Mây mù bủa vây nền kinh tế ở ''Xứ sở sương mù''

Tăng 9% trong tháng 4 vừa qua, mức lạm phát tại Anh cao nhất trong nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7).

Những khúc mắc chưa dễ gỡ bỏ trong quan hệ thương mại với Liên minh châu Âu (EU) thời hậu Brexit, cùng tình trạng giá năng lượng tăng cao, lao động thiếu hụt… đang tạo thêm lớp sương mù bủa vây nền kinh tế Anh.

 1 May Mu Bua Vay Nen Kinh Te O Xu So Suong Mu

 Những tác động nặng nề của dịch bệnh đã khiến nền kinh tế Anh giảm sút ở mức lịch sử trong năm 2020 trước khi bật tăng trở lại một năm sau, mạnh nhất trong nhóm G7. Tuy nhiên, một loạt các con số thống kê gần đây lại chỉ ra triển vọng không mấy tươi sáng của nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh, GDP của Anh đã giảm 0,1% trong tháng 3/2022, khiến tăng trưởng trong cả quý I/2022 chỉ dừng ở mức 0,8%, thấp hơn so mức 0,9% mà Ngân hàng trung ương Anh dự báo và mức 1% mà các nhà kinh tế dự đoán khi trả lời phỏng vấn của Reuters.

Một trong những nguyên nhân khiến lạm phát tại Anh hiện tăng lên mức cao nhất kể từ đầu thập niên 1980 là giá năng lượng thế giới tăng đột biến. Trong khi các nước EU liên tục có những tính toán và bước đi quyết liệt để tự chủ nguồn cung năng lượng, Anh vẫn chưa thể khắc phục được sự phụ thuộc quá lớn vào năng lượng nhập khẩu.

Khoản hỗ trợ trị giá 22 tỷ bảng trong năm tài khóa hiện tại của Chính phủ Anh không đủ để hạ nhiệt cơn sốt lạm phát. Để có thêm nguồn thu ngân sách, Chính phủ Anh phải tăng thuế, đưa Anh trở thành nền kinh tế duy nhất trong G7 có động thái này trong bối cảnh lạm phát tăng cao. Kết quả nghiên cứu của Bộ Tài chính Anh cho biết, thu nhập của người Anh có thể giảm thêm 2% trong thời gian tới và là mức giảm mạnh nhất trong 65 năm qua.

Trong khi đó, quan hệ thương mại giữa Anh và EU vẫn chưa thoát khỏi những khúc mắc sau “cuộc ly hôn” mang tên Brexit. Theo Nghị định thư Bắc Ireland, vốn là một phần trong thỏa thuận Brexit, nhằm tránh phải thiết lập biên giới cứng trên bộ giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland thuộc EU mà vẫn bảo đảm hàng hóa từ Anh sang EU được thông suốt theo các tiêu chuẩn của thị trường chung châu Âu, các bên nhất trí thiết lập các điểm kiểm soát hàng hóa từ các vùng còn lại của Anh sang Bắc Ireland. Tuy nhiên, đến nay, Anh và EU vẫn lời qua tiếng lại về cách xử lý các vấn đề liên quan Nghị định thư Bắc Ireland.

Ngày 17/5, Chính phủ Anh thông báo ý định tiến hành thay đổi các quy định thương mại hậu Brexit tại Bắc Ireland, vì cho điều này là cần thiết để chấm dứt tình trạng “tê liệt chính trị” tại vùng lãnh thổ này. Gần đây, nhiều cuộc biểu tình đã xảy ra nhằm phản đối triển khai Nghị định thư Bắc Ireland. Trong khi đó, phía EU vẫn tuyên bố cứng rắn là không thay đổi quan điểm về Nghị định thư Bắc Ireland, bởi văn kiện này là một phần quan trọng trong thỏa thuận Brexit mà hai bên đã quá vất vả mới đạt được.

Thời hậu Brexit, nhiều doanh nghiệp và cơ quan chính phủ của Anh chật vật tìm nguồn lao động thiếu hụt. Nhiều lao động nước ngoài đã rời Anh, người lớn tuổi thì nghỉ việc do dịch bệnh, lao động trẻ lại thiếu kinh nghiệm. Văn phòng Kiểm toán quốc gia Anh cho biết, Anh đang đối mặt thách thức đáng kể trong việc duy trì các chế độ pháp lý hậu Brexit, do thiếu trầm trọng nhân lực. Chẳng hạn, tại Cơ quan Quản lý cạnh tranh và thị trường, 25% số vị trí việc làm cung cấp dịch vụ pháp lý về chế độ trợ cấp hậu Brexit đang bị bỏ trống.

Một nhóm hơn 50 nhà kinh tế, trong đó có cả người từng nhận giải Nobel về kinh tế, đã gửi một bức thư chung tới Bộ trưởng Tài chính Anh, cảnh báo rằng các kế hoạch hậu Brexit của Anh nhằm đẩy mạnh sức cạnh tranh của ngành tài chính có nguy cơ làm nảy sinh những vấn đề có thể dẫn tới khủng hoảng tài chính toàn cầu. Thay vì tập trung vào sức cạnh trạnh của ngành tài chính, việc Anh cần làm lúc này là đặt ra các mục tiêu rõ ràng để thúc đẩy tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế, bảo đảm tính toàn vẹn, ổn định của thị trường, cũng như bảo vệ người tiêu dùng và các doanh nghiệp.

Thúc đẩy các kế hoạch hậu Brexit, Chính phủ Anh thông báo sẽ yêu cầu các cơ quan quản lý hỗ trợ để bảo đảm Luân Đôn vẫn là trung tâm tài chính toàn cầu. Song, xét theo quan điểm của giới chuyên gia, rõ ràng Anh cần một cái nhìn tổng thể và có động lực mạnh mẽ hơn mới có thể xua tan mây mù đang bao phủ triển vọng tăng trưởng kinh tế của “xứ sở sương mù”.

TRƯƠNG XUÂN

Nguồn: nhandan.vn

Bài liên quan