Ngày 24/3, Chính phủ Anh đã công bố kế hoạch được cho sẽ là đợt cải tổ lớn nhất trong nhiều thập kỷ về chính sách xét duyệt tị nạn của nước này nhằm thay thế hệ thống hiện nay vốn bị quá tải.
Trả lời trên đài BBC, Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel cho biết kế hoạch có tên "Kế hoạch mới về nhập cư" sẽ tập trung xác định những người xin tị nạn thực sự, ngăn chặn những người nhập cảnh trái phép và điều chỉnh các quy định nhằm tạo thuận lợi cho việc trục xuất những đối tượng không được phép ở lại nước Anh.
Bà Patel cho hay nước này đang xem xét một loạt lựa chọn về cách thức cải cách toàn hệ thống xin tị nạn và đặc biệt đối với những người muốn trốn tránh khỏi những nơi tồi tệ trên thế giới.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Anh, việc điều chỉnh các quy định xin tị nạn là nhằm phá vỡ cách thức buôn người, đồng thời không chỉ giúp những người muốn xin tị nạn thực sự thoát khỏi tình trạng bạo lực mà còn giúp họ tái định cư tại Anh. Bà nhấn mạnh hệ thống xét duyệt tị nạn của Anh hiện nay đang bị quá tải.
Theo Bộ trưởng Patel, việc một người nhập cảnh trái phép hoặc hợp pháp vào Anh sẽ tác động đến tiến trình xin tị nạn của người đó. Theo đề xuất mới, nếu vào Anh trái phép, người đó sẽ không có các quyền tương tự như những người vào Anh hợp pháp và thậm chí họ còn khó có thể ở lại Anh.
Bên cạnh đó, đề xuất mới cũng không cho phép những người nhập cảnh bất hợp pháp, vốn trước đó đã đi qua một quốc gia an toàn như Pháp, được vào hệ thống xin tị nạn ngay lập tức, điều trái ngược với quy định hiện tại.
Ngoài ra, Chính phủ Anh cũng xem xét cải cách tiến trình pháp lý nhằm đẩy nhanh việc trục xuất người nhập cư trái phép, đồng thời siết chặt quy trình cấp quy chế tị nạn.
Bên cạnh đó, kế hoạch mới giúp lực lượng chức năng phát hiện những đối tượng trưởng thành giả làm trẻ em để vào Anh.
Ông Nick Thomas-Symonds, người phát ngôn của Công đảng đối lập, cho rằng kế hoạch cải tổ này sẽ không hữu ích trong việc ngăn chặn tình trạng người di cư bất chấp nguy hiểm để đến Anh và cần chấm dứt sự hỗ trợ đối với những người vốn là nạn nhân của hoạt động buôn người.
Ước tính, trong năm 2020, khoảng 8.500 người di cư đã vượt qua eo biển Manche để vào Anh./.