Giác quan thứ 6 – điểm giống nhau giữa Trump và hoàng gia Anh

Tổng thống Mỹ và hoàng gia Anh không có điểm chung về phong tục, lễ nghi, dòng dõi nhưng lại chia sẻ giác quan thứ 6 về chính trị.

426 Content 23 6
Đám cưới Hoàng tử Anh Harry và Meghan Markle hôm 19/5. Ảnh: People.

Sự công nhận quốc gia huyền thoại và huy hoàng trong quá khứ có thể là một “liều thuốc giải độc” cho cuộc khủng hoảng chính trị nghiệt ngã đang diễn ra ở Mỹ, Anh và cả Trump lẫn hoàng gia Anh đều nhận thức rõ điều này, theo CNN.

Nước Anh vừa trải qua một cuối tuần đắm mình trong những giá trị của đế chế đã mất, trưng bày một câu chuyện cổ tích đời thực về hoàng tử và nữ công tước, lâu đài và hệ thống phân cấp tầng lớp do một vị vua đứng đầu. Cô dâu hoàng gia là người Mỹ mang trong mình nửa dòng máu châu Phi đã thổi bùng lên khao khát về những câu chuyện tuyệt đẹp trên thế giới.

Thời gian gần đây, nước Anh chẳng đạt được chiến thắng hay vẻ vang nào mà đang chật vật vượt qua cuộc khủng hoảng liên quan đến việc rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và vấn đề người nhập cư bất hợp pháp, thách thức quốc gia nghiêm trọng nhất kể từ khi quân đội của Hitler ồ ạt tấn công từ phía bên kia đảo Channel, Anh vào năm 1940. Có những người nhập cư gần như sống cả cuộc đời ở Anh đang chật vật tìm cách chứng minh tư cách pháp lý trong bối cảnh có những lo ngại về trục xuất hàng loạt. Bởi vậy, đám cưới Hoàng tử Harry diễn ra vào thời điểm này cùng nhiều điểm phá vỡ truyền thống mang đến một cái nhìn mới mẻ hơn cho nước Anh.

“Hai người trẻ tuổi yêu nhau và chúng ta đều thấy điều đó”, Đức tổng giám mục người Mỹ gốc Phi Michael Curry nói trong bài thuyết giảng tại đám cưới. Đức giám mục Curry là người da màu đầu tiên đảm nhiệm chức vụ tổng giám mục tại nhà thờ Episcopal – vị trí vốn trước đó chỉ dành cho người da trắng. Sự hiện diện của ông tại buổi lễ đã phần nào phá vỡ truyền thống và tôn vinh sự đa dạng văn hóa trong gia đình vốn kiểu mẫu của hoàng gia Anh.

Daljit Sidhu, một người gốc Nam Á sống gần lâu đài Windsor cho rằng sự đa dạng sắc tộc của hoàng gia rất quan trọng. “Tôi được sinh ra và được giáo dục ở đây, nhưng các bạn vẫn luôn khác biệt. Mười năm trước không ai nghĩ điều này có thể xảy ra”, Daljit nói với phóng viên CNN.

“Hoàng gia sẽ luôn luôn khác biệt. Những dấu ấn hoàng tộc đã lỗi thời nhưng với cuộc hôn nhân này, hoàng gia bắt đầu giống hơn một chút với đất nước mà họ đại diện khi mang đến hình ảnh cởi mở hơn”, Sunday Times of London viết trong một bài xã luận.

Các cuộc thăm dò cho thấy đa số người Anh ủng hộ duy trì chế độ quân chủ, và Nữ hoàng Elizabeth sau 66 năm tại vị vẫn nhận được sự tôn trọng của người dân, kể cả những người không mặn mà với chế độ kiểu này.

Giống như Anh, Mỹ cũng là quốc gia đang cần được cổ vũ tinh thần bằng những huy hoàng trong quá khứ. Chiều 19/5, cùng ngày diễn ra đám cưới Hoàng tử Harry, Nhà Trắng thông báo về một thỏa thuận để Trung Quốc mua thêm hàng hóa và dịch vụ của Mỹ nhằm giảm bớt sự mất cân bằng thương mại hai nước. Vẫn chưa rõ thỏa thuận này có ý nghĩa như thế nào nhưng rõ ràng đó là một chiến thắng cho chiến dịch “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” của Trump.

426 Content 24 4
Trump gây ấn tượng với cử tri bằng khẩu hiệu “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016. Ảnh: AP.

Từ quan trọng nhất trong khẩu hiệu này chính là “trở lại”. Nếu hoàng gia Anh gợi nhớ về quãng thời gian nước Anh “vĩ đại” cai trị một nửa thế giới, thì Trump ưu tiên khôi phục sức mạnh của thời kỳ Mỹ làm chủ những thuộc địa cũ trong vai trò là cường quốc vượt trội nhất thế giới, không ai có thể thách thức.

Những kế hoạch chính trị và chính sách kinh tế dân túy của Trump đều dựa trên ý tưởng tái tạo một kỷ nguyên thiêng liêng, đặc biệt ở khu công nghiệp miền Trung Tây, trước khi nền sản xuất của Mỹ bị đào thải bởi các cường quốc đang phát triển như Trung Quốc.

Nếu vấn đề nhập cư là động lực cho cuộc bỏ phiếu gây tranh cãi Brexit 2016 thì nó cũng là động lực cho chiến thắng của Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra chỉ vài tháng sau đó. Gốc rễ sự hấp dẫn của Trump đối với các cử tri là lời hứa kìm hãm những thế lực phá rối nền kinh tế toàn cầu và sự đa dạng sắc tộc đang trở lại mạnh mẽ ở Mỹ trong những thập kỷ gần đây.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị quốc gia đảng Cộng hòa năm 2016, Trump đã vẽ ra một bức tranh u tối về một đất nước bị bao vây bởi tội phạm, khủng bố, và sự tàn phá kinh tế trong những ngành công nghiệp mũi nhọn. Nhưng giống như hoàng gia Anh, Trump đã gợi lên một quá khứ huy hoàng của nước Mỹ.

“Chúng ta sẽ đưa đất nước an toàn, thịnh vượng và hòa bình trở lại. Chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ hùng mạnh trở lại, sẽ khiến nước Mỹ lại tự hào, lại an toàn. Chúng ta sẽ khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại”, Trump nói.

Khôi phục quá khứ huy hoàng có phải là một “liều thuốc giải độc” cho hai quốc gia ở hai bên bờ Đại Tây Dương hay không, điều đó sẽ được kiểm chứng trong những năm tới. Bởi vậy, tại thời điểm này, công chúng vẫn chưa thể nắm bắt được hình mẫu quá khứ đó sẽ là cách tiếp cận mới cho tương lai hay chỉ là khoảnh khắc dễ chịu nhất thời của một buổi chiều thứ bảy.

Nguồn: https://vnexpress.net

Bài liên quan