Khắc nghiệt cuộc sinh tồn của người dân Ukraine nơi tiền tuyến

Vì nhiều lý do, không ít người Ukraine buộc lựa chọn ở lại quê nhà ở tiền tuyến, đối mặt với cuộc sống sinh tồn khắc nghiệt.

1 Khac Nghiet Cuoc Sinh Ton Cua Nguoi Dan Ukraine Noi Tien Tuyen

Cư dân ở làng Dobropillia, Zaporizhia, miền Nam Ukraine tích trữ củi để vượt qua mùa đông giá rét giữa chiến sự (Ảnh: New York Times).

Phần lớn người dân Ukraine đã sơ tán khi chiến sự tràn qua miền Nam và miền Đông nước này, song vẫn còn những người đã không thể, hoặc không muốn, rời đi và đối mặt với cuộc sống sinh tồn khắc nghiệt.

Các cuộc đấu pháo, không kích và giao tranh ác liệt kéo dài hơn 2 năm qua đã phá hủy những con đường, những ngôi làng và cả các cánh đồng dọc chiến tuyến dài gần 1000km của Ukraine.

Có những nơi bị san phẳng và sẽ phải mất nhiều năm, thậm chí hàng chục năm, để hồi sinh. Tuy nhiên, đằng sau những đống đổ nát ấy vẫn là nhà cửa của những cư dân không muốn rời đi.

Có rất nhiều lý do để những người này lựa chọn ở lại: chăm sóc các thành viên khuyết tật trong gia đình, chăm sóc thú cưng hay gia súc, hoặc đơn giản hơn là tình yêu quê hương của họ. Tuy nhiên, ở những nơi mà tiếng pháo nổ đều đặn như một thứ âm thanh thường thấy, chiến sự chưa bao giờ gần đến vậy.

Tại thành phố cảng Kherson và những ngôi làng xung quanh ở miền Nam Ukraine, nơi quân đội Nga đang kiểm soát, người dân phải chịu đựng một mùa đông giá lạnh và không có điện.

Một số người đã rời đi ngay sau lần đầu tiên Nga kiểm soát thành phố và quay trở lại vào tháng 11/2022, sau khi quân đội Ukraine giành lại thành phố.

Mặc dù vậy, các cuộc sơ tán vẫn diễn ra hàng tuần. Dân số hiện tại của Kherson là 60.000 người, khoảng 1/5 tổng số dân trước khi xung đột xảy ra.

Cách Kherson hàng trăm km về phía đông là vùng Donetsk. Bất chấp chiến sự, các mỏ than trong khu vực vẫn hoạt động như bình thường.

Sâu trong một khu mỏ gần thành phố Pokrovsk, cách tiền tuyến khoảng 34km, ông Volodymyr Kyrylov luôn nghĩ đến cuộc chiến dù ở độ sâu 600m dưới lòng đất, ông không còn nghe thấy tiếng pháo kích.

"Làm sao tôi có thể quên được cuộc chiến khi tôi còn gia đình, các con và mẹ tôi đang đơn độc ở trên đó? Tôi cố xong việc sớm và quay trở lại mặt đất để gọi điện hỏi thăm gia đình", người đàn ông này chia sẻ.

Ở phía bắc Ukraine, gần Kharkov, nơi chỉ cách tiền tuyến chưa đầy 10km, người dân sống trong tầm bắn của pháo binh Nga.

Mùa thu năm ngoái, bà Halyna Stychnykh, 78 tuổi, đứng đợi Đội Chữ thập đỏ trước nhà ở làng Iziumske. Bà ôm chặt chiếc phong bì đựng tài liệu cá nhân và đưa ra một quyết định mà nhiều người Ukraine sống giữa làn đạn chưa làm được: rời đi.

"Chúng tôi mang theo 4 chiếc túi. Chúng tôi chỉ lấy quần áo. Mọi thứ khác đều đã bị bỏ lại phía sau", bà Stychnykh kể về ngày sơ tán khỏi nơi đã là quê hương của bà suốt 50 năm.

Binh sĩ Ukraine gọi người dân ở lại là "những người chờ đợi", dường như ám chỉ họ đang thực sự "chờ đợi quân đội Nga đến".

Ở miền Nam Ukraine, nơi cuộc phản công của Ukraine không đạt kết quả như mong đợi, khoảng 1.500 cư dân vẫn ở lại thị trấn Huliaipole cách tiền tuyến chỉ hơn 6km.

Vào một ngày đông cuối năm 2023, bà Halyna Lyushanska, 79 tuổi, là bệnh nhân duy nhất còn lại tại bệnh viện tồi tàn của thị trấn.

Bà Lyushanska cho biết nguồn thu nhập duy nhất của bà là tiền lương hưu khoảng 100 USD/tháng. Bà từng làm việc ở một trang trại ngựa, nhưng giờ đây, bà và người con gái 50 tuổi đã mất gần hết trại gia súc. Họ không muốn rời đi, bất đắc dĩ phải nhờ đến sự trợ giúp từ chính phủ và các tình nguyện viên để sống qua mùa đông.

"Thị trưởng đã hứa cung cấp các tấm nệm để chúng tôi giữ ấm trong mùa đông. Họ hứa hẹn, nhưng tôi không mong chờ bất kỳ sự giúp đỡ nào", bà Lyushanska bất lực trên giường bệnh.

Khi cuộc xung đột bước sang năm thứ 3, những người dân nơi tiền tuyến như bà Lyushanska biết tương lai sẽ ngày một khó khăn hơn. Tuy nhiên, người dân nơi đây nói rằng, dù chiến sự kéo dài bao lâu, dù đạn pháo bắn dày đặc hơn, bất kể còn bao nhiêu mùa đông lạnh giá nữa, vẫn sẽ luôn có những người chọn ở lại.

Theo New York Times

Nguồn: Báo điện tử Dân trí

Bài liên quan