Máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) đang trở thành vũ khí quan trọng được lực lượng Ukraine sử dụng trong cuộc chiến với Nga.
Binh sĩ Ukraine điều khiển máy bay không người lái gần tiền tuyến Donetsk (Ảnh: AFP).
Theo Foreign Policy, trong bối cảnh viện trợ quân sự bị đình trệ ở Quốc hội Mỹ, quân đội Ukraine phần lớn đã chuyển sang sử dụng máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) để thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào xe tăng Nga.
Quân đội Ukraine vận hành máy bay không người lái thông qua bộ điều khiển và có thể theo dõi các cuộc tấn công "tự sát" nhằm vào xe Nga thông qua nguồn cấp dữ liệu video.
Vào năm thứ ba của cuộc chiến, máy bay không người lái FPV gần như trở nên phổ biến trên chiến trường Ukraine. Các binh sĩ vận hành máy bay không người lái cũng được luyện tập nhiều qua các cuộc giao tranh.
"Trước chiến tranh, tôi đã từng quay những video "điện ảnh" với sự hỗ trợ của máy bay không người lái FPV. Bây giờ chúng tôi sử dụng FPV để bảo vệ lãnh thổ của mình", nhà làm phim tài liệu người Ukraine Anton Ptushkin đăng trên X (trước đây là Twitter) vào tháng 11 năm ngoái.
Một quan chức NATO nói với Foreign Policy rằng, hơn 2/3 số xe tăng của Nga bị quân đội Ukraine phá hủy trong những tháng gần đây bằng máy bay không người lái FPV.
Các chuyên gia nhận định máy bay không người lái giá rẻ đang "cách mạng hóa" chiến trường hiện tại.
"Bất kỳ phương tiện, hệ thống vũ khí, binh sĩ nào di chuyển trên chiến trường Ukraine lúc này đều có thể bị phát hiện, quan sát và cuối cùng bị (máy bay không người lái) tấn công. Không còn chuyện di chuyển mà không bị phát hiện nữa", Samuel Bendett, cố vấn của Trung tâm Phân tích Hải quân (CNA) kiêm chuyên gia về quân sự và công nghệ máy bay không người lái Nga, cho biết.
Tuy nhiên, máy bay không người lái của Ukraine vẫn có những điểm hạn chế.
Đây không phải là những chiếc máy bay không người lái Predator trị giá 20 triệu USD mà Mỹ sử dụng để săn lùng các mục tiêu khủng bố ở Trung Đông. Đây là những chiếc máy bay không người lái rẻ tiền có sẵn với giá 400 USD.
Loại vũ khí được Ukraine sử dụng chỉ gắn camera giá rẻ, khiến việc nhắm mục tiêu vào ban đêm hoặc khi trời nhiều mây trở nên khó khăn hơn. Các máy bay không người lái này thường chỉ mang theo đạn tự chế như lựu đạn hoặc bom tự chế. Trong một số trường hợp, chúng có thể phát nổ ngay khi đang bay.
"Máy bay không người lái FPV có tầm hoạt động ngắn. Vì vậy, ngay cả khi Ukraine thiếu đạn pháo tầm xa, họ cũng chỉ có thể sử dụng một số máy bay không người lái có phạm vi hoạt động 10km", chuyên gia Bendett nói thêm.
Rob Lee, chuyên gia cấp cao của chương trình Á - Âu thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại từng tới Ukraine vào tháng 11 năm ngoái, cho biết tỷ lệ tấn công chính xác của máy bay không người lái FPV là dưới 50%.
Ngay cả những máy bay không người lái vượt qua các biện pháp đối phó ngày càng tinh vi của Nga, bao gồm những hộp thiết bị tín hiệu gắn trên xe tăng, cũng khó có thể gây ra một đòn chí mạng.
"Các máy bay không người lái thường không phá hủy xe tăng trong vài lần đầu tiên. Có thể phải cần tới 10 (máy bay không người lái FPV) trở lên mới hạ gục được một xe tăng", chuyên gia Lee cho biết.
Mặc dù vậy, theo chuyên gia, Nga vẫn phải tìm cách bảo vệ xe tăng bằng cách ngụy trang và trang bị thiết bị gây nhiễu để đề phòng máy bay không người lái của Ukraine.
Nga đang cạn kiệt xe bọc thép và xe tăng. Nếu Ukraine tiếp tục tấn công với tốc độ hiện tại và Nga tiếp tục gửi thêm xe tăng để thay thế những chiếc bị phá hủy, Moscow có thể mất lợi thế về số lượng xe tăng, điều này có thể khiến Nga gặp khó khăn hơn khi thực hiện các hoạt động tấn công trong tương lai.
Theo Foreign Policy
Nguồn: Báo điện tử Dân trí