Hội nghị quốc tế vì hòa bình Ukraina ra thông cáo chung, được phần lớn trong số 92 nước tham dự hội nghị ủng hộ, nhấn mạnh đến « nguyên tắc chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước, trong đó có Ukraina », lên án việc « quân sự hóa an ninh lương thực », đồng thời kêu gọi « trao trả trẻ em bị trục xuất sang Nga và trả tự do cho tù binh ».
Hội nghị quốc tế vì hòa bình Ukraina bế mạc ngày 16/06/2024, sau 2 ngày đàm phán về những đề xuất của Kiev. Thông cáo chung, được phần lớn trong số 92 nước tham dự hội nghị ủng hộ, nhấn mạnh đến « nguyên tắc chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước, trong đó có Ukraina », lên án việc « quân sự hóa an ninh lương thực », đồng thời kêu gọi « trao trả trẻ em bị trục xuất sang Nga và trả tự do cho tù binh ».
Tổng thống Ukraina, Volodymyr Zelensky, tại Hội nghị quốc tế vì hòa bình Ukraina, được tổ chức tại Thụy Sĩ, ngày 15/06/2024. AFP - ALESSANDRO DELLA VALLE
Đây là 3 điểm được tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky nêu lên trước đó nhằm đạt được đồng thuận của 92 nước tham gia hội nghị, để xây dựng một kế hoạch hành động và đề xuất kế hoạch này với chính quyền Nga. Trước khi thông cáo được công bố chính thức, AFP cho biết ngoại trưởng Ukraina Dmitro Kouleba tỏ ra hài lòng, đánh giá là « hợp lý ». Ông cũng nhấn mạnh trước báo giới ở Bürgenstock là hội nghị « không thảo luận gì khác ngoài những đề xuất mà Ukraina đưa ra », ngụ ý nói đến kế hoạch về hòa bình của Nga và Trung Quốc.
Tuy nhiên, thông cáo cũng lưu ý là để đi đến hòa bình, « cần phải có sự tham dự của tất cả các bên liên quan », ý muốn nói đến Nga. Ngay trong ngày đầu hội nghị (15/06), một số nước, như Kenya, Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ, lấy làm tiếc rằng Nga, cũng như tổng thống Vladimir Putin, không được mời đến Thụy Sĩ.
Đặc phái viên Jérémie Lanche tường trình từ Bürgenstock :
« Khoảng 60 nguyên thủ quốc gia và thủ tướng chính phủ hầu hết đi qua trước các phóng viên nhưng rất ít người trong số họ dừng lại để trả lời câu hỏi gần như duy nhất được đặt ra : Lần tới có nên mời Nga không ? Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu trả lời với ẩn ý là có nhưng không nêu rõ. Ông phát biểu : « Cuộc họp này là một chặng quan trọng, thiết yếu, nhưng đây chỉ là bước đầu của một tiến trình mà cần phải hội tụ thêm ».
Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng nhắc lại trước các đồng nhiệm : « Khi một kế hoạch hành động được các nước tham gia hội nghị chấp nhận, kế hoạch đó sẽ được thông báo cho Nga để chúng tôi có thể thực sự chấm dứt chiến tranh ».
Chỉ có điều là, như phó tổng thống Mỹ Kamala Harris nhận định, tất cả những gì điện Kremlin đề xuất vào lúc này là « Ukraina đầu hàng ». Sau đó, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng phát biểu : « Mọi người ở đây đều muốn hòa bình lâu dài, nhưng không thể đánh đổi với việc Ukraina đầu hàng. Không ai trong căn phòng này đang có chiến tranh với Nga. Nhưng tất cả đều muốn một nền hòa bình bền vững, tức là tôn trọng luật pháp quốc tế và khôi phục toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraina ».
Cuối cùng, chính tổng thống Slovenia, một trong những người hiếm hoi trả lời báo giới, lại tóm lược tình hình đầy đủ hơn cả. Bà Nataša Pirc Musar phát biểu : « Chúng ta không thể đàm phán hòa bình giữa những nước có cùng suy nghĩ mà phải nói chuyện với kẻ thù. Có điều không ai ở đây biết phải nói với Vladimir Putin như thế nào ».
Bên lề hội nghị, phó tổng thống Mỹ Kamala Harris thông báo Hoa Kỳ sẽ giải ngân thêm 1,5 tỉ đô la cho Ukraina, chủ yếu để hỗ trợ lĩnh vực năng lượng và viện trợ nhân đạo. Ngày 16/06, Na Uy thông báo viện trợ 103 triệu đô la cho lĩnh vực năng lượng của Ukraina.
Lính Ukraina « lạnh nhạt » với kế hoạch vãn hồi hòa bình của Putin
Vào lúc tổng thống Zekensky trình bày về kế hoạch hòa bình tại hội nghị đang diễn ra tại Thụy Sĩ, thì trên chiến trường, lính Ukraina dửng dưng với những đề xuất tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra cách nay hai ngày.
Đặc phái viên của RFI Anastasia Becchio và Boris Vichith gặp một số quân nhân Ukraina đang cầm cự trong vùng Donbass :
« Khi không hoạt động trên các chiến tuyến để cản đường quân Nga, Oleh, vừa tròn 29 tuổi, tìm kiếm thông tin về những diễn biến mới nhất trên trường quốc tế. Anh được biết thông tin là tổng thống Nga tuyên bố sẵn sàng chấm dứt chiến tranh, nhưng đòi chiếm đoạt đất đai của Ukraina. Theo anh, đây là một ý tưởng rất tệ. Oleh nói : « Chúng tôi phải tiếp tục giữ vững lập trường và không thể chấp nhận điều đó. Tôi nghĩ rằng cuối cùng thì cũng sẽ đẩy được quân ngoại xâm và Nga sẽ phải chấp nhận các điều kiện của chúng tôi ».
Trước mắt, Ukraina đang trong thế thủ. Hiện tại, những người lính thuộc lữ đoàn tấn công 80 mà chúng tôi gặp được tại một trại tập huấn, chưa than phiền vì thiếu đạn dược. Nhưng họ bắt đầu cảm thấy thiếu những người cầm súng chiến đấu. Các đợt tuyển thêm quân vẫn chậm trễ. Vitaly lấy làm tiếc về điều này. Người thanh niên, 24 tuổi, quê quán tại Soumy, là lính tự nguyện nhập ngũ ngay từ những ngày đầu chiến tranh.
Anh nói : « Quân số của phe địch đông hơn chúng tôi rất nhiều. Điều ấy đã quá rõ. Tôi không biết phải làm gì để động viên thanh niên nhập ngũ. Ai cũng sợ. Nhưng khi kẻ thù đến gõ cửa từng nhà thì có chạy trốn cũng không kịp. Vì vậy phải hành động ngay bây giờ. Không phục vụ cho quân đội của mình, rồi thì chúng tôi cũng sẽ phải phục vụ cho phe bên kia mất thôi ! »
Dọc theo con lộ chính, chung tôi trông thấy rất nhiều xe của quân đội, xe cứu thương và những tấm biểu ngữ kêu gọi thanh niên gia nhập ngũ ».
Theo RFI