Na Uy tuyên bố sẽ bắt giữ Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Israel nếu Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) phát lệnh.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (Ảnh: Reuters).
Ngoại trưởng Na Uy Espen Barth Eide ngày 22/5 tuyên bố, nếu Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) phát lệnh bắt giữ đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, nước này sẽ có nghĩa vụ thực thi lệnh bắt giữ hai quan chức Israel nếu họ đến Na Uy.
Na Uy là quốc gia châu Âu đầu tiên tuyên bố sẽ bắt giữ hai quan chức Israel theo lệnh của ICC.
Một báo điện tử của Na Uy cho biết Ngoại trưởng Eide xác nhận rằng, Thủ tướng Netanyahu có nguy cơ bị dẫn độ nếu đến thăm Na Uy.
"Chúng tôi hy vọng tất cả quốc gia thành viên ICC cũng sẽ làm như vậy", ông Eide nói.
Theo ông Eide, Na Uy cũng sẽ hành động tương tự đối với 3 thủ lĩnh cấp cao của Hamas gồm Yahya Sinwar, Mohammed Deif và Ismail Haniyeh nếu ICC phát lệnh bắt giữ họ.
"Nếu họ hoặc bất kỳ nhà lãnh đạo Hamas nào đến Na Uy, theo luật pháp quốc tế, chúng tôi có nghĩa vụ bắt giữ họ. Nguyên tắc tương tự áp dụng cho tất cả các nước châu Âu, ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ", ông Eide cho biết thêm.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Na Uy được đưa ra sau khi Công tố viên trưởng của ICC Karim Khan cho biết ông đang xin lệnh bắt Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar. Ngoài ra, công tố viên ICC cũng xin lệnh bắt Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, cũng như hai lãnh đạo hàng đầu khác của Hamas.
Một hội đồng thẩm phán ICC sẽ xem xét đơn xin lệnh bắt giữ của công tố viên Karim Khan.
Ông Khan cho biết các cáo buộc chống lại nhóm thủ lĩnh Hamas bao gồm "tàn sát, giết người, bắt con tin, cưỡng bức và tấn công tình dục trong trại giam".
Ông Khan nói rằng các cáo buộc chống lại Thủ tướng Netanyahu và Bộ trưởng Gallant bao gồm "gây ra cuộc tàn sát, gây ra nạn đói như một biện pháp chiến tranh, bao gồm việc từ chối cung cấp viện trợ nhân đạo, cố tình nhắm vào dân thường trong xung đột".
Sau khi các kênh truyền thông hồi tháng trước đưa tin ICC chuẩn bị phát lệnh bắt giữ các quan chức Israel, Thủ tướng Netanyahu nói rằng bất kỳ lệnh bắt giữ nào của ICC đối với các quan chức quân sự và chính phủ cấp cao của Israel "sẽ là một sự xúc phạm có quy mô lịch sử" và rằng Israel "có một hệ thống pháp luật độc lập điều tra nghiêm ngặt mọi hành vi vi phạm pháp luật".
Vào tháng 1, Tòa Công lý Quốc tế (ICJ), một cơ quan tư pháp riêng biệt, đã ra phán quyết rằng hành động của quân đội Israel ở Gaza có thể coi là tội diệt chủng.
Vòng xoáy giao tranh hiện nay giữa Israel và Hamas nổ ra vào ngày 7/10/2023, khi nhóm chiến binh Palestine tấn công lãnh thổ Israel, khiến hơn 1.100 người thiệt mạng và bắt hơn 250 người làm con tin. Israel ngay lập tức mở chiến dịch quân sự ở Gaza để đáp trả, đặt mục tiêu "xóa sổ" Hamas.
Ước tính hàng chục nghìn người Palestine đã thiệt mạng ở Gaza trong các cuộc không kích và tấn công trên bộ của Israel. Liên Hợp Quốc đã nhiều lần gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình hình nhân đạo ngày càng tồi tệ ở Gaza, nơi người dân đang phải chịu nạn đói và thiếu nhu yếu phẩm.
Theo Jpost
Nguồn: Báo điện tử Dân trí