Câu hỏi đặt ra với nước Anh lúc này là họ sẽ muốn thiết lập với bạn đường cũ -Liên hiệp Châu Âu – một kiểu quan hệ như thế nào. Nói theo ngôn ngữ của luật gia đình, thì chấp nhận chung sống với nhau theo chế độ nào.
Thủ tướng Anh Theresa May và Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker tại Bruxelles, Bỉ, ngày 08/12/2017. Ảnh REUTERS/Yves Herman Theo hãng tin Pháp AFP ngày 14/12/2017, hiện nay, Luân Đôn có ba lựa chọn một quan hệ đối tác theo kiểu Na Uy với Liên Âu, hoặc là mô hình hiệp định tự do mậu dịch giữa Canada và châu Âu ; và nếu không thỏa thuận được với Bruxelles về 2 chế độ trên, thì đành phải chấp nhận quan hệ dựa trên những quy tắc của Tổ Chức Thương Mại Thế giới (WTO/OMC).
Mô hình Na Uy
Nước Bắc Âu giàu năng lượng này đã hai lần từ chối không gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, nhưng từ năm 1994, đã đồng ý tham gia khối Khu Vực Kinh Tế Châu Âu (EEA). Trong tư cách này, Na Uy được hưởng tất cả các lợi ích của một thị trường châu Âu hợp nhất, chỉ có điều là không có tiếng nói trong việc định ra các quy tắc vận hành của thị trường này.
Dĩ nhiên, Na Uy phải tôn trọng các quy tắc của thị trường duy nhất, có nghĩa là phải cho phép hàng hóa, dịch vụ, vốn liếng và con người tự do lưu thông, đồng thời phải chấp nhận các quy tắc của Liên Hiệp Châu Âu trong nhiều lĩnh vực quan trọng như cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng và môi trường.
Nếu đi theo mô hình Na Uy, lợi ích lớn nhất mà Anh thu được là việc lãnh vực tài chánh của họ không bị ảnh hưởng, vai trò trung tâm tài chính của Luân Đôn vẫn được duy trì, và vẫn có thể tiếp tục làm cửa ngõ cho các ngân hàng Mỹ và châu Á tiến vào Liên Âu.
Tuy nhiên, đối với những người chủ trương Brexit, quyền tự do đi lại giữa các nước trong khối Khu Vực Kinh Tế Châu Âu mà Anh Quốc phải tôn trọng là điều mà họ không chấp nhận được, trong khi đây là một điều kiện để gia nhập khối nước này.
Phe chủ trương Brexit cũng bác bỏ thẩm quyền của Toà Án Châu Âu, định chế có thẩm quyền tối hậu trong khối Khu Vực Kinh Tế Châu Âu. Một yếu tố khác là nước Anh cũng sẽ phải tiếp tục đóng góp vào ngân sách chung của châu Âu, điều mà phe muốn Brexit cực ghét.
Mô hình Canada
Nếu không muốn bị ràng buộc bằng những quy tắc của thị trường duy nhất, Anh Quốc có thể tiến hành đàm phán một thỏa thuận thương mại theo kiểu Hiệp Định Kinh Tế Thương Mại Toàn Diện (CETA) mà Liên Hiệp Châu Âu đã ký với Canada, một văn kiện được Bruxelles coi là mô hình cho các cuộc đàm phán, mà gần đây nhất là với Nhật Bản.
Không giống như các thỏa thuận thương mại cổ điển, CETA đề cập đến tất cả các khía cạnh của nền kinh tế, bao gồm cả các chuẩn mực về y tế và an toàn, chứ không chỉ là cắt giảm thuế thông thường và các hạn ngạch nhập khẩu. Do là một thỏa thuận đàm phán, Luân Đôn có thể kỳ kèo với Bruxelles trên từng điểm một để đạt được một thỏa hiệp có lợi nhất cho mình.
Vấn đề tuy nhiên là khi làm như vậy, sự tương đồng về kinh tế giữa Anh Quốc và châu Âu sẽ nhạt đi, và sẽ gây nên những tốn kém nặng nề cho Luân Đôn. Ngoài ra, cuộc đàm phán sẽ rất phức tạp, đặc biệt là trong bối cảnh Cộng Hòa Ireland, một thành viên Liên Hiệp Châu Âu, lại không muốn xuất hiện một biên giới giữa họ với người anh em Bắc Ireland, thuộc Vương Quốc Anh.
Chế độ của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới
Nếu cả hai mô hình trên không hợp, thì Anh Quốc sẽ trở thành một nước « thứ ba » đối với Liên Hiệp Châu Âu, với quan hệ thương mại được quản lý theo các quy tắc của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới.
Các quy tắc này cho phép đánh thuế hay thiết lập các rào cản khác, có thể làm tê liệt quan hệ thương mại giữa Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu. Một ví dụ : Mức thuế của Liên Âu đối với các nước thứ ba bình quân là 1,5%, nhưng trong một số lĩnh vực chiến lược nhất định, như ô tô chẳng hạn, mức này lên đến 10%. Hơn nữa, theo các quy tắc của WTO, không chắc sản phẩm của Anh có thể nhập vào Liên Hiệp Châu Âu, mà không cần thông qua kiểm tra tại biên giới, gây thêm khó khăn cho hàng hóa Anh Quốc.
Các nhà nghiên cứu tại Trường Kinh Tế Luân Đôn (London School of Economics) nổi tiếng đã dự đoán rằng nếu theo chế độ Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, trong vòng 10 năm, thương mại giữa Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu sẽ giảm sụt 40%.
Nguồn:Bizlive.vn