Chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson đang phối hợp với Chính phủ Pháp nỗ lực gỡ bỏ các biện pháp đóng cửa biên giới đang tác động tiêu cực đến một trong những tuyến đường thương mại quan trọng nhất của châu Âu.
Phát biểu với kênh truyền hình Sky, Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel nói: "Chúng tôi đang nỗ lực để tìm ra giải pháp vì lợi ích của cả hai phía". Hy vọng, hôm nay (22/12), chúng tôi sẽ tìm được giải pháp chung". Về phần mình, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune cho biết Anh và Pháp sẽ đạt được thỏa thuận nối lại tuyến vận tải nối Anh - Pháp trong ngày 23/12.
Trước đó, rất nhiều nước trên thế giới đồng loạt thông báo đóng cửa biên giới và cấm bay đến và từ Vương quốc Anh, sau khi nước này phát hiện biến thể mới VUI-2020/12/01 của virus SARS-CoV-2, có tốc độ lây nhiễm cao hơn 70% so với chủng gốc. Nước láng giếng Pháp cũng đã đóng cửa biên giới với tất cả người và phương tiện đến từ nước Anh. Quyết định trên khiến hàng trăm xe tải hàng bị mắc kẹt ở vùng England, miền Nam nước Anh.
Xe tải xếp hàng dài trên tuyến quốc lộ A20, tuyến đường chính dẫn tới cảng Dover, phía Nam Anh ngày 17/12/2020. Ảnh: TTXVN phát
Việc phát hiện chủng mới của virus SARS-CoV-2, vài tháng trước khi các loại vaccine có thể được đưa vào tiêm đại trà, đã gieo thêm nỗi sợ hãi mới cho đại dịch COVID-19 vốn đã cướp đi sinh mạng của gần 1,8 triệu người trên thế giới, trong đó riêng Anh là 67.000 người. Để tránh nguy cơ dịch tiếp tục lan rộng, Anh đã thông báo thực thi lệnh phong tỏa 9 ngày, ngay trước thời điểm nước này kết thúc giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit vào ngày 31/12 tới.
Lo ngại biến thể mới của virus SARS-CoV-2, ngày 22/12, Uzbekistan quyết định đóng cửa biên giới với công dân đến từ 8 quốc gia trong đó có Anh và những người đã đi du lịch Anh trong vài ngày qua. Lệnh cấm nhập cảnh trên sẽ có hiệu lực cho đến hết ngày 10/1/2021 và được áp dụng với các nước Italy, Đức, Đan Mạch, Áo, Hà Lan Australia và Nam Phi.
Với những công dân Uzbekistan trở về từ những nước trên sẽ phải thực hiện cách ly 14 ngày. Ngoài ra, quốc gia 33 triệu dân này cũng thông báo sẽ tiến hành xét nghiệm kháng thể bắt buộc đối với tất cả những người tới quốc gia Trung Á này kể từ ngày 25/12.
Cùng ngày, Chính phủ Maroc thông báo lệnh giới nghiêm toàn quốc và một số biện pháp hạn chế nghiêm ngặt khác nhằm khống chế tốc độ lây nhiễm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại nước này. Theo đó, lệnh giới nghiêm sẽ có hiệu lực từ 21h tối tới 6h sáng hằng ngày. Các biện pháp chống dịch, bao gồm cả lệnh cấm ăn uống và tụ tập nơi công cộng, sẽ có hiệu lực trong vòng 3 tuần kể từ ngày 23/12.
Hiện Maroc ghi nhận trung bình hơn 2.000 ca mắc COVID-19 mỗi ngày. Tính đến nay, nước này đã ghi nhận tổng cộng 418.000 ca mắc, trong đó hơn 7.000 ca tử vong. Giới chức y tế Maroc hy vọng sẽ bắt đầu chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 vào cuối năm nay với mục tiêu miễn dịch cho khoảng 20 triệu người trong 3 tháng tới.
Nguồn: baotintuc