Kinh tế sụt giảm kỷ lục trong thời gian từ tháng Tư tới tháng Sáu do các biện pháp phong tỏa phòng chống Covid-19, khiến nước Anh chính thức bước vào suy thoái.
Nền kinh tế bị thu nhỏ lại 20,4% so với ba tháng đầu năm.
Chi tiêu của các hộ gia đình giảm mạnh do các cửa hàng buộc phải đóng cửa, trong lúc các hoạt động sản xuất, xây dựng cũng giảm mạnh.
Việc này đẩy Anh lần đầu tiên rơi vào tình trạng suy thoái về mặt kỹ thuật - được định nghĩa là khi kinh tế trải qua hai quý liên tiếp đi xuống - kể từ năm 2009.
Có dấu hiệu nào cho thấy tình hình sẽ khá lên?
Cơ quan Thống kê Quốc gia (ONS) nói rằng kinh tế đã bật trở lại trong tháng Sáu, khi chính phủ nới lỏng các biện pháp phong tỏa.
Kinh tế Anh tăng 8,7% trong tháng Sáu, sau khi đạt mức tăng 1,8% trong tháng Năm.
Tuy nhiên, Jonathan Athow, phó giám đốc phụ trách phân tích số liệu thống kê kinh tế quốc gia, nói: "Dẫu vậy, tổng sản lượng quốc nội (GDP) trong tháng Sáu vẫn thấp hơn hồi tháng Hai, là thời điểm trước khi virus tấn công."
Ngành nào bị ảnh hưởng nặng nhất?
ONS nói rằng tình trạng suy sụp ra là do kết quả của việc đóng cửa đối với các cửa hàng, khách sạn, nhà hàng, trường học và các garage sửa xe hơi.
Mảng dịch vụ, vốn chiếm tới bốn phần năm nền kinh tế Anh, đã có mức suy giảm kỷ lục tính theo quý.
Việc đóng cửa nhà máy cũng khiến sản lượng xe hơi đạt mức thấp nhất kể từ năm 1954 tới nay.
Mức suy giảm kinh tế cao nhất là trong tháng Tư, lúc cao điểm áp dụng các biện pháp phong tỏa.
Các cửa hàng bán lẻ quần áo, sách vở và các mặt hàng không thiết yếu khác đã được mở cửa trở lại tại xứ Anh (England) vào ngày 15/6, còn hoạt động xây dựng cũng đã tăng mạnh sau khi suy giảm nghiêm trọng hai tháng trước đó.
Tuy vậy, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak nói rằng tình trạng suy giảm kinh tế sẽ khiến có thêm nhiều người mất việc làm trong những tháng tới.
Số liệu chính thức về công ăn việc làm, được công bố hôm thứ Ba, cho thấy lượng người đi làm giảm 220.000 trong thời gian từ tháng Tư tới tháng Sáu. Đây là mức giảm trong quý cao nhất kể từ thời điểm tháng Năm - tháng Bảy 2009, là lúc cuộc khủng hoảng tài chính rơi vào thời điểm trầm trọng nhất.
Tình hình Anh so với các nước khác thế nào?
Tuy dữ liệu gần đây cho thấy việc phục hồi đang diễn ra, nhưng Ngân hàng Trung ương Anh Quốc không hy vọng là nền kinh tế sẽ trở lại được quy mô như thời điểm trước đại dịch cho tới sớm nhất là vào cuối năm sau.
Cơ quan Quản lý Ngân sách (the Office for Budget Responsibility), cơ quan chịu trách nhiệm dự báo chính thức của chính phủ, cho rằng việc phục hồi thậm chí còn cần mất nhiều thời gian hơn nữa.
Kinh tế Anh là một trong những nền kinh tế phát triển suy giảm trầm trọng nhất.
Nền kinh tế đã co lại một phần năm so với thời điểm cuối năm ngoái.
Mức này không tồi tệ như mức giảm 22,7% của Tây Ban Nha, nhưng cao gấp đôi so với mức suy giảm tại Đức và Hoa Kỳ.
Ngân hàng Trung ương Anh Quốc ghi nhận rằng việc chi tiêu cho các hoạt động xã hội, chẳng hạn như đi ăn tiệm, đi xem hòa nhạc hay xem bóng đá, là nguồn thúc đẩy tăng trưởng tại Anh lớn hơn nhiều so với ở Mỹ hay các nước thuộc khối sử dụng đồng euro.
Nguồn: BBC Tiếng Việt