Đại dịch COVID-19 đã khiến cho nền kinh tế của các quốc gia trong đó có Anh gặp nhiều kh ủng hoảng. Hiện nợ công của Anh lần đầu tiên đạt mức 2.000 tỉ bảng, tương đương với 2.660 tỉ USD.
Theo tờ Independent, hôm 21/8, Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) của Anh cho biết khoản vay trong tháng 7 của chính phủ đã đạt 26,7 tỉ bảng, cao hơn 28,3 tỉ bảng so với cùng kì năm 2019 và cũng là mức cao thứ 4 kể từ khi bắt đầu ghi nhận năm 1993.
Cũng theo ONS, tính đến cuối tháng 7, khoản nợ của nước Anh tương đương với 100,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lần đầu tiên kể từ tháng 3/1961.
Lần đầu tiên nợ công của nước Anh đạt tới 2.000 tỉ bảng. (Ảnh: Independent)
Đại dịch COVID-19 đã gây "tác động chưa từng có" đối với việc vay nợ, khi chính phủ chi hàng tỉ USD để hỗ trợ các ngành kinh tế bị thiệt hại nặng nề.
Trả lời tờ Independent về các số liệu mới, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho biết: "Các số liệu ngày hôm nay nhắc nhở chúng ta buộc phải quay lại kế hoạch tài chính công bền vững dù cần phải đưa ra những quyết định khó khăn".
Theo một báo cáo do Cơ quan Trách nhiệm Ngân sách của Anh công bố, khoản vay trong năm tài chính từ tháng 4/2020 đến tháng 3/2021 có thể tăng lên 322 tỉ bảng Anh, gấp khoảng 6 lần số tiền đã vay trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2020.
Việc đóng cửa toàn quốc đồng nghĩa với việc người dân kiếm tiền cũng như chi tiêu ít hơn hẳn. Hậu quả là công chúng không phải trả nhiều tiền thuế khiến cho nguồn thu của chính phủ giảm xuống và dẫn đến nhu cầu đi vay của chính phủ.
Mặc dù con số nợ công 2.000 tỉ bảng dường như khó có thể vượt qua được nhưng dưới tác động của đại dịch thì việc này không thể tránh khỏi khi nguồn thu thuế giảm dần và chi tiêu của chính phủ cho các chương trình và trợ cấp để giúp đỡ người dân và doanh nghiệp tăng vọt.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết mức lãi suất mà chính phủ phải trả đang ở mức thấp nhất trong lịch sử, do vậy, chi phí trả nợ thấp hơn dự đoán ban đầu.
Theo ông Andrew Harding, Giám đốc điều hành kế toán quản trị tại Hiệp hội Kế toán chuyên nghiệp được chứng nhận quốc tế (AICPA), với lãi suất thấp chính phủ hiện có thể tăng chi tiêu của mình.
"Chính phủ nên tận dụng tình hình hiện nay để vay vì mục tiêu lợi ích tài chính dài hạn và giải quyết những khó khăn mang tính hệ thống trong nền kinh tế", ông Harding nói. Đồng thời, ông cũng kêu gọi chính phủ tạo nhiều cơ hội hơn cho các doanh nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ, đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh, cũng như cơ sở hạ tầng để hỗ trợ tăng trưởng kinh doanh.
Nguồn: vietnambiz