Trung Đông bên bờ vực chiến tranh

Vụ tấn công bất ngờ nhưng đã được dự đoán trước của Iran vào Israel đặt Trung Đông bên bờ vực cuộc chiến mới (sau chiến sự ở Gaza), đẩy hai nước lún thêm sâu vào vòng xoáy thù hận bất tận.

1 Trung Dong Ben Bo Vuc Chien Tranh

Người biểu tình hò hét trước Đại sứ quán Anh ở thủ đô Tehran sau khi Iran tấn công Israel ngày 14-4 - Ảnh: Reuters

Tình hình hiện nay và các nỗ lực xung quanh Israel, Iran được ví như "lấy giấy gói lửa", bởi bất kỳ hành động vội vàng và tính toán sai lầm nào của các bên đều có thể châm ngòi xung đột cho khu vực vốn được xem như thùng thuốc nổ của thế giới.

Tình huống chưa có tiền lệ

Trong nhiều thập niên đối đầu gay gắt giữa Israel và Iran, chưa bao giờ có một cuộc tấn công nào của Iran vào lãnh thổ Israel. Vụ tấn công đêm 13, rạng sáng 14-4 đã vượt quá dự đoán của nhiều chuyên gia theo dõi tình hình Trung Đông.

"Iran và Israel đang kéo toàn bộ khu vực vào tình huống chưa từng có tiền lệ. Đây là giai đoạn vô cùng nguy hiểm và những hậu quả tiềm tàng đều là thảm họa" - ông Ali Vaez, giám đốc chương trình nghiên cứu Iran của Tổ chức Nhóm Khủng hoảng quốc tế (ICG), nêu bình luận.

Nhưng cũng theo giới quan sát, Israel cùng Mỹ và một số đồng minh rõ ràng đã biết được việc Iran sẽ tấn công trực tiếp vào Israel bằng tên lửa và máy bay không người lái (drone).

Dù không có quan chức nào trực tiếp nói ra, ai cũng hiểu khoảng cách hơn 1.500km giữa Israel và Iran theo đường chim bay đã góp phần giúp Tel Aviv có thêm thời gian bảo vệ an toàn lãnh thổ của mình.

Gần như ngay sau khi drone và tên lửa Iran rời bệ phóng để hướng thẳng về Israel, nước này cùng đồng minh đã có sự báo động và tuyên bố sẵn sàng bắn hạ các vật thể đang bay đến.

Cựu thủ tướng Israel Ehud Barak nhận xét với Đài CNN rằng Israel đã thắng vòng này nhưng Thủ tướng đương nhiệm của Israel, ông Benjamin Netanyahu, phải suy nghĩ trước bất kỳ hành động nào tiếp theo.

Ông Ehud Barak đồng thời cảnh báo việc Israel vẫn đang bị mắc kẹt với cuộc chiến tại Dải Gaza, các con tin vẫn bị giam giữ và biên giới Lebanon - Israel còn đầy bất ổn.

Bà Sima Shine, cựu quan chức cấp cao cơ quan tình báo Mossad của Israel, nhận xét Iran có thể đã cân nhắc việc Israel có hệ thống phòng thủ đa tầng rất mạnh và chủ ý tấn công vào những mục tiêu quân sự, ít thương vong như những gì nước này đã tuyên bố.

Nhưng nếu Iran đang hy vọng vào một phản ứng im lặng của Israel, Tehran có lẽ đang mắc sai lầm. "Tôi không nghĩ Israel sẽ không làm gì sau vụ này", bà Shine nói với Reuters.

Nếu Israel quyết định đáp trả trực diện Iran như lời đe dọa của giới chức nước này, Trung Đông có nguy cơ bước vào vòng xoáy căng thẳng mới, ảnh hưởng đến cả thế giới.

Các lực lượng được Iran hậu thuẫn tại khu vực như Houthi tại Yemen, Hezbollah ở Lebanon hay Hamas tại Dải Gaza gần như chắc chắn sẽ phản ứng nếu kịch bản này xảy ra. Khu vực Biển Đỏ, nơi có nhiều tuyến hàng hải huyết mạch giữa châu Âu và châu Á, có khả năng sẽ bước vào cuộc khủng hoảng mới.

Lực lượng Houthi trước đó đã tập kích các tàu hàng của Israel và đồng minh sau khi Tel Aviv mở chiến dịch tiêu diệt Hamas ở Dải Gaza, gây ảnh hưởng không nhỏ đến giao thương qua khu vực.

2 Trung Dong Ben Bo Vuc Chien Tranh

Nhiều người tụ tập ở cổng Brandenburg gate tại thủ đô Berlin, Đức, vào ngày 14-4 để thể hiện tình đoàn kết với Israel - Ảnh: AFP

Thế giới chạy đua ngăn xung đột

Tại Iran, trong lúc truyền hình nhà nước chiếu cảnh các cuộc tuần hành trên đường để ủng hộ chính phủ đã tấn công Israel, không ít người Iran lo lắng về phản ứng tiếp theo của Israel.

"Iran đã cho ông Netanyahu một cơ hội vàng để tấn công đất nước chúng tôi. Và chúng tôi, những người dân Iran, sẽ phải gánh chịu gánh nặng của cuộc xung đột này" - chị Shima, một y tá 29 tuổi đến từ Tehran, nói với Reuters.

Cho đến thời điểm hiện tại, phản ứng của thế giới với cuộc tấn công thẳng vào Israel của Iran đã thấy rõ. Một bên gồm Israel, Mỹ và các nước phương Tây lên án cái mà họ gọi là sự vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc của Iran.

Bên còn lại ôn hòa hơn, bao gồm Trung Quốc, khi kêu gọi cả Israel và Iran cùng các nhóm vũ trang đồng minh của nước này bình tĩnh, kiềm chế để tránh leo thang thành một cuộc xung đột diện rộng.

Các nhà lãnh đạo nhóm G7 đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến ngày 14-4 để bàn về tình hình mới, thống nhất những phản ứng ngoại giao. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng nhóm họp khẩn cùng ngày (theo giờ Mỹ) để tìm giải pháp ngăn chặn tình hình leo thang.

Nội các chiến tranh Israel họp

20h ngày 14-4 (theo giờ Việt Nam), nội các chiến tranh Israel bắt đầu họp nhằm quyết định nước này sẽ phản ứng như thế nào với cuộc tấn công của Iran.

Nội các chiến tranh này bao gồm Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant, cựu phó thủ tướng kiêm cựu bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz. Tổng tham mưu trưởng quân đội Israel Herzi Halevi, lãnh đạo cơ quan tình báo Mossad David Barnea, Bộ trưởng Các vấn đề chiến lược Ron Dermer... cũng dự họp.

Ông Gantz phát biểu ngay trước khi cuộc họp bắt đầu: "Đối mặt với mối đe dọa từ Iran, chúng tôi sẽ xây dựng một liên minh vùng và bắt Iran phải trả giá theo phương thức và vào thời điểm phù hợp với chúng tôi".

Bên ngoài phòng họp nội các chiến tranh, Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich và Bộ trưởng An ninh quốc gia Itamar Ben-Gvir - lãnh đạo hai đảng cực hữu thuộc Quốc hội Israel - cùng đề nghị Tel Aviv phải có biện pháp đáp trả cứng rắn với Tehran.

Đại sứ Israel tại Việt Nam: sẽ bảo vệ công dân Việt Nam và các nước

3 Trung Dong Ben Bo Vuc Chien Tranh

Đại sứ Israel tại Việt Nam Yaron Mayer

Trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ vào ngày 14-4, Đại sứ Israel tại Việt Nam Yaron Mayer đã chia sẻ về vụ Iran tấn công trả đũa Israel cũng như lập trường của Israel giữa giai đoạn nhiều xung đột hiện nay.

Ông Mayer khẳng định Iran đã đi quá giới hạn khi tấn công Israel hôm 14-4, đồng thời không tán thành lập luận của Tehran rằng họ đã hành động dựa trên điều 51 Hiến chương Liên Hiệp Quốc về quyền tự vệ hợp pháp.

Theo Đại sứ Israel tại Việt Nam, vụ tấn công này không phải một sự kiện riêng lẻ mà là một phần trong chiến dịch đang tiếp diễn của Iran.

"Họ có thể tuyên bố đây là hành động tự vệ, nhưng thực tế là một hành động phi pháp đi ngược lại với Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Cũng nên lưu ý rằng trong nhiều năm Iran đã bảo trợ chủ nghĩa khủng bố chống lại Israel, sử dụng Syria và các lực lượng ủy nhiệm để tấn công và đe dọa quyền tồn tại của Israel", ông nói.

* Có tin nói Mỹ sẽ cố gắng đảm bảo Israel không trả đũa bằng cách tấn công lãnh thổ Iran. Vậy động thái tiếp theo của Israel là gì khi Israel đã tuyên bố sẽ có "lời đáp trả đáng giá"?

- Israel có đầy đủ trách nhiệm và quyền lợi trong việc bảo vệ công dân của mình. Chúng tôi vẫn chưa hoàn toàn biết phạm vi của cuộc tấn công trực tiếp mới đây do Iran thực hiện và còn quá sớm để phân tích hay thảo luận về phản ứng tiếp theo.

* Cuộc chiến ở Gaza cũng như xung đột gần đây nhất với Iran và các tổ chức vũ trang do Tehran bảo trợ đã kéo Israel vào một cuộc chiến nhiều mặt trận. Israel cũng chịu áp lực về cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza. Thông điệp của ông với cộng đồng quốc tế, đồng minh và đối tác là gì?

- Sự hỗ trợ không ngừng nghỉ của Iran (cho các tổ chức nêu trên) không chỉ đe dọa Israel mà còn là an ninh toàn cầu. Từ Gaza tới Lebanon, Yemen tới Syria, dấu chân của Iran để lại trong vô số các cuộc xung đột. Tôi hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ lên án cuộc tấn công của Iran và sát cánh với chúng tôi. Chúng tôi đã chứng kiến sự lên án rộng rãi dành cho Iran. Chúng tôi cảm ơn sự ủng hộ của họ.

* Xét căng thẳng hiện nay, không rõ liệu Israel có biện pháp nào giúp bảo vệ người nước ngoài không, thưa ông?

- Tôi muốn đảm bảo với bạn rằng Israel sẽ làm mọi thứ để bảo vệ toàn bộ các cộng đồng, bao gồm người nước ngoài sống ở Israel. Tôi muốn nhắc nhở người Việt Nam ở Israel rằng hãy theo hướng dẫn của chính quyền địa phương và giữ liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam ở Israel. Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam ở Israel và chính quyền nơi đây, đồng thời sẽ cung cấp mọi sự hỗ trợ cần thiết để giữ công dân của các bạn tại Israel được an toàn.

DUY LINH - NGỌC ĐỨC - NHẬT ĐĂNG

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online

Bài liên quan