Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tin rằng, Kiev có thể chấm dứt cuộc xung đột hiện nay với Nga theo những điều khoản của mình và điều đó có lợi cho cả châu Âu. Nga sẽ phải bồi thường những tổn thất đã gây ra cho Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trước quốc hội Đức ngày 11/6 (Ảnh: DPA).
"Chúng tôi sẽ không để cuộc chiến này lan khắp châu Âu. Chúng tôi sẽ không đẩy gánh nặng cuộc chiến cho thế hệ sau. Chúng tôi sẽ chấm dứt xung đột vì lợi ích của Ukraine và lợi ích của toàn châu Âu. Chúng tôi sẽ chấm dứt cuộc chiến theo điều khoản của mình, những điều khoản hoàn toàn dễ hiểu đối với bất cứ ai trên trái đất này", Tổng thống Zelensky phát biểu trước quốc hội Đức ngày 11/6.
Ông nói thêm rằng, Nga sẽ phải bồi thường những tổn thất đã gây ra cho Ukraine. Nhà lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh, Ukraine sẽ không còn nhượng bộ.
Trong bài phát biểu, ông cũng cảm ơn sự hỗ trợ to lớn của Đức dành cho Ukraine. Chỉ riêng từ đầu năm nay, Đức đã viện trợ quân sự hơn 7 tỷ euro cho Kiev. Đức cũng hỗ trợ huấn luyện cho hơn 10.000 binh sĩ Ukraine.
Xung đột Nga - Ukraine đã bước sang năm thứ 3 và tiếp tục dấu hiệu leo thang mặc dù 2 bên đều khẳng định luôn sẵn sàng đàm phán.
Cuối năm 2022, Tổng thống Zelensky đã đưa ra "công thức hòa bình" gồm 10 điểm, trong đó đề nghị Nga phải rút hết quân, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine và bồi thường chiến tranh.
Dựa trên nền tảng của "công thức hòa bình" này, Kiev đã đề nghị Thụy Sĩ tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình vào ngày 15-16/6 tới tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock.
Chính phủ Thụy Sĩ ngày 10/6 tiết lộ, đã có hơn 90 quốc gia, tổ chức đăng ký tham dự hội nghị.
Tuy nhiên, hãng tin TASS dẫn nguồn tin ngoại giao ngày 12/6 cho hay, một số nước đã rút lại kế hoạch tham dự hội nghị hòa bình Ukraine. Theo nguồn tin, hiện số quốc gia, tổ chức đăng ký tham dự hội nghị hòa bình Ukraine đã giảm từ 93 xuống còn 78 và có thể còn giảm tiếp.
Nga hiện không được mời tham dự, song giới chức Thụy Sĩ cho biết, đây là hội nghị nhằm xác định lộ trình để đưa cả Nga và Ukraine tham gia tiến trình hòa bình trong tương lai. Ngoài Nga, một số nước như Trung Quốc, Brazil, Ả Rập Xê Út đã từ chối dự hội nghị với nhiều lý do khác nhau.
Ông Andriy Yermak, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, cho biết Ukraine muốn Nga tham dự hội nghị thượng đỉnh lần hai, để tiếp nhận lộ trình đã được quốc tế thống nhất nhằm chấm dứt xung đột.
"Chúng tôi đang tìm kiếm khả năng mời đại diện của Nga cùng nhau trình bày kế hoạch chung trong hội nghị thượng đỉnh lần hai", ông Yermak nói.
Quan chức này cũng nhấn mạnh, quan điểm được 100 quốc gia trở nên từ các châu lục ủng hộ sẽ là "một kế hoạch thực sự và rất khó bác bỏ".
Bình luận về việc Trung Quốc không tham dự hội nghị, ông nói: "Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe lập trường của Trung Quốc". Ông khẳng định việc Trung Quốc tham gia vào quá trình này "rất quan trọng".
Trước đó, Bắc Kinh thông báo sẽ không dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Thụy Sĩ do hội nghị không đáp ứng điều kiện phải có sự tham gia công bằng của cả Nga và Ukraine.
Theo Kyiv Independent