Lo ngại về cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, quan chức EU đã đẩy nhanh các kế hoạch nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân thuộc khối này.
Tình hình chiến sự ở Ukraine đã khiến Ủy ban châu Âu (EC) kêu gọi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) gấp rút dự trữ thuốc iôt, quần áo bảo hộ và các loại thuốc khác.
Theo Financial Times, các quan chức EU ở Brussels (Thủ đô Bỉ, đồng thời là trung tâm hành chính của EU) đã đẩy nhanh các kế hoạch nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân EU trong trường hợp xảy ra sự cố hạt nhân, hóa học và sinh học.
"Ủy ban đang làm việc để đảm bảo có thể sẵn sàng trước các mối đe dọa hóa học, sinh học, phóng xạ, hạt nhân (CRBN) nói chung. Kế hoạch này ra đời trước khi chiến tranh ở Ukraine xảy ra và đang được EU đẩy nhanh tiến độ thực hiện", phát ngôn viên của EC cho biết.
Đầu tháng 3, hiệu thuốc ở các nước bao gồm Bỉ, Bulgaria và Cộng hòa Czech đã hết thuốc iôt ngay sau khi Nga chiếm nhà máy điện hạt nhân của Ukraine.
Tại Bỉ, gần 30.000 người đã tới lấy thuốc iôt miễn phí ở các hiệu thuốc sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu các quan chức quốc phòng và quân sự hàng đầu đặt lực lượng hạt nhân Nga “vào trạng thái sẵn sàng” hôm 27/2, cũng như việc nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia vướng vào giao tranh hôm 4/3.
Trong khi đó, Bloomberg cũng ghi nhận nhu cầu về loại thuốc này tại Phần Lan tăng 100 lần, dù giới chức nước này cam kết đã tích trữ đủ thuốc iôt cho tình huống khẩn cấp.
Khi iôt phóng xạ bị rò rỉ và nạn nhân hít phải chất này, nó sẽ tập trung trong tuyến giáp và có thể dẫn đến ung thư. Thuốc iôt (thường dưới dạng iôt kali) được cho là giúp bão hòa iôt ở tuyến giáp, ngăn cản sự hấp thụ chất phóng xạ.
Brussels đã rút ra các bài học kinh nghiệm từ đại dịch Covid-19, do không phản ứng kịp thời khiến châu Âu thiếu thiết bị y tế và vắc-xin ở giai đoạn đầu của đại dịch.
Tháng 9/2021, EU đã thành lập Cơ quan ứng phó và chuẩn bị khẩn cấp y tế châu Âu (HERA) để xác định các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe có thể xảy ra trong tương lai và sẵn sàng ứng phó. Các nghị sĩ châu Âu cho rằng HERA cần phải tiến hành nhanh hơn để bắt kịp với những diễn biến ở Ukraine.
"Chúng ta cần rút ra những bài học mạnh mẽ từ dịch Covid-19. EU cần một kho dự trữ y tế và một hệ thống cảnh báo cũng như giám sát. Ngay cả việc cần diễn tập để sẵn sàng ứng phó", bà Véronique Trillet-Lenoir, thành viên Nghị viện châu Âu, cho biết.
Theo kế hoạch, trong trường hợp khẩn cấp, HERA sẽ phụ trách ứng phó, kích hoạt tài trợ và khởi động các cơ chế giám sát, phát triển có mục tiêu, mua sắm và thống nhất các biện pháp đối phó y tế. EU cũng sẽ quy tụ các cơ sở sản xuất để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu về thuốc cho khu vực.
Minh Hoa (t/h theo Tuổi Trẻ Online, Zing)