Cho dù 1,3 thế kỷ đã trôi qua nhưng thủ phạm giết người vẫn chưa bị phanh phui, trở thành một trong những vụ án bí hiểm.
Vào cuối thập niên 80 của thế kỷ XIX, nhiều vụ án mạng khủng khiếp liên tiếp xảy ra tại quận Whitechapel ngay giữa kinh thành London (Anh) gây chấn động dư luận.
Do các nạn nhân bị thủ tiêu rất dã man, nên các nhân viên điều tra thuộc Sở Cảnh sát London (Scotland Yard) đặt cho hung thủ giấu mặt biệt danh “Jack the Ripper” (Jack mổ bụng), hay “Whitechapel Murderer” (Tên sát nhân ở Whitechapel), hoặc “Leather Apron” (Kẻ choàng khăn da) theo đặc điểm nhận dạng từ các nhân chứng.
Trong vòng chưa đầy 3 tháng, kể từ tháng 8 đến tháng 11.1888 đã có 5 người vô tội thiệt mạng, nạn nhân đều là nữ giới bị cắt cổ và phanh thây bằng một con dao mổ cực sắc, chứng tỏ thủ phạm biết ít nhiều về kiến thức y khoa.
Riêng sát nhân giết người hàng loạt luôn kịp thoát khỏi hiện trường trước khi cảnh sát xuất hiện.
Scotland Yard đã tiến hành điều tra và thẩm vấn hơn 200 người bị tình nghi, cuối cùng gút lại danh sách 10 nghi phạm đáng ngờ nhất đang cư ngụ tại London, bao gồm cả những nhân vật nổi tiếng như Hoàng tử Albert Victor (1864-1892) cháu ruột Nữ hoàng Anh Victoria, bác sĩ Hoàng gia Sir William Gull (1816-1890), thầy thuốc người Mỹ Francis Tumblety (1833-1903), hay danh họa gốc Đức Walter Sickert (1860-1942)…
Đây là vụ án giết người hàng loạt đầu tiên ở Vương quốc Anh, cũng có thể là đầu tiên trên thế giới được phổ biến rộng rãi. Cho đến nay từng tồn tại gần 100 giả thuyết khác nhau về danh tính của Jack the Ripper, truyền cảm hứng cho nhiều tác phẩm văn học hư cấu hơn một thế kỷ qua.
Theo giới chuyên gia hình sự châu Âu sành sỏi, thì giả thuyết xác đáng nhất là đầu sách có tựa đề “Jack the Ripper: The Hand of a Woman” (Jack mổ bụng: Bàn tay của một phụ nữ), mới được luật sư kiêm ký giả điều tra kỳ cựu người Anh John Morris công bố sau nhiều năm dày công nghiên cứu. Theo đó thủ phạm bí ẩn chính là bà vợ 38 tuổi Lizzie Williams của viên bác sĩ chủ cơ sở nạo phá thai John Williams, ông này cũng bị cảnh sát gọi lên hỏi cung vì nằm trong diện nghi can hàng đầu.
Lizzie chào đời ngày 7.2.1850 trong gia đình ông trùm đạo Thanh giáo Richard Hughes. Đến năm 22 tuổi Lizzie Hughes lấy chồng là bác sĩ sản khoa J. Williams lớn hơn 10 tuổi. Động cơ khiến L. Williams rình rập giết người đồng giới bởi cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc do mắc chứng vô sinh. Cả 5 nạn nhân đều bị giết một cách man rợ là dẫn chứng cho kiểu “trả thù đời” đậm chất hoang tưởng của hung thủ.
“Có rất nhiều bằng chứng về một nữ sát thủ trá hình nằm trong các tài liệu liên quan đến vụ án Jack the Ripper”, Luật sư J. Morris cho biết. Rồi ông dẫn chứng các nữ nạn nhân đều không bị xâm hại tình dục cả trước, trong và sau khi bị giết; một điều khác thường vốn thường xảy ra nếu thủ phạm là nam giới.
Trong vụ sát hại bà Catherine Eddoves 46 tuổi vào cuối tháng 9.1888, các nhà điều tra đã khám phá được dấu vết từ kiểu giày phụ nữ khác lạ. Còn với vụ thủ tiêu cô Mary Jane Kelly 25 tuổi 3 tuần trước đó, trong lò sưởi giữa phòng khách là vết tích tàn tro từ trang phục nữ giới không phải của nạn nhân. Trong hồ sơ lưu trữ của Sở Cảnh sát London cho thấy M. Kelly là một gái làng chơi từng dan díu với chồng Lizzie. Sau khi gây ra một loạt các vụ án mạng rùng rợn, L. Williams bắt đầu mắc chứng suy nhược thần kinh rồi qua đời vào năm 1912 vì bệnh ung thư vú.
Cũng cần nói thêm rằng thám tử nổi tiếng Frederick Abberline (1843-1929), Chánh Thanh tra của Scotland Yard kiêm Trưởng nhóm điều tra vụ giết người hàng loạt trong quận Whitechapel phía đông London, từng đặt nghi vấn thủ phạm là nữ giới bởi sau khi sát hại M. Kelly, hung thủ đã mặc quần áo của cô rồi bỏ trốn; trong khi lãnh đạo Phòng Án mạng thuộc Scotland Yard lại cho rằng đó là hình thức cải trang hòng qua mặt cảnh sát…
Chung quy lại, quyển sách của phóng viên điều tra hình sự kiêm luật sư John Morris đã gây ấn tượng mạnh trong giới sử học Anh quốc và thế giới, góp phần làm sáng tỏ chân dung đích thực của tên giết người hàng loạt bí ẩn nhất nước Anh.
Theo kienthuc