Ngày 20/3, Nhật Bản hối thúc Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) bơm thêm dầu; trong khi Đức ký kết thỏa thuận năng lượng dài hạn với Qatar; còn Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đã bay tới UAE và Saudi Arabia đề nghị cung cấp thêm dầu ra thị trường.
Anh, Đức, Nhật Bản cùng hướng về Trung Đông, nỗ lực ổn định thị trường dầu mỏ.
Trong chuyến thăm tới Dubai, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi đã đề nghị UAE góp phần ổn định thị trường dầu mỏ quốc tế, bằng cách cung cấp lượng dầu lớn hơn, đảm bảo năng lực sản xuất với tư cách là thành viên hàng đầu của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+).
Ngoại trưởng Hayashi đã đưa ra đề nghị trên trong các cuộc hội đàm với người đồng cấp Abdullah bin Zayed Al Nahyan và Bộ trưởng Công nghiệp Sultan Al Jaber.
Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cũng đã có động thái tương tự trong các cuộc điện đàm với giới lãnh đạo UAE và Saudi Arabia.
Hiện UAE chưa đưa ra cam kết sản xuất thêm dầu. Nước này hiện đang cung cấp khoảng 1/3 lượng dầu nhập khẩu của Nhật Bản.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đã tới UAE và Saudi Arabia với mục tiêu đề nghị các nước này "bơm" thêm dầu ra thị trường, nhằm giảm mức giá cao hiện nay - hơn 100 USD/thùng, cũng như đảm bảo việc cung ứng dầu mỏ ra thị trường, khi không có Nga.
Phát biểu sau chuyến thăm Riyadh, Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh những đề nghị về việc tăng sản lượng dầu đã rơi vào "thinh lặng".
Ông Torbjorn Soltvedt, chuyên gia phân tích khu vực Đông và Bắc Phi tại Verisk Maplecroft, nhận định, UAE dường như sẵn sàng sản xuất thêm dầu hơn Saudi Arabia trong bối cảnh nước này muốn tận dụng các kho dự trữ dầu của mình nhanh hơn.
Cùng ngày, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cũng đã ký thỏa thuận năng lượng dài hạn với Qatar như một phần trong nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung năng lượng cho nước này.
Trước đó, ông Habeck cũng đã tới UAE. Trả lời phỏng vấn đài phát thanh Deutschlandfunk, Bộ trưởng Kinh tế Đức nêu rõ mối lo ngại về việc đảm bảo nguồn cung trong mùa Đông tới.
Theo ông, nếu không có thêm nguồn cung khí đốt vào mùa Đông tới và nếu việc cung ứng của Nga bị ngừng, Đức sẽ không có đủ khí đốt để sưởi ấm và duy trì hoạt động của tất cả các ngành.
Giới phân tích cho rằng, các nhà sản xuất dầu không có khả năng sản xuất thêm để thay thế phần xuất khẩu của Nga, cũng như không muốn gây rạn nứt với đối tác OPEC +. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất dầu còn lo ngại nếu toàn bộ năng lực dự trữ dầu được sử dụng hết, có thể gây rối loạn thị trường.
Ngọc Hà
Nguồn: baoquocte.vn