Anh nói B.1.1.529, biến chủng mới được phát hiện ở Nam Phi, là "biến chủng tồi tệ nhất" và áp loạt hạn chế đi lại với 6 nước châu Phi.
Cơ quan An ninh Y tế Anh hôm 25/11 cho biết B.1.1.529 có một protein gai khác hẳn protein trong chủng virus ban đầu mà các loại vaccine sử dụng để tạo hệ miễn dịch, nên có thể làm suy yếu hiệu quả của vaccine. Họ mô tả B.1.1.529 có lượng đột biến gấp đôi biến chủng Delta và là "biến chủng tồi tệ nhất".
B.1.1.529 chỉ mới được xác định lần đầu vào đầu tuần này, nhưng Anh đã gấp rút áp hạn chế đi lại với Nam Phi và 5 nước châu Phi khác, hành động nhanh chóng hơn nhiều so với các biến chủng trước đó. Theo đó, Anh tạm thời cấm các chuyến bay từ Nam Phi, Namibia, Botswana, Zimbabwe, Lesotho và Eswatini từ 0h ngày 26/11 và công dân Anh trở về từ những quốc gia này sẽ phải cách ly.
"Theo những gì chúng tôi biết là có lượng đột biến đáng kể, có lẽ gấp đôi lượng đột biến mà chúng tôi đã thấy ở biến chủng Delta", Bộ trưởng Y tế Sajid Javid nói. "Và điều đó cho thấy nó có thể lây nhiễm nhiều hơn, khiến các loại vaccine hiện tại kém hiệu quả hơn".
Biển báo yêu cầu duy trì giữ khoảng cách 2 m để phòng Covid-19 tại ở Leicester, Anh hồi tháng 5. Ảnh: Reuters.
Javid nói rằng cần thêm dữ liệu, nhưng hạn chế đi lại là cần thiết để phòng ngừa, trong bối cảnh các nhà khoa học cho biết cần có các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm để đánh giá khả năng xảy ra các đột biến dẫn đến hiệu quả vaccine suy giảm. Giới chức đã khuyến cáo chính phủ cần phải hành động nhanh chóng và chuẩn bị trước trong trường hợp xuất hiện những lo ngại về tác động của biến chủng, dù có thể mất hàng tuần để có tất cả thông tin cần thiết về đặc điểm của nó.
Nam Phi hôm 25/11 xác nhận phát hiện biến chủng B.1.1.529 có lượng đột biến rất cao, khiến ca nhiễm bùng phát trở lại. Bộ trưởng Y tế Joe Phaahla cho biết biến chủng này là "mối lo ngại nghiêm trọng" và là nguyên nhân khiến ca Covid-19 hàng ngày tăng "theo cấp số nhân", khiến nó trở thành "mối đe dọa lớn".
Nam Phi đã yêu cầu họp khẩn với nhóm nghiên cứu về sự tiến hóa của virus thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào 26/11 để thảo luận về biến chủng mới.
Biến chủng B.1.1.529 có 32 đột biến trong protein gai, phần mà hầu hết các loại vaccine sử dụng để tạo ra hệ thống miễn dịch chống nCoV. Các đột biến protein gai có thể ảnh hưởng tới khả năng nhiễm và tốc độ lây lan của virus, cũng như khiến tế bào miễn dịch khó tấn công mầm bệnh hơn.
Ravi Gupta, giáo sư vi sinh lâm sàng tại Đại học Cambridge, Anh, cho biết nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của ông phát hiện hai đột biến của B.1.1.529 làm tăng sức lây nhiễm và giảm khả năng nhận biết của kháng thể.
"Bằng chứng ban đầu từ giải trình tự gene ở Nam Phi cho thấy B.1.1.529 rất đáng lo ngại", Ewan Birney, phó tổng giám đốc Phòng thí nghiệm Sinh học Phân tử châu Âu, cho biết. "Chúng tôi biết hành động sớm tốt hơn nhiều so với hành động muộn. Có thể biến chủng này không phải mối đe dọa lớn như Alpha và Delta, nhưng hậu quả tiềm ẩn có thể rất nghiêm trọng nếu không hành động".
Huyền Lê (Theo Reuters)
Nguồn: vnexpress.net