Tổng thống Ukraine tin tưởng phái đoàn Ukraine sẽ rời hội nghị với các thỏa thuận trị giá hàng tỷ euro cho ngành công nghiệp quốc phòng và cho ngành năng lượng.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. (Ảnh: AFP)
Tại Berlin, ngày 11/6, phát biểu mở đầu Hội nghị Tái thiết Ukraine, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã kêu gọi các công ty tư nhân đầu tư cho các dự án tái thiết Ukraine.
Dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính rằng Ukraine có thể cần 500 tỷ USD trong một thập kỷ để tái thiết sau xung đột, ông Scholz khẳng định các công ty sẽ nhìn thấy cơ hội kinh doanh để đầu tư và thảo luận về tiềm năng của Ukraine trong các lĩnh vực bao gồm năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin và dược phẩm.
Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Đức cũng cho biết nước này đang gửi thêm hệ thống phòng không, tên lửa và đạn dược để giúp Kiev tăng cường khả năng phòng thủ.
Ukraine hy vọng thông qua hội nghị tái thiết lần này sẽ nhận được khoản tài trợ đáng kể.
Kiev cho biết hệ thống năng lượng đặc biệt cần được hỗ trợ khẩn cấp khi xung đột gây thiệt hại nặng nề cho công suất phát điện, gây ra tình trạng mất điện thường xuyên ở thủ đô và trên toàn quốc.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ hy vọng sẽ kêu gọi được hàng tỷ euro tại Hội nghị Tái thiết Ukraine diễn ra ở Berlin.
Ông Zelensky tin tưởng phái đoàn Ukraine sẽ rời hội nghị với các thỏa thuận trị giá hàng tỷ euro cho ngành công nghiệp quốc phòng, liên quan đến việc sản xuất trang thiết bị quân sự và vũ khí ở Ukraine, và cho ngành năng lượng.
Tổng thống Ukraine cũng hy vọng sẽ thu hút một số nguồn tài trợ cho ngành giáo dục, xây dựng lại nhà cửa và cung cấp thiết bị y tế.
Cũng tại hội nghị, Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani cho biết chính phủ nước này nhất trí sẽ cung cấp gói hỗ trợ 149 triệu euro (150,37 triệu USD) cho Ukraine tái thiết cơ sở hạ tầng và sẵn sàng cung cấp thêm hỗ trợ phòng không cho Kiev.
Cùng ngày 11/6, Bộ Tài chính Ukraine và Đức đã ký Tuyên bố chung về ý định tăng cường hợp tác song phương nhằm hỗ trợ tái thiết Ukraine sau xung đột. Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết nước này không giới hạn hình thức hỗ trợ Ukraine.
Đức muốn đóng góp từ bây giờ để Ukraine có thể đặt ra lộ trình tăng trưởng trong tương lai thông qua quá trình tái thiết, không chỉ là về nguồn lực tài chính mà còn cả việc xây dựng năng lực thể chế để hỗ trợ các công ty tư nhân ở Ukraine và thúc đẩy đầu tư.
Bộ Tài chính Đức đã giao nhiệm vụ cho Ngân hàng phát triển KfW đánh giá tính khả thi của một dự án liên quan đến tư vấn tài chính để hỗ trợ Bộ Tài chính Ukraine.