Mỹ thông báo sẽ hướng tới việc hợp tác với EU để đối phó với các vấn đề 2 bên cùng quan tâm liên quan tới Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (Ảnh: Reuters).
Hai thành viên cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 21/5 đã phát biểu về việc hợp tác với Liên minh châu Âu để đối phó Trung Quốc.
Các phương án được đề cập tới bao gồm sử dụng lệnh trừng phạt bổ sung để ngăn Trung Quốc "hỗ trợ Nga" trong ngành sản xuất quân sự, cũng như áp thuế để đối phó với tình trạng sản xuất dư thừa của Bắc Kinh.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết nước này sẽ hợp tác với EU để tiếp tục trừng phạt các công ty Trung Quốc cung cấp cho Nga các sản phẩm vi điện tử và công nghệ cao hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng Moscow.
"Không thể để Trung Quốc một mặt tuyên bố muốn xây dựng mối quan hệ tốt hơn với các nước ở châu Âu, mặt khác lại gây ra mối đe dọa an ninh lớn nhất đối với châu Âu kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh", ông tuyên bố.
Ông Blinken mô tả Nga đang "xuất xưởng xe tăng, pháo binh và đạn dược với tốc độ kỷ lục" vì "sự hỗ trợ quá lớn của Trung Quốc dành cho cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga".
Trước đó, cả Nga và Trung Quốc đều bác bỏ thông tin Bắc Kinh hỗ trợ Moscow trong cuộc chiến ở Ukraine, gọi đó là những cáo buộc vô căn cứ "chống lại hoạt động giao thương bình thường giữa 2 nước".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cũng đồng thời chỉ trích nỗ lực viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine là "hoàn toàn vô trách nhiệm".
Vài giờ sau tuyên bố của ông Blinken, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết Washington và EU "sẽ cần tiếp tục phối hợp" để bảo vệ hai nền kinh tế khỏi "chính sách công nghiệp của Trung Quốc".
Bà Yellen cảnh báo rằng việc Trung Quốc sản xuất dư thừa đe dọa các công ty không chỉ ở Mỹ và Châu Âu mà còn ở các thị trường mới nổi trên toàn cầu.
Bà nói: "Chính sách công nghiệp của Trung Quốc có vẻ xa vời khi chúng ta ngồi đây trong căn phòng này, nhưng nếu chúng ta không phản ứng một cách chiến lược và thống nhất, các doanh nghiệp ở Mỹ, châu Âu và trên toàn thế giới có thể gặp rủi ro".
Châu Âu đang mở cuộc điều tra trong hàng loạt lĩnh vực hợp tác với Trung Quốc như đường sắt, năng lượng mặt trời, điện gió và công nghệ.
Phía châu Âu nghi ngờ các chính sách trợ cấp doanh nghiệp công nghệ của Bắc Kinh đã dẫn tới việc các công ty Trung Quốc sản xuất dư thừa sản phẩm vượt ngoài nhu cầu nội địa. Những hàng hóa này sau đó được xuất khẩu ra nước ngoài với giá thành thấp.
Mỹ và châu Âu lo ngại, điều này có thể khiến các doanh nghiệp phương Tây mất đi khả năng cạnh tranh và không bán được hàng khi sản phẩm Trung Quốc tràn ngập thị trường.
Phía châu Âu nói rằng, nếu họ phát hiện ra các biện pháp trợ cấp của Trung Quốc, họ sẽ áp thuế lên hàng hóa Bắc Kinh phù hợp với "mức độ thiệt hại".
Các chuyên gia cảnh báo, Trung Quốc có thể có biện pháp đáp trả và điều này có nguy cơ dẫn tới chiến tranh thương mại.
Theo SCMP
Nguồn: Báo điện tử Dân trí