chỉ huy hàng đầu của Mỹ trong khu vực, đã triệu tập cuộc họp bí mật với các quan chức quân sự từ Israel và các nước Arab để tìm hiểu cách họ có thể phối hợp chống lại tên lửa và UAV Iran.
Cuộc họp được tổ chức tại Sharm El Sheikh, Ai Cập, đánh dấu lần đầu tiên một loạt sĩ quan cấp cao Israel và Arab gặp nhau dưới chủ trì của quân đội Mỹ để thảo luận về việc chống lại Iran.
"Hiệp định Abraham đã khiến Trung Đông trở nên rất khác, bởi vì nó giúp chúng tôi có thể làm nhiều việc, không chỉ bí mật mà còn công khai", một quan chức cấp cao Israel nhấn mạnh. "Việc gia nhập CENTCOM thậm chí còn cho phép chúng tôi hợp tác kỹ thuật sâu rộng hơn với các chính phủ Arab. Đó là những gì đã làm nên liên minh này".
Nhưng bất chấp những tiến bộ trong hợp tác, Mỹ đến nay vẫn chưa đạt được đầy đủ mục tiêu là để Israel và các quốc gia Arab chia sẻ dữ liệu liên tục theo thời gian thực về các mối đe dọa từ Iran, do những mối lo ngại về chính trị giữa các bên liên quan.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant (giữa) gặp chỉ huy CENTCOM, tướng Michael Erik Kurilla (trái) tại một căn cứ không quân hôm 12/4, trước cuộc tấn công của Iran. Ảnh: Bộ Quốc phòng Israel
Bilal Saab, cựu quan chức Lầu Năm Góc từng theo dõi hợp tác an ninh ở Trung Đông, cho rằng còn quá sớm để nói về hội nhập an ninh trong khu vực sau nỗ lực phòng thủ tập thể đánh chặn UAV, tên lửa Iran.
"Mọi việc luôn diễn ra tuần tự và sự kiện hôm 13/4 là bước đi quan trọng đầu tiên", Saab, hiện là thành viên tổ chức nghiên cứu Chatham House, trụ sở tại London, nhận xét.
Mối hợp tác về phòng không giữa Israel và các nước Arab dưới vai trò trung gian của Mỹ đang trở thành mô hình ngày càng phổ biến. Nhưng liên minh phòng không non trẻ này chưa bao giờ được thử lửa trên chiến trường, cho tới ngày 1/4, khi lãnh sự quán Iran tại Damascus, Syria, bị tập kích tên lửa, khiến 8 người thiệt mạng, trong đó có hai tướng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
Iran cáo buộc Israel đứng sau cuộc tấn công, nhưng Tel Aviv không lên tiếng nhận trách nhiệm. Theo các quan chức Arab Saudi và Ai Cập, sau khi Tehran tuyên bố sẽ đáp trả, giới chức Mỹ bắt đầu thúc giục các nước Arab chia sẻ thông tin tình báo về kế hoạch tác chiến của Iran, cũng như tham gia hỗ trợ đánh chặn UAV và tên lửa nhắm vào Israel.
Hệ thống phòng không nhiều lớp của Israel đã cho thấy khả năng phòng thủ ổn định trước các đợt tấn công bằng UAV hay tên lửa riêng lẻ hoặc quy mô nhỏ. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng nó có thể bị áp đảo bởi một dàn UAV đủ lớn hay một cuộc tập kích tên lửa khổng lồ.
Phản ứng ban đầu từ một số nước Arab là cảnh giác, lo ngại rằng việc hỗ trợ cho Israel có thể khiến họ bị kéo vào cuộc xung đột và đối diện nguy cơ bị Tehran trả thù.
Sau khi đàm phán thêm với Mỹ, UAE, Arab Saudi đã đồng ý chia sẻ thông tin tình báo trên kênh riêng, trong khi Jordan cho biết họ sẽ cho phép chiến đấu cơ Mỹ và các nước khác sử dụng không phận của mình, đồng thời điều động khí tài để hỗ trợ đánh chặn tên lửa, UAV Iran, theo các quan chức am hiểu vấn đề.
Hai ngày trước cuộc tấn công, các quan chức Iran được cho là đã thông báo với Arab Saudi và các nước Vùng Vịnh khác về kế hoạch tập kích Israel để những quốc gia này có thể tự bảo vệ không phận. Thông tin trên sau đó được chuyển tới Mỹ và Israel.
Theo các quan chức cấp cao Israel, khi biết gần như chắc chắn Iran sẽ hành động, Nhà Trắng đã ra lệnh cho Lầu Năm Góc điều động máy bay và các khí tài phòng thủ tên lửa tới khu vực, đồng thời điều phối biện pháp phòng thủ chung giữa Israel và các nước Arab.
"Thách thức là đưa tất cả các quốc gia đó tập hợp xung quanh Israel", một quan chức Mỹ cho hay, lưu ý đến việc Tel Aviv đang bị cô lập trong khu vực vì chiến sự ở Gaza. "Đây là vấn đề ngoại giao".
Theo Yasmine Farouk, chuyên gia tại Viện Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, trụ sở tại Washington, các nước Arab đồng ý giúp đỡ chống lại các cuộc tấn công của Iran vì họ thấy được lợi ích trong việc hợp tác với Mỹ và Israel.
"Các quốc gia Vùng Vịnh biết rằng họ vẫn không nhận được mức hỗ trợ như Israel nhận từ Mỹ và coi những gì họ làm hôm 13/4 như một cách để có được điều đó trong tương lai", Farouk nói.
Tên lửa và UAV Iran đã bị radar cảnh báo sớm ở các quốc gia ven Vịnh Ba Tư phát hiện và theo dõi ngay từ khi phóng. Những radar này có liên kết với sở chỉ huy tác chiến của Mỹ ở Qatar, nơi truyền thông tin tới các tiêm kích, chiến hạm trên biển và những khẩu đội phòng thủ tên lửa tại Israel.
Khi UAV Iran tiến vào tầm bắn, chúng lập tức bị hạ gục, chủ yếu do chiến đấu cơ Israel và Mỹ cùng một số lượng nhỏ chiến đấu cơ Anh, Pháp và Jordan.
Tiêm kích Israel liên tiếp đánh chặn UAV, tên lửa Iran
Khoảnh khắc tiêm kích Israel bắn hạ UAV, tên lửa Iran. Video: IDF, Times of India
Có thời điểm, hơn 100 tên lửa đạn đạo của Iran được phóng cùng lúc hướng về phía Israel. Một quan chức Mỹ cho hay phần lớn đã bị hệ thống phòng không Israel bắn hạ.
Chiến đấu cơ Mỹ đã bắn hạ hơn 70 UAV và hai tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường ở phía đông Địa Trung Hải đánh chặn thành công 6 tên lửa đạn đạo. Quan chức này cho biết thêm hệ thống phòng không Patriot của Mỹ gần Erbil, Iraq, cũng chặn đứng một tên lửa Iran đang trên đường tới Israel.
Theo quân đội Israel, rất ít trong hơn 300 UAV, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo được Iran khai hỏa chạm tới được lãnh thổ nước này và chúng chỉ gây thiệt hại nhỏ cho một căn cứ quân sự ở miền nam.
Một quan chức Israel tham gia vào các nỗ lực hợp tác an ninh khu vực nhấn mạnh mặc dù các bên trước đây vẫn thường xuyên chia sẻ thông tin tình báo về các mối đe dọa phòng không, cuộc tập kích của Iran hôm 13/4 "là lần đầu tiên chúng tôi thấy liên minh này hoạt động hết công suất".
Vũ Hoàng (Theo WSJ, AFP, Reuters)
Nguồn: VNEXPRESS.NET