Richard Smith, người đứng đầu lực lượng chống khủng bố của Scotland Yard kêu gọi người dân thủ đô cảnh giác khi London “có khả năng” trở thành mục tiêu tấn công của các phần tử cực đoan sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ.
Ông Smith cho biết “London đã bị de dọa” trước cả khi đại dịch Covid bùng phát.
Lời cảnh báo được đưa ra sau khi Mohiussunnath Chowdhury, 28 tuổi, bị tuyên án chung thân do âm mưu tấn công sự kiện Pride của cộng đồng LGBT ở London năm 2019. Trước đó, Chowdhury cũng khoe đã "lừa dối" bồi thẩm đoàn để được trắng án sau khi tấn công binh lính bên ngoài Cung điện Buckingham. Ngoài ra, một kẻ cực đoan khác là Safiyya Shaikh, 37 tuổi, cũng nhận mức án tương tự sau khi tên này đăng những hình ảnh kích động lên mạng và lên kế hoạch đánh bom nhà thờ St Paul và một khách sạn trong lễ Phục sinh năm nay.
Chỉ huy Smith cho rằng bản án của Chowdhury và Shaikh một lần nữa khẳng định London vẫn đang bị đe dọa và một cuộc khủng bố tại nơi đông người có thể xảy ra khi lệnh phong tỏa được nới lỏng. Đối tượng tình nghi hàng đầu là “những phần tử cánh hữu ủng hộ Nhà nước Hồi giáo tự xưng, bao gồm cả những kẻ ở nước ngoài và tàn dư của al-Qaeda”.
Nhận định về ISIS, ông Smith nói: “Chúng chắc chắn vẫn là mối đe dọa cả trong lẫn ngoài nước.”
“Công nghệ ngày càng phát triển, việc nhận biết nguồn gốc của mối đe dọa càng khó hơn. Một số kẻ hoạt động đơn lẻ có thể được chỉ đạo bởi các tổ chức khủng bố ở nước ngoài. Tuy nhiên, sẽ có những cá nhân bị kích động bởi các nội dung được đăng tải ở quốc gia khác. Những người sau đó sẽ hành động hoàn toàn theo ý mình", ông Smith nói.
Phía cảnh sát cũng lo ngại một số người đã bị cực đoan hóa trong thời gian giãn cách xã hội. “Khủng bố và các phần tử cực đoan khác luôn tìm cách kích động người dân và truyền bá tư tưởng của chúng. Những kẻ này có thể lợi dụng lệnh phong tỏa để thực hiện ý đồ do các hoạt động của người dân bị hạn chế”, ông Smith cho biết.
Một sĩ quan cảnh sát tại hiện trường vụ tấn công khủng bố Streatham
Cảnh sát đã ghi nhận sự sụt giảm số lượng cảnh báo nhận được thông qua chương trình Chống khủng bố của Chính Phủ. Nguyên nhân được đưa ra là do người dân phải ở nhà và không thể tiếp cận với nhân viên dịch vụ công, những người có thể nhận biết các hành động đáng ngờ.
Lực lượng chống khủng bố và các nhân viên MI5 hiện đang theo dõi “800 đầu mối và chuyên án” để chặn đứng các âm mưu chết người nhằm vào London. Tuy nhiên, “sự giúp đỡ của người dân vẫn đóng vai trò vô cùng quan trọng”, ông Smith khẳn định, “nếu bạn cảm thấy lo ngại về vấn đề gì, hãy cảnh giác và gọi ngay cho chúng tôi”.
Trong vòng 9 tháng vừa qua, London đã hứng chịu hai cuộc tấn công. Tháng 11 năm ngoái, tội phạm khủng bố được trả tự do Usman Khan, 28 tuổi, đã giết hai người bằng dao trước khi bị bắn chết tại Fishmongers’ Hall. Vụ thứ hai được thực hiện bởi Sudesh Amman, 20 tuổi, một tội phạm khủng bố được thả tự do khác. Tên này đã làm bị thương ba người trước khi bị cảnh sát hạ gục.
(Theo Evening Standard)