Giải pháp năng lượng nào cho Anh khi giảm phụ thuộc nguồn cung từ Nga?

Tăng cường tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế cho dầu và khí đốt nhập khẩu đã trở thành ưu tiên của Thủ tướng Johnson kể từ khi xung đột Nga - Ukraina xảy ra. 

1 Giai Phap Nang Luong Nao Cho Anh Khi Giam Phu Thuoc Nguon Cung Tu Nga

Thủ tướng Anh Boris Johnson đang chuyển hướng sang việc sử dụng năng lượng hạt nhân và năng lượng gió. Đây là một phần trong các nỗ lực của Anh nhằm tăng cường an ninh năng lượng quốc gia sau khi Nga tiến hành can thiệp quân sự tại Ukraine.

Theo email từ người phát ngôn của Nội các Downing Street, Thủ tướng Johnson sẽ có cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo của ngành công nghiệp hạt nhân trong tuần này. Họ sẽ cùng nhau thảo luận về cách thúc đẩy nhanh tiến độ của các dự án mới. Thủ tướng Anh cũng sẽ có cuộc trao đổi với các Giám đốc điều hành (CEO) của các công ty trong lĩnh vực năng lượng gió vào những ngày tới.

Thúc đẩy sản xuất dầu và khí đốt trong nước là một mục tiêu khác mà Thủ tướng Johnson hướng đến. Theo thông tin từ văn phòng Thủ tướng, bà Helen Whateley, người phụ trách Kho bạc Ngân khố Anh, sẽ chủ trì một diễn đàn với các nhà đầu tư dầu khí để thảo luận về các điều kiện đầu tư cho những công ty năng lượng hoạt động ở Biển Bắc. Chính phủ Anh dự kiến sẽ công bố chiến lược an ninh năng lượng đầy đủ vào cuối tháng này.

Giá xăng tăng kỷ lục và những quan ngại đáng kể trong nước về lạm phát đã gây sức ép cho các nhà hoạch định chính sách của Anh. Trong tuần trước, Thủ tướng Johnson đã đến thăm Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất để tìm kiếm nguồn cung cấp thay thế. Tuy nhiên, báo cáo của Wall Street Journal cho biết chuyến thăm này không thực sự thu được kết quả.

Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak sẽ cung cấp một khoản ngân sách nhỏ trong tuần này vào thứ Tư. Ông dự kiến có những hành động nhằm hỗ trợ các hộ gia đình vượt qua cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Các biện pháp của ông bao gồm cắt giảm thuế nhiên liệu, nâng ngưỡng thuế...

2 Giai Phap Nang Luong Nao Cho Anh Khi Giam Phu Thuoc Nguon Cung Tu NgaThủ tướng Anh Boris Johnson trong cuộc họp báo tại London, Anh, vào ngày 21/2/2022. Ảnh: Getty Images.

Tăng cường tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế cho dầu và khí đốt nhập khẩu đã trở thành ưu tiên của Thủ tướng Johnson kể từ khi căng thẳng quân sự giữa Nga với Ukraine leo thang. Cuộc xung đột tại Ukraine đã khiến giá cả tại Anh tăng cao, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt của quốc gia này.

Thủ tướng Johnson đã cam kết cấm nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm nay, trong khi các bộ trưởng nước này cũng đang xem xét việc ngừng nhập khẩu khí đốt Nga. Nhập khẩu dầu mỏ từ Moscow chỉ chiếm khoảng 8% tổng lượng nhập khẩu của Anh. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak cho biết một lệnh cấm ngay lập tức của Liên minh châu Âu (EU) sẽ tác động khiến các nền kinh tế trên khắp châu Âu rơi vào suy thoái, trong đó có Anh. Ông ước tính nền kinh tế Anh ngay lập tức sẽ thiệt hại 92-98,7 tỷ USD (70-75 tỷ bảng), tương đương khoảng 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). 

Mỹ cũng đã cấm dầu và khí đốt của Nga, hiện đang tìm kiếm các giải pháp thay thế như liên hệ với Venezuela. 

Trong khi đó, EU có lập trường thận trọng hơn đối với các lệnh trừng phạt năng lượng, vì Nga cung cấp tới 40% lượng khí đốt nhập khẩu và một phần tư lượng dầu thô của khối này. Theo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), nếu lượng cung khí đốt cho khu vực đồng Euro bị sụt giảm 10% sẽ dẫn đến mức sụt giảm 0,7% GDP của khu vực. Vì vậy, thay vì cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga ngay lập tức, EU hiện cố gắng giảm dần nhập khẩu khí đốt từ nước này, cụ thể là 2/3 trong vòng một năm.

Phạm Hà Thanh (theo Bloomberg, Oilprice)

 

Bài liên quan