Cuộc xung đột ở Gaza đi đến thời điểm quyết định

Cuộc xung đột giữa Israel và Hamas ở Gaza được đánh giá là đang đi đến thời điểm quyết định khi bước sang tháng thứ 7, kéo theo khủng hoảng nhân đạo thảm khốc.

1 Cuoc Xung Dot O Gaza Di Den Thoi Diem Quyet Dinh

Trẻ em vui chơi trên đống đổ nát tại Gaza ngày 11/4 (Ảnh: Reuters).

Israel bắt đầu không kích nhắm vào Gaza sau cuộc tấn công ngày 7/10/2023 của lực lượng Hamas. Chiến dịch trả đũa của Israel cho đến nay đã khiến ít nhất 33.000 người thiệt mạng và 75.000 người khác bị thương, trong đó hầu hết là phụ nữ và trẻ em.

Trong tuyên bố đưa ra vào cuối tuần trước, Giám đốc Ban điều phối của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc - ông Ramesh Rajasingham cho biết, người dân Gaza đã phải gánh chịu những hậu quả khủng khiếp kể từ khi chiến sự bùng nổ.

Và sau 6 tháng bước ngoặt với tình cảnh thảm khốc, người dân Gaza đang trông chờ vào những giải pháp cụ thể giúp chấm dứt thảm cảnh mà họ đang phải gánh chịu.

Theo các chuyên gia, có dấu hiệu của thời điểm quyết định cho tình hình chiến sự Gaza.

Hôm 7/4, Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết, sư đoàn đặc công số 98 của họ, bao gồm các lực lượng mặt đất đặc biệt, đã "kết thúc nhiệm vụ" ở miền nam Gaza và sẽ rời khỏi vùng đất này "để hồi phục và chuẩn bị cho các hoạt động trong tương lai".

IDF cho biết sẽ chỉ còn một lữ đoàn ở lại miền nam Gaza, đóng quân trên hành lang phân chia miền bắc và miền nam Gaza. Đồng thời với việc rút quân này, Israel đã chuyển sang mở các điểm tiếp cận bổ sung tới phía bắc Gaza nhằm cho phép dòng viện trợ chảy vào. Quyết định này, ít nhất về mặt lý thuyết là bỏ qua các rào cản hậu cần vốn đã khiến hàng viện trợ bị mắc kẹt gần các cửa khẩu biên giới ở phía nam Gaza trong suốt thời gian qua.

Israel cho biết đang nỗ lực tăng số lượng xe tải viện trợ vào Gaza, trong khi IDF thông báo 468 xe tải chở hàng viện trợ đã được "kiểm tra và chuyển đến Gaza" hôm 9/4, đánh dấu con số xe tải đến Gaza lớn nhất trong một ngày kể từ khi bắt đầu chiến sự.

Đằng sau những tín hiệu "ánh sáng le lói cuối đường hầm" này là các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Cairo (Ai Cập), nơi các quan chức đã tích cực nói về khả năng đạt được một thỏa thuận có thể giúp một số trong hơn 100 con tin còn lại bị Hamas giam giữ ở Gaza được trả tự do để đổi lấy các tù nhân Palestine bị Israel giam giữ.

Ngoại trưởng Israel Israel Katz hôm 8/4 cho biết các cuộc đàm phán đang ở "thời điểm quan trọng", trong khi Hamas cho biết họ sẽ xem xét các đề xuất.

Áp lực từ cộng đồng quốc tế

Những bước ngoặt thay đổi này diễn ra trong bối cảnh Israel đối mặt áp lực quốc tế dữ dội nhất trong nhiều thập kỷ, nhằm chấm dứt chiến sự ở Gaza.

Thậm chí, đồng minh thân cận Mỹ cũng đã nhiều lần kêu gọi ngừng bắn và nhấn mạnh Israel nên cho phép thêm dòng viện trợ vào Gaza để ngăn chặn nạn đói. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng phản đối ý tưởng tấn công thành phố Rafah ở phía nam, nơi Israel cho là thành trì lớn cuối cùng của Hamas.

Hồi tuần trước, Tổng thống Biden cảnh báo Thủ tướng Benjamin Netanyahu rằng ông có thể mất sự hỗ trợ của Mỹ cho cuộc chiến nếu không thay đổi hướng đi.

Phát biểu tại Nhà Trắng hôm 10/4, Tổng thống Biden cho rằng, Tel Aviv vẫn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn mà ông yêu cầu. "Chúng ta sẽ xem ông ấy (Thủ tướng Netanyahu) làm gì trong việc đáp ứng những cam kết mà ông ấy đã đưa ra với tôi", ông Biden nói.

Các quan chức Mỹ coi những thay đổi trong chính sách của Israel là dấu hiệu cho thấy họ đang đi đúng hướng.

Trong cuộc họp của Ủy ban Quân vụ Thượng viện hôm 9/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói với nghị sĩ rằng, áp lực của Washington với Tel Aviv đang có hiệu quả. "Rõ ràng nó đã có tác dụng. Chúng tôi đã thấy những thay đổi trong hành động và chúng tôi đã thấy dòng viện trợ nhân đạo đến Gaza đã tăng lên", Bộ trưởng Austin nói. "Hy vọng xu hướng đó sẽ tiếp tục", ông nhấn mạnh.

Nhưng đòn bẩy mạnh nhất đối với Israel vẫn chưa được áp dụng. Các quốc gia phương Tây như Mỹ và Đức đang đối mặt với lời kêu gọi phải "ngừng hoàn toàn hoặc hạn chế bán vũ khí cho Israel".

Theo một phân tích của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm được công bố vào tháng 3, Mỹ và Đức đã cung cấp khoảng 99% tổng số vũ khí nhập khẩu cho Israel từ năm 2019-2023. Hiện tại, một số quốc gia nhỏ hơn đã chuyển sang chặn xuất khẩu vũ khí sang Israel.

Trong khi đó, ở trong nước, Thủ tướng Netanyahu đang phải đối mặt với áp lực của những người biểu tình yêu cầu từ chức vì cách ông điều phối chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza. Những người tham gia phong trào biểu tình bao gồm nhiều thành viên gia đình của các con tin, vốn đang chỉ trích ông Netanyahu đặt ưu tiên tương lai chính trị của mình hơn là giải cứu những người thân yêu của họ.

Vì vậy, nhà lãnh đạo này cũng đang phải đối mặt với áp lực phải đạt được một thỏa thuận có thể giải thoát những con tin còn lại bị Hamas bắt giữ giữa lúc không rõ có bao nhiêu người còn sống hay đã chết.

Ở mốc 6 tháng, vẫn chưa rõ cuộc xung đột Gaza sẽ đi theo hướng nào. Thủ tướng Netanyahu và các quan chức Israel khác vẫn tuyên bố, tiêu diệt Hamas vẫn là mục tiêu cuối cùng của họ, với một cuộc tấn công vào Rafah, một thành phố hiện có đông dân thường phải di tản, vẫn đang được lên kế hoạch, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ Mỹ và các đồng minh khác.

Hamas vẫn đang hoạt động ở Gaza, nơi các nhà lãnh đạo quan trọng nhất của lực lượng này đang ẩn náu, trong khi nhóm này đang phản đối các đề xuất ngừng bắn của Mỹ. Họ tiếp tục kêu gọi chấm dứt hoàn toàn chiến tranh, báo Wall Street Journal đưa tin hôm 10/4.

Có rất ít bằng chứng về sự rút lui, nhất là sau khi thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh xác nhận thông tin về việc 3 người con trai và ít nhất 2 cháu của ông đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel ở phía tây thành phố Gaza. Hiện chưa rõ vụ việc này có thể ảnh hưởng như thế nào đến các cuộc đàm phán ngừng bắn kéo dài nhiều tháng qua do các bên hòa giải quốc tế làm trung gian, mặc dù ông Haniyeh cho biết Hamas sẽ không nhượng bộ trước áp lực.

Ở Gaza, người Palestine, hiện có thể trở về nhà sau khi lực lượng Israel rút quân, đang ở tình thế tiến thoái lưỡng nan khi những ngôi nhà cũ đã bị hư hại còn nơi ẩn náu mới lại không an toàn.

"Tôi không thể nhận ra nơi này", một nhân viên nhân đạo người Palestine nói. "Ngay cả đường phố cũng không còn nữa".

Theo Washington Post

Nguồn: Báo điện tử Dân trí

Bài liên quan