Những nhân chứng của vụ thảm sát cũng chỉ biết tự hỏi rằng ai có thể tàn sát 6 đứa trẻ một cách tàn bạo và cố giết luôn cả người mẹ tận tâm của chúng- người đang bị thương rất nặng sau vụ thảm sát. Hung thủ thật sự khiến mọi người bàng hoàng.
Một buổi sáng chủ nhật và căn nhà như tràn ngập máu
Vào lúc 6 giờ 45 phút sáng Chủ nhật 10/6/1854, trên đường đi làm, Henry Woolgar – một công nhân tại thị trấn Esher thuộc Surrey – thấy vật lạ bị treo lủng lẳng từ cửa sổ tầng 2 của một căn nhà.
Khi tiến lại gần và nhận ra đó là một cái gối nhuốm máu, ông liền nhấn chuông cửa nhưng không thấy ai trả lời. Những người hàng xóm bắt đầu tụ tập xung quanh bàn tán. Thấy bóng của một người phụ nữ chợt thoắt hiện trong ngôi nhà, Woolgar đi tìm một cái thang, trèo lên cửa sổ trên tầng và hé mắt nhìn vào.
Lúc đầu, ông không thể thấy ai nhưng đột nhiên một cảnh tượng kinh hoàng xuất hiện ngay trên cầu thang. Đó là Mary Ann Brough. Tóc cô xoã xuống và người bê bết máu, khi cô ta quay lại nhìn Woolgar, đập vào mắt ông là vết cắt sâu nơi cổ họng và âm thanh giống như tiếng huýt sáo phát ra từ vết thương.
Quá hoảng hốt, Woolgar nhanh chóng trèo xuống thang và chạy đi tìm sự hỗ trợ. Khi ông trở lại với nhân viên cảnh sát địa phương, một người hàng xóm khác đã vào nhà và phát hiện ra cảnh tượng hãi hùng ngoài sức tưởng tượng.
Mary Ann được tìm thấy đang nằm trên giường, bên cạnh là con trai William với một vết cắt ở cổ họng. Ở phòng khác, người ta cũng tìm được 5 thi thể của 5 đứa trẻ cùng vết thương tương tự. Căn nhà như tràn ngập máu.
Nạn nhân bao gồm Georgiana 11 tuổi, William 8 tuổi, Carry 7 tuổi, cặp song sinh vừa tròn 4 tuổi Harriet và Henry cùng với bé George chỉ mới 1 tuổi. Cùng với sự bàng hoàng, những nhân chứng vừa thấy được vụ việc trên cũng chỉ biết tự hỏi rằng ai có thể tàn sát 6 đứa trẻ một cách tàn bạo và cố giết luôn cả người mẹ tận tâm của chúng- người đang bị thương rất nặng sau vụ thảm sát.
Thắc mắc cuối cùng cũng được giải đáp sau khi một vị bác sĩ chữa lành vết thương ở cổ Mary Ann. Thế nhưng những lời đầu tiên phát ra lại chính là lời thú tội, thừa nhận rằng cô ta đã giết từng đứa con của mình như thế nào với hung khí là một lưỡi dao cạo, trước khi cố gắng tự tử.
May Ann Brough: Cô vú em hoàng gia bị sa thải sau 8 tháng làm việc
Vụ án của kẻ giết người xứ Esher bao trùm khắp nước Anh lúc bấy giờ và nhận được sự chú ý của giới dư luận toàn cầu, không chỉ vì Mary Ann là kẻ giết người hàng loạt mà cô ta còn từng là người được giao trọng trách chăm sóc đứa trẻ sơ sinh quan trọng nhất nước Anh, làm vú nuôi của Bertie – Hoàng tử xứ Wales, con trai cả của Nữ hoàng Victoria và là người kế vị ngai vàng.
Không giống như những vụ giết người hàng loạt khác trong thời Victoria, như vụ đầu độc của Mary Ann Cotton hay kẻ giết trẻ em hàng loạt Amelia Dyer, việc làm của Mary Ann Brough hoàn toàn biến mất khỏi dòng sự kiện lịch sử, không có một tài liệu hoặc một chương trình TV nào ghi chép về điều này, mặc dù cô ta là một kẻ giết người vô cùng khét tiếng
Việc làm vú nuôi hoàng gia của Mary Ann bắt đầu khi Nữ hoàng Victoria triệu tập cô vào ngày 9/11/1841. Nữ hoàng sắp đến ngày lâm bồn và kiên quyết rằng đứa con của mình sau khi sinh phải được giao ngay cho vú nuôi bởi vì Nữ hoàng không có ý định nuôi con bằng sữa mẹ.
Victoria có một điểm chung với tất cả những người phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu trong xã hội nước Anh ngày ấy: rằng bà kinh tởm việc nuôi con bằng sữa mẹ. Từ đó, vị trí vú em được ban hành và thu hút rất nhiều ứng viên, thu nhập cao chỉ là một trong những lý do. Trong 8 tháng làm việc, Mary Ann kiếm được 1.000 bảng Anh và nếu đem quy đổi ra với giá trị bây giờ thì số tiền ấy tương đương với 50.000 bảng Anh (gần 1,5 tỉ VNĐ).
Một trong những lý do khác giúp Mary Ann được nhận vào làm đó là chồng của cô – George – là lính canh tại dinh thự Claremont, gần thị trấn Esher, một trong những dinh thự yêu thích của Nữ hoàng. Bố chồng của Mary Ann cũng từng làm việc ở đó.
Ai có thể làm tốt công việc của vú em hơn người vợ của một kẻ hầu trung thành và thân cận?
8 năm trước, Mary Ann đã hạ sinh cô con gái lớn – Mary – và sau đó, rất nhiều đứa con của cô đã bị chết. Có nhiều lời đồn rằng Mary bị sẩy thai, nhưng cũng có người cho rằng những đứa con sau này của cô chết vì thiếu sữa mẹ vì mẹ của chúng đã được trả tiền để bán sữa của mình cho con của những nhà quý tộc giàu có. Với tâm lý bị ảnh hưởng nặng nề khi phải nuôi con của người khác bằng sữa của con mình thì chuyện sẩy thai chỉ còn là vấn đề thời gian.
Mặt khác, Nữ hoàng cảm thấy rất vui vì Mary Ann làm việc rất tốt, Bertie sớm phát triển thành một đứa trẻ bụ bẫm khoẻ mạnh. Nhưng song song với điều đó, Nữ hoàng Victoria cũng mắc chứng trầm cảm sau khi sinh và nghĩ đứa trẻ này thật xấu xí và trông “đáng sợ”. “Nữ hoàng không thể nào chịu nổi khi nhìn thấy em bé, chúng xuất hiện quá sớm và can thiệp vào đời sống của bà ấy”, người viết tiểu sử của Bertie nói. Vì không thể thân thiết với Bertie, Nữ hoàng lờ đi sự hiện diện của con trong những năm tháng đầu đời và đó thời gian mà Bertie dành với Mary Ann còn nhiều hơn với mẹ đẻ.
Sau 8 tháng làm việc, Mary Ann bị sa thải. Đã có những lời đồn đại như Mary Ann là một người say xỉn, cũng có người cho rằng cô bất tuân Nữ hoàng. Không ai biết được lý do chính xác là gì, chỉ biết, Nữ hoàng nhanh chóng quên đi Mary Ann để rồi hơn một thập kỉ sau, bà mở tờ báo ra và đọc được một tiêu đề gây sốc. Ngày 13/6, Nữ hoàng đã viết nhật ký: “Một sự kiện kinh hoàng đã xảy ra tại Esher. Cô Brough (tức Mary Ann) – người làm vú em cho Bertie trong suốt 8 tháng – đã tự tay giết hại 6 đứa con của mình. Cô ta vẫn luôn mệt mỏi, bệnh hoạn, dễ nóng giận như hồi còn ở nhà chúng tôi vậy”.
“Những đám mây bí ẩn” và con dao cạo trong phòng ngủ
Sau khi bị sa thải, Mary Ann cô chuyển về sinh sống cùng chồng ở một ngôi nhà nhỏ nằm ở phía tây Esher. Năm 1843, Mary Ann hạ sinh con gái thứ 2 Georgiana và tiếp theo là sự ra đời của 5 người con nữa. Nhưng sau khi George (đứa con thứ 7) ra đời vào tháng 9/1852, Mary Ann trải qua một cơn bạo bệnh. Theo như lời bác sĩ Izod – người làm chứng tại phiên toà – cô ta đã bị liệt nửa người bên trái, lời nói trở nên khó hiểu và cơ mặt bị cứng, biến dạng.
Sau một thời gian chữa trị, dù Mary Ann đã hồi phục phần nào nhưng bác sĩ Izod lại phát hiện được những dấu hiệu của một bộ não bị tổn thương. Cô ta than phiền về những cơn nhức đầu, những tiếng động lạ trong tai và chảy máu cam liên tục. Ông cho Mary Ann uống thuốc nhưng những triệu chứng không có dấu hiệu thuyên giảm.
Người nhận thấy sự bắt đầu cho tấn bi kịch sắp xảy đến chính là chồng của cô, một người được cho là chăm chỉ và đàng hoàng. Ông thuê một thám tử nghiệp dư theo dõi vợ mình và phát hiện cô ta bắt xe đi Luân Đôn hẹn gặp với một người đàn ông khác đã có gia đình. Khi có đủ chứng cứ, vào thứ Ba ngày 6/6/1854, George Brough bỏ vợ, giành quyền nuôi con và định sẽ mang giấy tờ hợp pháp đến cho Mary kí vào thứ Bảy.
Trong những ngày đó, không may là các con của Mary mắc bệnh sởi nên những đêm đó, cô đã ngủ rất ít để chăm sóc chúng.
Vào ngày thứ Tư, cô hỏi xin bác sĩ Izod một ít thuốc giảm nhức đầu nhưng không được cung cấp bởi những triệu chứng của cô không mới và bệnh của cô không đơn thuần có thể chữa được bằng thuốc. Thứ 6 ngày 9/6, bị tra tấn bởi những cơn đau đầu, Mary Ann đến gặp bác sĩ để xin thuốc một lần nữa nhưng vẫn không được đáp ứng. Cô đành vác thân thể mệt mỏi về nhà, với những đứa con đang bệnh và ngủ thiếp đi trong mệt mỏi.
Khoảng 9 giờ tối cùng ngày, Georgiana – đứa con đang bị bệnh sởi của cô – lớn tiếng gọi mẹ và sau đó thì các con bắt đầu khóc cho đến nửa đêm. Dỗ mãi con cũng nín thế nhưng Mary Ann lại không thể nào ngủ được. Với một thân thể mệt rã rời cùng với suy nghĩ con của mình sẽ bị mang đi, cô đã sụp đổ hoàn toàn. Sau này, cô ta có khai: “Có một thứ mơ hồ tựa như đám mây trước mắt tôi, tôi nghĩ mình nên đi xuống bếp, lấy một con dao và tự cắt cổ họng mình”.
Nhưng trong bóng tối, cô ta không thể tìm đường xuống bếp để lấy dao mà thay vào đó lại đi vào phòng của chồng và tìm thấy một lưỡi dao cạo. Tiếp đến, cô ta dùng lưỡi dao và cắt cổ từng đứa con của mình. Cô khai: “Tôi đến phòng của Georgiana và cắt cổ nó trước. Tôi còn không buồn nhìn nó. Rồi tôi vào phòng Carry, sau đó đến Henry, nó đã bảo với tôi: “Đừng mà mẹ!” nhưng tôi nói tôi phải làm, và sau đó tôi cắt cổ thằng nhỏ. Tiếp theo là Bill, nó ngủ say lắm, tôi lật nó lại rồi bắt đầu làm như những đứa khác, Bill không tỉnh dậy nữa”.
Rồi cô ta bước vào phòng tiếp theo: “Harriet và George còn tỉnh, Hariet vùng vẫy và nôn oẹ rất nhiều sau khi tôi cắt cổ nó. Sau đó tôi nằm xuống và tự kết liễu mình. Tôi không thể nhớ chính xác điều gì xảy ra sau đó, nhưng khi tôi không còn cảm thấy bản thân nữa, thì cái thứ mơ hồ tựa đám mây kia cũng biến mất”.
Một lúc sau, Mary Ann tỉnh dậy và thấy những đứa con của mình trong vũng máu. Không thể nào hét lên để tìm sự trợ giúp vì khí quản đã bị tổn thương trầm trọng, Mary Ann treo một cái gối đẫm máu nơi cửa sổ để gây chú ý.
Thảm kịch giết con xảy ra bởi biến cố của não bộ, hay là sự toan tính trước của người mẹ?
Phiên toà xét xử Mary Ann được diễn ra vào tháng 8/1854 và vụ án kết thúc với một câu hỏi gây tranh cãi liên quan đến sự tỉnh táo của Mary Ann: Thảm kịch giết con xảy ra bởi biến cố của não bộ, hay là sự toan tính trước của người mẹ?
Bác sĩ tâm lý thuộc bên bào chữa đã đưa ra khả năng của một căn bệnh còn được gọi là “hoá điên tạm thời” hình thành bởi những chấn thương não bộ cùng với việc tâm lý bị ảnh hưởng nặng nề khi chăm sóc các con bị bệnh mà dẫn đến thảm kịch trên.
Bên công tố không đồng ý và tranh luận rằng vụ việc này đã được toan tính trước bởi vì chỉ vài giờ trước khi thảm kịch xảy ra, Mary Ann đã gom hết nữ trang cùng những đồ đạc quý giá đưa cho đứa con gái đầu lòng của mình là Mary. Những vật đó bao gồm 1 bình trà bằng bạc, 2 trâm cài tóc từ Nữ hoàng Victoria cùng Nữ hoàng xứ Belgians và dặn đừng để chồng của cô biết được.
Chính cô còn nói với Mary rằng lí do mà cô ta làm những hành động xấu đó chính là vì “sợ sẽ bị chia cắt khỏi các con bởi những giấy tờ mà thứ Bảy phải kí”. Tòa án khi đó nhìn thấy động cơ của Mary Ann đã khá rõ ràng, đó là sự ghen ghét và trả thù. Hơn nữa, cộng với bằng chứng ngoại tình của Mary do chồng cô có được, các thẩm phán đã đồng ý với góc nhìn này và yêu cầu bồi thẩm đoàn đưa ra phán quyết “có tội”.
Nhưng cùng với những lý lẽ của mình và những chuyên gia tâm lý khác, vị bác sĩ tâm lý bên bào chữa đã chứng mình được căn bệnh trong não Mary Ann là có thật và cuối cùng cô ta được phán xét vô tội vì lý do tâm thần.
Sau này, căn nhà nơi thảm kịch xảy ra của Mary Ann vẫn là một điểm hút du khách nổi tiếng, với một câu chuyện nền tảng kinh dị và một sự liên kết nhỏ đến hoàng gia.
Mary Ann sống hết quãng đời còn lại của mình tại bệnh viện tâm thần Bethlehem tại Luân Đôn, tại đây cô được nhận xét là khá hiền và trầm tính. Trải qua nhiều biến cố, Mary Ann bị bệnh bại liệt và mất năm 1861.
Một bác sĩ công tác tại bệnh viện tâm thần nơi Mary Ann chữa trị cho rằng lý do dẫn đến bệnh bại liệt của cô là những chấn thương não, có thể giải thích được vì sao 7 năm trước lại xảy ra bi kịch thảm sát 6 người.
Mary Ann cũng cho rằng nếu ngày thứ Sáu ấy, bác sĩ Izod cung cấp thuốc để cô chữa bệnh nhức đầu thì đám mây ấy sẽ không bao giờ xuất hiện và cô cũng sẽ chưa bao giờ giết người
Hơn 20 năm sau thảm kịch, nhưng câu chuyện vẫn tiếp tục vươn xa đầy mê hoặc. Cảnh giết người đã được dựng lại trong một vài chi tiết tại bảo tàng sáp Birmingham, nơi mà khách tham quan có thể thấy được hình nộm của 6 người con, cổ họng của mỗi người bị cắt và một chút máu me trên những khuôn mặt bằng sáp, máu me trên những chiếc khăn trải giường…. Và hình nộm của kẻ giết người bê bết máu với một cái nhãn dán ngay cổ, nhắc nhở mọi người về mối liên kết với hoàng gia của Mary Ann Brough.
Nguồn: Kenh14.vn