Malaysia ký thỏa thuận mua 6,4 triệu liều vaccine của AstraZeneca

Ngày 22/12, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin cho biết nước này đã ký thỏa thuận mua 6,4 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 do hãng AstraZeneca của Anh phát triển, đồng thời đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng với Trung Quốc và Nga để đặt mua thêm.

132 1 Malaysia Ky Thoa Thuan Mua 64 Trieu Lieu Vaccine Cua Astrazeneca

Hình ảnh mô phỏng vaccine ngừa COVID-19 của Hãng dược phẩm AstraZeneca phối hợp cùng trường Đại học Oxford (Anh) nghiên cứu sản xuất. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Muhyiddin cho biết số vaccine của AstraZeneca sẽ đến Malaysia trong tháng 2/2021. Như vậy, cùng với 12,8 triệu liều vaccine được đảm bảo cung cấp từ thỏa thuận với Pfizer/BioNTech tháng trước cũng như Cơ chế Tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bảo trợ, Malaysia hiện đã có đủ nguồn cung vaccine cho 40% dân số. Thủ tướng Muhyiddin cho hay Chính phủ Malaysia cũng đang thương thảo với các hãng dược phẩm khác để đảm bảo có đủ vaccine cho 26,5 triệu người, tương đương hơn 80% dân số. Giá trị các thỏa thuận mua vaccine dự kiến lên tới 504,4 triệu USD. 

Theo Thủ tướng Muhyiddin, những người thuộc các nhóm có nguy cơ cao mắc COVID-19 như nhân viên y tế, người cao tuổi, người có bệnh nền…sẽ được ưu tiên tiêm vaccine. Ông cũng khẳng định sẵn sàng trở thành người đầu tiên ở Malaysia tiêm vaccine COVID-19.

* Cùng ngày, Chính phủ Bangladesh thông báo đã quyết định tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho ít nhất 45 triệu dân nước này trước tháng 5 hoặc tháng 6/2021.

Phát biểu với báo giới sau phiên họp nội các do Thủ tướng Sheikh Hasina chủ trì, Bộ trưởng Nội các Bangladesh Khandker Anwarul Islam cho biết nội các đã chấp thuận đề xuất tiêm chủng vaccine COVID-19 cho tổng cộng 45 triệu người trên cả nước trước tháng 5 hoặc tháng 6/2021. 

Theo ông Islam, nước này sẽ tiếp nhận một đợt vaccine vào cuối tháng 1/2021 hoặc tuần đầu tiên của tháng 2/2021, sau đó sẽ tiếp nhận thêm một đợt vào tháng 5 hoặc tháng 6/2021. Theo đó, 45 triệu người tại Bangladesh sẽ được tiêm vaccine mỗi liều 2 mũi tiêm.

* Ngày 21/12, Qatar đã tiếp nhận lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của Pfizer/BioNTech, chỉ vài giờ sau khi Bộ Y tế nước này cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine này. 

Theo hãng tin AFP, một chuyến bay của hãng Qatar Airways vận chuyển 14 thùng hàng vaccine Pfizer/BioNTech từ Brussels (Bỉ) đã đáp xuống sân bay quốc tế Hamad ở thủ đô Doha của Qatar. 

Phát biểu trên truyền hình, người đứng đầu Nhóm Chiến lược y tế quốc gia của Qatar Abdullatif al-Khal cho biết chương trình tiêm chủng vaccine sẽ bắt đầu triển khai từ ngày 23/12. Đối tượng được ưu tiên là người cao tuổi, người có bệnh nền và nhân viên y tế. Chương trình tiêm chủng hoàn toàn miễn phí và không bắt buộc. Ông Abdullatif al-Khal khẳng định, kể từ tháng này và xuyên suốt năm 2021, Qatar sẽ thực hiện chương trình tiêm chủng quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở nước này.

Hoàng Nhương - Phan An

Nguồn: baotintuc.vn

Bài liên quan