Hàng nghìn phụ nữ Anh đang sống cảnh nô lệ, khi bị ép kết hôn và bị cưỡng bức, đánh đập, làm việc như đầy tớ.
Một thiếu nữ 17 tuổi ở miền bắc nước Anh đã gặp mặt chồng tương lai lần đầu vào một ngày trước khi bị ép lấy người đàn ông tuổi trung niên. Khi đó, cô mới 16 tuổi, nhưng chặng đường dẫn tới cuộc hôn nhân cưỡng ép ở Anh đã bắt đầu nhiều năm trước, theo Guardian.
Thiếu nữ này là một trong số hàng nghìn nạn nhân bị ép kết hôn và đang sống trong cảnh nô lệ thời hiện đại ở Anh. Các chuyên gia cho rằng cần tăng cường bảo vệ họ thông qua siết chặt luật cấm buôn bán người.
Ngay từ khi lọt lòng, cô bé đã được đưa tới Somalia, trải qua nghi thức cực đoan là cắt bỏ âm vật (FGM) mà không hề được tiêm thuốc gây tê. Hơn một thập niên sau, cô gái tiết lộ bí mật này khi gọi điện tới đường dây nóng của một tổ chức từ thiện chống hôn nhân cưỡng ép.
Năm ngoái, cô gái trên gọi điện cho tổ chức Karma Nirvana, báo tin đang bị giam trong nhà, chịu cảnh chồng đánh đập và cưỡng hiếp. Khi mang thai, cô tưởng sẽ được yên thân nhưng không, thiếu nữ vẫn bị lạm dụng.
“Sau cuộc gọi đầu tiên, cô ấy gọi lại, thông báo chồng vừa tự tay cầm dao cắt âm vật của cô lần nữa. Cô bé có vẻ hoảng loạn, nói rằng chồng ngăn cấm gặp nhân viên y tế trong suốt quá trình mang thai vì sợ vụ FGM bị phát hiện”, chuyên gia tư vấn Alex kể lại.
Thiếu nữ được tư vấn nhiều giải pháp nhưng trong cuộc gọi cuối cùng, cô nói mọi việc đang tệ hơn và cuộc sống đang vô cùng bế tắc.
“Đáng buồn là chúng tôi không bao giờ nhận được cuộc gọi nào của cô ấy lần nữa. Có lẽ đó là trường hợp đau lòng nhất mà tôi từng tư vấn”, Alex nói.
Năm 2017, tổ chức này đã nhận được hơn 700 cuộc gọi từ những người dưới 18 tuổi. Ngoài ra, họ còn nhận được cuộc gọi khác của một phụ nữ Anh 22 tuổi, tìm lời khuyên sau cuộc hôn nhân cưỡng ép ở Pakistan. Cha mẹ ép cô làm việc 6 ngày một tuần để thu nhập đủ tiêu chuẩn đưa hôn phu từ nước ngoài tới Anh.
Một trường hợp khác là một phụ nữ 55 tuổi, từ Pakistan đến Anh theo diện visa thăm thân, trước khi bị ép phải lấy ông chủ người Anh. Bà cho hay bị ông này coi như nô lệ, bắt làm việc liên tục và theo dõi khi bà cố chạy trốn. Ông ta còn yêu cầu người nhà ở Pakistan hành hạ các con gái của bà. Các chuyên gia đã giúp đỡ người phụ nữ này bằng cách giúp bà xin tị nạn.
“Nạn nhân không muốn báo cảnh sát vì sợ họ không tin. Trong cộng đồng của họ, những việc đánh đập, lạm dụng được coi là bình thường và nếu đối tượng bị lạm dụng là đàn ông, họ sẽ bị chế giễu”, Amerra Jamil, một chuyên gia tư vấn cấp cao của Karma Nirvana cho hay.
“Tuần trước, chúng tôi nhận cuộc gọi từ một người đàn ông ở West Yorkshire. Người này tới Anh theo diện visa vợ chồng, và bị nhà vợ bóc lột sức lao động.
“Vợ bắt tôi làm mọi việc nhà, cầm hết tiền lương của tôi. Cô ta được phép muốn làm gì thì làm nhưng nếu tôi muốn ra ngoài, nhà vợ tôi sẽ lập tức tra hỏi”, người đàn ông làm trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống cho hay.
Jamil nhận định các nạn nhân mất nhiều thời gian mới dám trình báo vì họ không biết tiếng Anh và bị kiểm soát sít sao. Một phụ nữ đến từ Morocco chỉ trốn thoát khi gặp được một người biết nói tiếng Arab.
“Anh trai cô ấy làm ăn với người đàn ông mà gia đình cô gái ép con phải lấy năm 2016”, Selma Bayou, chuyên viên của Tổ chức Quyền phụ nữ Iran và người Kurd (IKWRO) cho biết.
Sau khi đến Anh, cô gái 25 tuổi mới biết được chồng là người đồng tính và kết hôn với cô nhằm che giấu giới tính thực với người quen. Anh ta là người làm ăn thành đạt, tối nào cũng bắt vợ phải dọn dẹp văn phòng, còn ban ngày thì nấu ăn, lau dọn nhà cửa, phục vụ đại gia đình nhà chồng.
“Họ coi tôi như con ở. Tôi phải ăn riêng, không được phép rời nhà trừ lúc theo họ đi mua sắm”, cô nói.
Một ngày, khi đang lau dọn ở văn phòng của chồng, một nữ khách hàng người Morocco đã hỏi thăm cô có ổn không và lúc này, cô mới dám cầu cứu bằng tiếng Arab. Nữ khách hàng đã liên lạc với IKWRO và tổ chức này đã giúp đỡ nạn nhân tìm nơi trú ẩn.
“Đây là một vụ điển hình của tình trạng nô lệ thời hiện đại. Các chuyên gia cố vấn của chúng tôi thường gặp những vụ thế này với phụ nữ đến từ Bắc Phi, Trung Đông hoặc Đông Nam Á. Họ tới Anh theo diện visa vợ chồng nhưng bị lạm dụng như đầy tớ”, Bayou cho hay.
Một nạn nhân khác kể lại năm 16 tuổi, cô bị ép lấy một ông chồng già người Pakistan để ông ta được cấp visa tới Anh. Quay trở lại nước Anh cùng chồng, cô bé vẫn còn là thiếu nữ vị thành niên, bắt đầu cuộc sống “con sen không lương”.
“Tôi phải nghỉ học, quanh quẩn trong nhà, cắt đứt liên hệ với gia đình và bạn bè. Ngay cả quần áo tôi cũng phải mặc đồ do mẹ chồng gửi từ Pakistan sang”, cô tâm sự.
Giờ đây, khi ở độ tuổi 30 và đã làm mẹ, người phụ nữ nhớ lại 13 năm chịu cảnh bạo hành và nô lệ. Cô đã cố trốn chạy khỏi cuộc hôn nhân này, nhưng gia đình bắt ép phải tiếp tục.
“Họ bảo tôi sẽ làm xấu mặt gia đình. Bác tôi là thủ phạm chính, ông ta có ảnh hưởng lớn đến gia đình và cộng đồng”, cô nói.
Cuối cùng, cô cũng thoát khỏi cuộc hôn nhân, nhưng bản thân cô và con cái vĩnh viễn mang theo vết thương về thể xác và tinh thần. “Các con tôi bị ảnh hưởng nặng nề, chúng đều mắc chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý”, cô nói.
“Nhìn các con khổ sở, tôi mới dám nói ra sự thật. Mọi người cần được biết tới những tội ác khủng khiếp này. Tôi không muốn bất kỳ ai phải chịu cảnh đau đớn giống mình nữa”, cô bày tỏ.
Một nạn nhân khác gần đây đã xuất bản hồi ký có tên Wings, nhằm nâng cao nhận thức về tình trạng lạm dụng cái gọi là “danh dự” gia đình và kêu gọi chính phủ công nhận hôn nhân cưỡng bức là một hình thức của nô lệ thời hiện đại.
Sunny Angel, người đã thay đổi danh tính nhằm bảo vệ gia đình, từng bị nhà chồng đối xử “như nô lệ tình dục” ở Liverpool. Cô bị ép cưới một người đàn ông mắc chứng khó đọc khi mới 20 tuổi.
“Gia đình lợi dụng cả hai chúng tôi bởi họ muốn khoản hồi môn 10.000 bảng Anh để mua xe Mecedes và máy giặt”, cô nói. “Nhưng cái mẹ chồng tôi mong muốn nhất là một đứa cháu trai”.
“Bà ấy sẽ đứng ngoài cửa phòng ngủ, ra lệnh cho con trai ngủ với tôi. Anh ta hành xử cực kỳ thô lỗ bởi bản thân anh ta không biết mình đang làm gì. Anh ta cũng làm một nạn nhân. Xong việc, anh ta cầm đồ chơi, hỏi tôi: ‘Cô có phải vợ tôi không?'”
Người phụ nữ ấy giờ 39 tuổi, đã “phá vỡ vòng xoáy lạm dụng” vì không muốn con gái chịu cảnh tương tự.
“Hôn nhân cưỡng bức không phải là tập tục văn hóa. Nó là một hình thức bạo hành trẻ em, một hình thức nô lệ thời hiện đại đáng bị điều tra và truy tố”, cô kết luận.
Hồng Hạnh/vnexpress
London SW6 3JW