Anh, Pháp hục hặc vì 27 người chết ở 'eo biển tử thần'

Giới chức Anh và Pháp tranh cãi xem ai phải chịu trách nhiệm trong vụ 27 người di cư chết đuối tại eo biển Manche và cần làm gì trong tương lai.

Trong thư gửi người đồng cấp Pháp Jean Castex, Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi tổ chức các cuộc tuần tra chung giữa hai nước hoặc thuê các nhà thầu an ninh tư nhân làm việc này. Johnson cũng kêu gọi ký hiệp ước cho phép trục xuất những người di cư trở lại Pháp.

Các đề xuất của Anh về tuần tra chung làm dấy lên lo ngại về chủ quyền ở Pháp. Paris cáo buộc London thiếu biện pháp trừng phạt những kẻ buôn người. Pháp ngày 25/11 kêu gọi châu Âu và Anh ủng hộ thêm cho nỗ lực chống buôn người trên eo biển Manche.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin cho biết xuồng cao su chở 34 di dân bị lật khi cố vượt eo biển Manche ngày 24/11, khiến 27 người chết đuối. Một công tố viên địa phương nói rằng các nạn nhân thiệt mạng gồm 17 đàn ông, 7 phụ nữ và ba trẻ em.

Giới chức Pháp đang xác định danh tính và quốc tịch của các nạn nhân. Bộ trưởng Darmanin cho biết hai người từ Iraq và Somalia sống sót sau tai nạn và đang được điều trị sau khi bị hạ thân nhiệt.

1 Anh Phap Huc Hac Vi 27 Nguoi Chet O Eo Bien Tu Than

Người di cư vác xuồng hơi đi qua trước một xe tuần tra của cảnh sát Pháp trước khi vượt eo biển Manche ngày 24/11. Ảnh: Reuters.

Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Johnson ngày 24/11, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron "nhấn mạnh trách nhiệm chung" và kêu gọi Anh "kiềm chế sử dụng tình huống chấn động cho các mục đích chính trị", Điện Elysee cho biết trong thông cáo.

Macron và Johnson đồng ý tăng cường hợp tác và làm mọi việc có thể để ngăn chặn đường dây buôn người. Tuy nhiên, lãnh đạo Anh và Pháp vẫn còn khác biệt trong cách triển khai các biện pháp.

Các quan chức Pháp từng nhiều lần tuyên bố Anh phải chịu trách nhiệm về lượng người di cư vượt eo biển Manche gia tăng. Bộ trưởng Darmanin cáo buộc các tổ chức phi chính phủ của Anh ở miền bắc nước Pháp "ngăn cản cảnh sát và quân cảnh làm nhiệm vụ".

Darmanin đổ lỗi cho Anh không xử lý quyết liệt các đường dây buôn người ở nước này, đồng thời thu hút người di cư bằng cách cho phép lao động không giấy tờ làm việc với mức lương thấp.

Trong khi đó, các tổ chức từ thiện và cơ quan cứu trợ ở cả hai nước từ lâu kêu gọi chính phủ Anh mở các tuyến đường an toàn cho những người xin tị nạn. Nhiều người di cư ở Pháp chỉ có thể xin tị nạn tại Anh khi đã vào lãnh thổ nước này, do đó phải chấp nhận rủi ro chết người khi vượt eo biển Manche trên những con thuyền ọp ẹp của đường dây buôn người.

2 Anh Phap Huc Hac Vi 27 Nguoi Chet O Eo Bien Tu Than

Eo biển Manche nằm giữa Anh và Pháp. Đồ họa: BBC.

Khi phát biểu trước quốc hội ngày 25/11, Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel không đề xuất thay đổi hệ thống nhập cư, đồng thời nhắc lại đề nghị điều động nhiều sĩ quan hơn và làm bất cứ điều gì cần thiết để ngăn di dân mạo hiểm tính mạng khi vượt eo biển Manche "trên những con thuyền không đáng tin cậy". Patel cũng không loại trừ các chiến thuật cứng rắn để buộc thuyền của di dân quay lại Pháp.

Số người di cư từ Pháp vượt eo biển Manche vào Anh năm nay tăng gấp ba lần so với năm ngoái, do giới chức siết kiểm soát các tuyến đường khác, bao gồm các tuyến vận tải đường sắt và đường bộ.

Những cuộc vượt biên thành công khiến ngày càng nhiều người di cư thực hiện hành trình qua eo biển Dover, khúc hẹp nhất của eo biển Manche. Tuy nhiên, eo biển Dover nằm trên tuyến đường vận tải đông đúc nhất thế giới và rất nguy hiểm cho những người trên thuyền nhỏ và mỏng manh, đặc biệt khi có gió lớn và dòng chảy mạnh.

Thảm kịch ngày 24/11 không ngăn cản những người di cư khác tìm cách đến Anh. Hai chiếc thuyền ngày 25/11 vượt eo biển Manche chở 40 người mặc áo phao và quấn chăn, theo quan sát của phóng viên BBC.

Nguyễn Tiến (Theo Washington Post)

Nguồn: vnexpress.net

Bài liên quan