Chỉ với 1 chú chó, chú mèo và 2 chú chim, người đàn ông tài hoa này đã vượt hàng trăm km với chiếc khinh khí cầu của mình.
Có thể bạn đã biết tới những người đầu tiên di chuyển bằng máy bay, hay người đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng.
Tuy nhiên, có thể bạn chưa biết đến câu chuyện về Vincenzo Lunardi – người đầu tiên bay qua nước Anh bằng một chiếc khinh khí cầu với một chú chó, một con mèo và hai con chim bồ câu.
Vincenzo Lunardi: Sinh ra để bay bằng khinh khí cầu
Sinh năm 1754 tại Italy, Vincenzo Lunardi bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là một nhà ngoại giao, là thư ký cho Hội nghị Neapolitan ở Anh.
Trong thời gian này, ông đã bị thu hút mạnh mẽ bởi một phát minh mới về túi bóng cao su chứa đầy khí Hydro có thể trôi nổi trên bầu trời và “mang theo” con người.
Vấn đề duy nhất ở đây, đó là người London (Anh) đều không nghĩ rằng, ông có thể làm được điều ấy, và họ cũng không tin bất kỳ ai có thể làm được.
Trên thực tế, người Anh đã chứng kiến nhiều sự thất bại có liên quan đến việc bay bằng khinh khí cầu. Người đầu tiên cần nhắc đến là James Tytler tại Scotland. Vào tháng 8 năm 1774, James đã bay được một khoảng cách khá cao. Tuy nhiên, trải nghiệm này thực sự quá ngắn ngủi, và thậm chí còn làm những khán giả cảm thấy khó chịu vì chưa trầm trồ xong khinh khí cầu đã xuống.
Khi Lunardi tới London, ông bắt đầu kể cho mọi người nghe về kế hoạch của mình và thể hiện niềm say mê đó bằng cách phân phát tờ rơi, quảng cáo về chuyến du hành tuyệt vời sắp tới.
Đến ngày 15/9/1784, sau khi chuẩn bị kĩ lưỡng, ông đã bắt đầu chuyến bay của mình. Lunardi cùng đội bay đã mang “quả bóng” tới căn cứ pháo binh London, bơm đầy khí và cất cánh.
Hành trình huy hoàng trên khinh khí cầu của Lunardi
Trong một cuốn sách mỏng chỉ gồm 16 trang có tên “Lunardi’s Grand Aerostatic Voyage (tạm dịch: Hành trình huy hoàng trên khinh khí cầu của Lunardi), ông đã ghi lại từng phút giây của cuộc hành trình.
Hành trình của ông được đông đảo người hâm mộ theo dõi. Ông chia sẻ trong cuốn sách rằng: “Theo ước tính, có tới 150 khán giả theo dõi, bao gồm tất cả các tầng lớp khác nhau” chờ đón ông.
Những vị khán giả này đủ lứa tuổi, chức vụ, quốc gia – họ đứng trên cánh đồng và tòa nhà để cổ vũ. Ông cũng đề cập tới nhân vật nổi tiếng đang chứng kiến ông như Vua George Augustus Frederick, Hoàng tử xứ Wales 14 tuổi.
Theo lời kể của Lunardi, một sự cố đã xảy ra trước khi quả khinh khí cầu rời khỏi mặt đất. Trong khi phi hành đoàn đang kiểm tra túi khí cầu, một trong những chiếc cột hỗ trợ bị đổ, khiến cho một trong những phi hành đoàn mất cân bằng.
Với sự khéo léo, Lunardi đã bắt được một sợi dây thừng và giúp cả tất cả đều an toàn.
Hành trình của ông cũng không thiếu những phút giây kịch tính. Khoảng 1 giờ chiều, Lunardi và trợ lý của mình – George Biggins đã leo vào trong thùng nhưng trọng tải quá nặng, Biggins thất vọng và buộc phải leo lên trở lại.
Vẻ buồn rầu hiện rõ trên khuôn mặt của người đồng đội Biggins nhưng ta không thể làm gì khác. Vậy là trong chuyến hành trình này, chỉ còn lại chú chó, con mèo và 2 con chim bồ câu bầu bạn cùng Lunardi.
Phần còn lại của cuộc hành trình là sự pha trộn giữa khung cảnh vắng vẻ, các thí nghiệm khoa học và giây phút nguy hiểm. Mặc dù Lunardi lái khinh khí cầu không tệ, nhưng những luồng khí vẫn cứ liên tục tràn vào dữ dội.
Có lúc, chiếc khinh khí cầu đã bay lên rất cao, khiến ai nấy đều lạnh toát. Ông quyết định nhấp vài ly rượu để làm ấm mình và tiếp tục chèo lái. Mặc dù rất thích những đám mây, nhưng đôi khi lượng mây dày đặc đã gây ra những cú “chao đảo bất ngờ”.
Lunardi: Biểu tượng của tinh thần mạo hiểm khám phá
Tất cả đều nói rằng, Lunardi đã bay chưa đầy 3 giờ đồng hồ. Trong thời gian ấy, ông đã đi tổng cộng khoảng 80 dặm (khoảng 128 km), bay qua bay lại trên một đoạn dài 26 dặm (khoảng 42 km).
Ông đã hạ cánh vào khoảng 5 giờ chiều, tại một ngôi làng nhỏ, nơi một cô gái nông thôn gần đó đã giúp ông giữ túi khí trên mặt đất. Vào thời điểm này, ông cảm thấy rất lạnh, còn chú chó thì ướt nhẹp.
Lunardi bấy giờ vẫn được biết tới như một phi hành gia, ông cũng đã có biệt danh là “Daredevil Aeronaut” (Phi hành gia không biết sợ hãi). Sự nghiệp ấy của ông chứa đủ niềm vui và thăng trầm. Tuy nhiên, chuyến đi đầu tiên tại London đã tạo ra tiếng vang cho ông, không chỉ cho sự nghiệp mà còn cho những tâm hồn muốn chu du nói chung.
Lunardi đã trở thành một biểu tượng người đàn ông dũng cảm, dám mạo hiểm để khám phá những điều ông chưa biết. Với chuyến đi của mình, và bằng những nỗ lực của ông khi ghi chép lại nó, Lunardi đã mở ra “một cỗ máy tuyệt vời và tráng lệ thực sự” trong tâm trí của cả một quốc gia.
Nguồn: Kenh14.vn