Ông Herman Gref, Giám đốc điều hành (CEO) của Sberbank, ngân hàng lớn nhất của Nga tính theo giá trị tài sản, cho rằng nền kinh tế nước này "đang quá nóng".
Nền kinh tế quá nóng
Kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, nền kinh tế Nga đã bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của cộng đồng toàn cầu, trong đó các quốc gia phương Tây tung ra các lệnh hạn chế khắc nghiệt nhất, đặc biệt là đối với ngành thương mại của Nga.
Mặc dù vậy, các hoạt động thời chiến gia tăng đã khiến nền kinh tế Nga tăng trưởng 3,6% vào năm ngoái bất chấp tác động đáng kể của các lệnh trừng phạt. Theo CEO Sberbank, sự tăng trưởng này là dấu hiệu của một “nền kinh tế quá nóng”.
Ông Herman Gref, Giám đốc điều hành của Sberbank.
Ông Gref cũng nhấn mạnh rằng Nga cần phát triển các biện pháp đối phó với trí tuệ nhân tạo: “Để chống lại các cuộc tấn công một cách hiệu quả cần có trình độ công nghệ cao hơn. Rất nhiều tội phạm mạng hiện đang sử dụng ‘một đội quân’. Một 'đội quân' của Ukraine, một 'đội quân' của Mỹ hiện đang chống lại chúng ta. Chắc chắn, tất cả các cuộc tấn công hiện đại này đều được thực hiện với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo".
Ông Gref trước đây từng giữ chức Bộ trưởng Kinh tế và Thương mại trong nội các Nga trước khi từ chức vào năm 2007, khi ông được bầu làm chủ tịch Sberbank, một ngân hàng quốc doanh.
Có cùng quan điểm với CEO Sberbank, ông Sergei Guriev, cựu kinh tế trưởng tại Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu, hồi tháng 1 từng nhấn mạnh rằng chỉ riêng số liệu GDP màu hồng không phải là thước đo tốt về hiệu quả kinh tế trong thời chiến vì vũ khí và đạn dược không cải thiện chất lượng cuộc sống của người Nga hoặc góp phần vào tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Các báo cáo từ Nga cho thấy nền kinh tế nước này chủ yếu được thúc đẩy bởi các hoạt động thời chiến tạo ra nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ quân sự. Hiện ngoài lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, các lĩnh vực quan trọng khác của nền kinh tế Nga đang trong tình trạng khá căng thẳng.
Những lo ngại của ông Gref cũng giống với lo ngại của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) Elvira Nabiullina, người đã đưa ra cảnh báo vào tháng 12 năm ngoái rằng nền kinh tế nước này có nguy cơ quá nóng.
“Nền kinh tế đang phát triển quá nhanh vì nó đang sử dụng gần như tất cả các nguồn lực sẵn có. Lạm phát cao dai dẳng là bằng chứng cho thấy nền kinh tế đã đi chệch khỏi tiềm năng và thiếu sót năng lực để đáp ứng nhu cầu tăng cao”, bà Nabiullina nhấn mạnh.
Khủng hoảng lao động ở Nga
Một bài toán đau đầu không kém của chính quyền Nga ở thời điểm hiện tại là vấn đề lạm phát. Tỷ lệ lạm phát của Nga đứng ở mức 8,17% từ ngày 28/5 đến ngày 3/6, tăng từ mức 8,07% một tuần trước đó.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) Elvira Nabiullina trong một buổi làm việc với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin.
Theo các nhà quan sát, lạm phát ở Nga tăng cao một phần là do khủng hoảng lực lượng lao động. Cuộc chiến ở Ukraine đang hút nhân lực ra khỏi nền kinh tế.
Vào tháng 3/2023, Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Galina Karelova tuyên bố rằng hơn 8,4 triệu việc làm đã gặp rủi ro do áp lực quốc tế, đặc biệt là tại các công ty quốc tế có trụ sở tại phương Tây.
Dữ liệu chính thức cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của Nga đạt mức thấp kỷ lục 2,6% trong tháng 4, trong khi tiền lương thực tế tăng gần 13% trong tháng 3 so với một năm trước do cuộc khủng hoảng lao động đang diễn ra.
Cuộc khủng hoảng nhân lực đã trở nên tồi tệ đến mức quân đội Nga hiện đang đưa ra các khoản tiền thưởng và lương khi nhập ngũ với con số cạnh tranh đến mức ngay cả ngành công nghiệp dầu khí sinh lợi của đất nước cũng không thể theo kịp.
Theo Thống đốc Nabiullina, sự thiếu hụt nhân sự vẫn là một hạn chế nghiêm trọng đối với tăng trưởng sản xuất.
Ngân hàng trung ương Nga dự báo tăng trưởng GDP năm nay đạt 1,0-2,0%, trong khi Quỹ Tiền tệ quốc tế dự kiến nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 2,6%. Ngân hàng trung ương Nga dự kiến sẽ công bố quyết định điều chỉnh lãi suất tiếp theo vào ngày 7/6.
Theo News Week