“Hậu Brexit, nền kinh tế mô hình cổ điển của Anh sẽ đánh mất sức ảnh hưởng” – đây là tiêu đề bài viết của cây bút bình luận Wolfgang Munchau đăng trên tờ The Financial Times.
Thủ tướng Anh Theresa May trong một cuộc họp tại thủ đô London. Ảnh: AFP/TTXVN Đối với nhiều người, Brexit, chỉ việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), là một trải nghiệm gây xáo trộn lớn khi mà một số người đã đầu tư toàn bộ sự nghiệp xây dựng mối quan hệ giữa Anh với EU, còn một số khác dành cả cuộc đời để chờ khai thác các cơ hội từ mối quan hệ đó.
Tuy nhiên, không có lý do gì để tiếp tục một sự ảo tưởng về EU. Các quốc gia thành viên khác cuối cùng sẽ nhận ra vấn đề Brexit và ngừng dòng lao động di chuyển động tự do. Một “ảo tưởng” khá phổ biến là nhiều người tin rằng có thể đảo ngược tiến trình Brexit.
Bài viết cho rằng bất kỳ nghị sĩ Anh nào nghĩ rằng họ có thể ngừng Brexit đều là những người chưa đọc hoặc có đọc nhưng cũng chưa hiểu hết Điều 50 Hiệp ước Lisbon, điều khoản quy định về việc rút khỏi EU.
Sau khi thông qua Đạo luật rút khỏi EU trong năm nay, Quốc hội Anh sẽ không còn công cụ nào trong tay để có thể đảo ngược tiến trình Brexit. Trong khi đó, những người ủng hộ Brexit cũng ảo tưởng chả kém khi tin rằng nước Anh rời EU với một thỏa thuận thương mại tốt.
Chính phủ Anh hiện đứng trước hai lựa chọn, hoặc từ bỏ ý định rời Khu vực thị trường chung châu Âu và Liên minh thuế quan (một lựa chọn mà tác giả Wolfgang Munchau cho là điều nên làm, mặc dù bản thân ông cũng nghi ngờ khả năng này), hoặc chấp nhận thỏa thuận duy nhất mà EU đưa ra.
Đó là một thỏa thuận thương mại tiêu chuẩn, tương tự như thỏa thuận thương mại giữa EU với Canada với việc thêm vào một số điểm bổ sung. Và trong kịch bản sắp tới, không điều gì có thể giống như việc tiếp cận thị trường chung đối với ngành tài chính. Và cũng có thể sẽ tồn tại đường biên giới “cứng” giữa Bắc Ireland và CH Ireland – đó sẽ là đường biên giới bên ngoài của EU và liên minh thuế quan.
Dường như người ta thích bám víu lấy các ảo tưởng hơn là thảo luận về thực tế của một nước Anh hậu Brexit. Rời khỏi EU không chỉ có ý nghĩa thương mại, mà nó khiến cho mô hình kinh doanh mà nước Anh theo đuổi từ những năm 1980 trở thành lỗi thời.
Xét trên nhiều cấp độ thì mô hình này dường như thiếu bền vững. Vương quốc Anh tham gia Khu vực thị trường chung châu Âu, song lại đứng ngoài Khu vực đồng tiền chung châu Âu, Khu vực tự do đi lại Schengen và chính sách nhập cư chung, những thành tố được cho là cốt lõi tạo nên nền tảng cho hội nhập chính trị tại EU trong tương lai.
Trên thực tế, thủ đô London là trung tâm tài chính của một liên minh tiền tệ mà nước Anh lại không có ý định tham gia. Dòng tiền “nóng” từ nước ngoài và sự “nhập cư” của các ngân hàng và người lao động vào ngành dịch vụ của Anh đã đóng góp lớn vào việc thúc đẩy tổng sản phẩm quốc dân tăng trưởng, dù không giúp làm tăng năng suất trên đầu người. “Xứ sở sương mù” có một nền kinh tế cổ điển dựa nhiều vào chi ngân sách của nhà nước.
Thủ tướng Theresa May lên nắm quyền với những ý tưởng tích cực, nhưng mơ hồ cho một tương lai hậu thời kỳ công nghiệp. Điều này có vẻ rơi dần vào quên lãng khi chính phủ của bà dấn sâu hơn vào chính trường liên quan đến Brexit. Tuy nhiên, có lẽ nên quan tâm tới các cuộc tranh luận về chiến lược công nghiệp hơn so với những thảo luận về quy mô của dự luật Brexit hoặc giai đoạn chuyển tiếp.
Để tận dụng tốt nhất Brexit, Anh sẽ cần phải có một nền kinh tế sáng tạo và chấp nhận rủi ro hơn. Trong một môi trường như vậy, giáo dục và đào tạo cũng sẽ phải thay đổi. Các trường đại học sẽ cần phải làm việc chặt chẽ hơn với ngành công nghiệp, như ở Mỹ hoặc Đức.
Có lẽ cần tập trung nhiều hơn vào các kỹ năng có thể chuyển đổi trong các trường học và các trường đại học. Tác giả của bài viết nghi ngờ rằng liệu bảng xếp hạng hiện tại của các trường học và trường đại học có là một thước đo đáng tin cậy về những phẩm chất cần thiết. Ông cho rằng để mang lại một Brexit thành công, có lẽ nước Anh cần trở nên “châu Âu” hơn. Và dĩ nhiên, sẽ không có ai nghĩ tới điều này nếu không có Brexit.
Nguồn: Bnews/TTXVN