Các nước châu Âu dự báo biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 sẽ chiếm phần lớn các ca mắc COVID-19 trong vài tháng tới, do đó tất cả đều đang dốc sức tăng tốc chiến dịch tiêm chủng.
Người dân châu Âu đeo khẩu trang ra đường - Ảnh: REUTERS
Trong thời gian gần đây, tình hình COVID-19 ở nhiều nước châu Âu diễn biến phức tạp trở lại. Số ca nhiễm tăng cao sau thời gian tưởng như dịch đã được kiểm soát tốt.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 2-7 cảnh báo giai đoạn 10 tuần giảm số ca COVID-19 ở châu Âu đã "tới hồi kết". Theo giám đốc vùng phụ trách châu Âu của WHO, ông Hans Kluge, số ca nhiễm trên toàn châu Âu tuần qua đã tăng 10%.
Ngoài Giải bóng đá vô địch các quốc gia châu Âu (Euro 2020), châu Âu còn lý do nữa để lo ngại về việc tăng số ca nhiễm COVID-19, bởi đây là thời điểm bước vào những tháng nghỉ hè.
Theo Hãng tin AP, thời tiết đẹp ở châu Âu càng khiến người dân có nhu cầu tụ tập. Trong khi đó, việc giãn cách xã hội ở nhiều nước châu Âu thường bị bỏ qua, nhất là ở những người trẻ. Một số nước thậm chí đã bỏ yêu cầu đeo khẩu trang khi ra đường.
Theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh châu Âu, nguy cơ lây nhiễm từ chủng Delta là từ "cao cho tới rất cao", đặc biệt với một số nhóm không tiêm vắc xin.
Trung tâm này ước tính tới cuối tháng 8, biến chủng Delta sẽ chiếm tới 90% trong tổng số các ca bệnh ở Liên minh châu Âu (EU, gồm 27 nước thành viên), và cảnh báo: "Việc triển khai tiêm vắc xin mạnh mẽ là điều rất quan trọng".
Theo Hãng tin AP, hiện nay Hà Lan đang mở rộng chương trình tiêm vắc xin cho những người từ 12 tới 17 tuổi, nhằm ứng phó với mối lo về đợt bùng phát mới.
Tại Hy Lạp, người trẻ được tặng 150 euro (hơn 4 triệu đồng) xem như "phần thưởng" nhằm khuyến khích họ tiêm liều đầu tiên.
Ở Rome (Ý), chính quyền cân nhắc phương án đưa xe tải ra bãi biển để tiêm cho người ở đây. Tại Ba Lan tuần trước lập chương trình "xổ số" tặng xe hơi cho người trưởng thành đã tiêm đủ các liều vắc xin và trúng thưởng.
Tương tự, ở Bồ Đào Nha, chính quyền đang nới thêm giờ làm tại các trung tâm tiêm chủng, lập thêm phòng khám nhanh và đưa quân nhân vào hỗ trợ vận hành, cũng như giảm thời gian chờ giữa hai lần tiêm AstraZeneca, từ 12 tuần xuống còn 8 tuần.
Bộ trưởng Nội các Bồ Đào Nha Mariana Vieirra da Silva nói: "Chúng tôi đang chạy đua với thời gian".
Một trong những vấn đề lớn châu Âu đang đối mặt là sự kiên nhẫn chống dịch của người dân ở đây đang cạn dần.
Ông Tiago Correia, phó giáo sư tại Viện Vệ sinh và y học nhiệt đới ở Lisbon (Bồ Đào Nha), nói về sự thiếu kiên nhẫn của công chúng, đặc biệt ở người trẻ: "Họ đang muốn quay lại cuộc sống bình thường nhanh hơn tiến độ của chương trình tiêm chủng hiện nay".
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online