Anh cân nhắc viện trợ vũ khí cho nước láng giềng của Ukraine

Giới chức Anh đang cân nhắc việc viện trợ vũ khí cho Moldova, nước láng giềng của Ukraine.

1 Anh Can Nhac Vien Tro Vu Khi Cho Nuoc Lang Gieng Cua UkraineMột tháp truyền thanh bị phá hủy ở khu tự trị Transnistria sau đợt tấn công vào ngày 25/4 (Ảnh: AFP).

RT dẫn lời Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết nước này đang thảo luận tích cực với các đối tác phương Tây để chuyển vũ khí tới Moldova, một quốc gia nằm dọc theo biên giới phía Tây Nam của Ukraine. Theo bà Truss, số vũ khí này có thể sẽ được dùng để giúp Moldova tự vệ trước các áp lực từ Nga trong tương lại.

Động thái này của Anh được thực hiện sau khi giới chức quốc phòng nước này đưa ra đánh giá rằng, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine có thể lan sang vùng ly khai Transnistria của Moldova.

"Tôi muốn thấy Moldova được trang bị theo tiêu chuẩn NATO. Đây là cuộc thảo luận mà chúng tôi đang thực hiện với các đồng minh của mình", bà Truss cho biết. Đồng thời, Ngoại trưởng Anh cũng không quên nhấn mạnh rằng bà coi Moldova là một quốc gia "dễ bị tổn thương".

Ngoại trưởng Anh Liz Truss cũng tiết lộ về việc các quốc gia phương Tây đang tìm cách thành lập "một ủy ban chung với Ukraine và Ba Lan về việc nâng cấp hệ thống phòng thủ của Ukraine theo tiêu chuẩn NATO".

Kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine được tiến hành vào cuối tháng 2, chính phủ Anh đã cung cấp hơn 3 tỷ USD viện trợ cho Ukraine, phần lớn trong số đó được sử dụng để mua vũ khí và các khí tài quân sự khác. Các nước phương Tây khác, đặc biệt là Mỹ, cũng tích cực trong việc cung cấp viện trợ cho Ukraine. Gần đây, Quốc hội Mỹ đã thông qua gói viện trợ khổng lồ trị giá 40 tỷ USD cho chính quyền của Tổng thống Volodymyr Zelensky, nâng tổng số viện trợ của Mỹ cho Ukraine lên gần 54 tỷ USD kể từ tháng 3.

2 Anh Can Nhac Vien Tro Vu Khi Cho Nuoc Lang Gieng Cua Ukraine

Transnistria là vùng ly khai của Moldova (Ảnh: Euronews.com).

Transnistria là vùng đất hẹp nằm giữa sông Dniester và biên giới Moldova - Ukraine, có dân số hơn 500.000 người. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, khu vực này đòi ly khai khỏi Moldova, châm ngòi cho cuộc xung đột quân sự vào tháng 3/1992 và kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn vào tháng 7/1992. Quân đội Nga hiện có một căn cứ quân sự ở Transnistria và triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình với quân số không quá 1.500 người tại khu vực này.

Trước đó, theo chính quyền của khu tự trị này, hàng loạt các vụ tấn công bằng thuốc nổ, đạn rocket và máy bay không người lái xuất phát từ phía bên kia biên giới với Ukraine đã xảy ra tại Transnistria. Các vụ tấn công này đã gây thiệt hại cho hệ thống cơ sở hạ tầng ở Transnistria và buộc giới chức ở đây nâng cao mức độ "đe dọa khủng bố".

Theo RT

Nguồn: Báo điện tử Dân trí

Bài liên quan