Trong một bài phát biểu ở Frankfurt, Đức ngày 21/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen gợi ý rằng phía châu Âu nên có hành động “bổ sung” cho việc Mỹ áp thuế lên hàng Trung Quốc...
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen - Ảnh: Bloomberg
Theo tờ báo Wall Street Journal, Mỹ đang kêu gọi sự ủng hộ của châu Âu nhằm chống lại làn sóng xuất khẩu hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc ra toàn cầu, đặc biệt sau khi Washington ra quyết định tăng thuế với gần 18 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ tuần trước.
Trong một bài phát biểu ở Frankfurt, Đức ngày 21/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen gợi ý rằng phía châu Âu nên có hành động “bổ sung” cho việc Mỹ áp thuế lên hàng Trung Quốc.
“Khi chúng ta ngồi đây trong căn phòng này, chính sách công nghiệp của Trung Quốc tưởng chừng như là một câu chuyện xa vời. Nhưng nếu chúng ta không phản ứng một cách chiến lược và thống nhất, sinh tồn của các doanh nghiệp ở cả Mỹ và châu Âu cũng như trên thế giới có thể lâm nguy”, bà Yellen phát biểu.
Tuần này, bà Yellen sẽ tham dự cuộc họp của các bộ trưởng tài chính thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và dự kiến thúc đẩy tầm nhìn chung về thương mại với Trung Quốc. G7 gồm Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada và Italy.
Theo các nhà phân tích, dù Liên minh châu Âu (EU) thời gian qua cũng thể hiện lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc, nhưng nhiều quan chức khối này vẫn hoài nghi liệu cách tiếp cận của Washington với quốc gia châu Á có đi ngược với các quy định thương mại toàn cầu hay không. Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng EU đang tìm cách bảo toàn mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc – một đối tác thương mại lớn của khu vực.
Trong một cuộc tranh luận chính trị ngày 21/5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhấn mạnh rằng EU có chung mối lo ngại về Trung Quốc với Mỹ, trong đó có vấn đề dư thừa công suất. Tuy nhiên, thay vì áp đặt thuế quan, “chúng ta nên có một cách tiếp cận khác, phù hợp hơn”, bà von der Leyen nói.
Trong tháng này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến công du tới 3 quốc gia châu Âu nhằm củng cố mối quan hệ kinh tế. Trong khi đó, phía Mỹ xem sự ủng hộ của châu Âu là nhân tố quan trọng nhằm cô lập Trung Quốc trên trường quốc tế và củng cố cho lập trường phản đối các hành động thương mại của đất nước tỷ dân.
Nhiều tháng trước khi Washington thông báo kế hoạch tăng thuế tuần trước, các quan chức cấp cao của Chính phủ Mỹ liên tục phàn nàn về tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc trong một số ngành công nghiệp quan trọng. Cả Mỹ và EU đều khẳng định sẽ giảm sự phụ thuộc vào các doanh nghiệp Trung Quốc. Tuy vậy, các quan chức châu Âu lo rằng việc tăng thuế quan giống như của Mỹ sẽ vi phạm các quy định toàn cầu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến công du tới 3 quốc gia châu Âu trong tháng này - Ảnh: Getty Images
Năm ngoái, EU mở cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo dữ liệu của công ty nghiên cứu Rhodium Group, kim ngạch nhập khẩu xe điện Trung Quốc vào khối này năm ngoái là 11,5 tỷ USD, chiếm 37% tổng kim ngạch nhập khẩu xe điện của khối.
Nếu quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời với xe điện Trung Quốc, EU sẽ thông báo các công ty bị ảnh hưởng vào đầu tháng sau. Các biện pháp dài hạn hơn nếu có sẽ được công bố vào tháng 11 tới.
Tại sự kiện ngày 21/5, bà von der Leyen cho biết kể cả nếu EU áp thuế với xe điện Trung Quốc thì thuế suất cũng thấp hơn so với mức 100% của Mỹ.
Cuộc điều tra chống trợ cấp xe điện của khối này nằm trong chiến lược sử dụng các công cụ pháp lý hợp pháp để phản ứng với chính sách kinh tế của Trung Quốc. Những tháng gần đây, EU cũng mở một loạt các cuộc điều tra xem liệu trợ cấp Bắc Kinh với các công ty của nước này có đang giúp họ có lợi thế cạnh tranh thiếu công bằng trên thị trường EU hay không.
“EU sẽ tiếp tục theo đuổi nhiều biện pháp nhằm xử lý các hành vi thương mại thiếu công bằng”, một người phát ngôn của EU cho biết.
Tuy nhiên, các nước thành viên EU vẫn còn nhiều chia rẽ về cách thức phản ứng với chính sách của Trung Quốc. Trong đó, Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu và cũng là nước xuất khẩu lớn trong khối – nhiều khả năng sẽ không tăng thuế với xe điện Trung Quốc. Bởi lẽ, Trung Quốc là một thị trường quan trọng với các nhà sản xuất Đức, trong khi đó, các thương hiệu phương Tây, bao gồm Tesla, BMW, đều đang sản xuất xe điện ở Trung Quốc và xuất khẩu sang châu Âu.
Việc leo thang căng thăng làm gia tăng nguy cơ Trung Quốc sẽ có động thái trả đũa nhằm vào Mỹ và EU.
Phòng Thương mại Trung Quốc tại EU ngày 21/5 cảnh báo Bắc Kinh có thể tăng thuế với một số loại xe nhập khẩu vào Trung Quốc. Bắc Kinh hôm Chủ nhật cũng mở một cuộc điều tra chống bán phá giá mặt hàng polyoxymethylene (POM) – loại nhựa sử dụng trong sản xuất linh kiện ô tô và hàng điện tử - đối với một số công ty của Mỹ, EU, Nhật Bản và Đài Loan.
Phản ứng trước hành động này, EU cho biết sẽ nghiên cứu kỹ nội dung cuộc điều tra của Trung Quốc trước khi có quyết định hành động.