Biến chủng nCoV ở Anh có tốc độ lây lan nhanh hơn, nhưng tỷ lệ tử vong cũng như độ nghiêm trọng của các triệu chứng không tăng, theo các nghiên cứu.
Thuật ngữ "chủng biến thể" được sử dụng để chỉ các biến thể virus có một số thay đổi về trình tự gene so với bản gốc được phát hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc, vào tháng 12/2019. Sự biến đổi về trình tự gene của virus là hiện tượng tự nhiên, do trong quá trình lây nhiễm, sinh sản, virus đã sao chép bộ gene của chính mình và tạo lỗi.
Đến nay, số lượng biến thể nCoV được phát hiện bằng phương pháp giải trình tự bộ gene từ người bệnh lên tới vài nghìn. Con số thực tế có thể nhiều hơn.
Biến thể nCoV ở Anh được gọi là B.1.1.7, được phát hiện vào đầu tháng 9. Vào tháng 11, khoảng một phần tư ca nhiễm ở London là do biến thể mới gây nên. Đến giữa tháng 12, số ca nhiễm do chủng này chiếm gần 2/3 tổng số ca nhiễm.
Bộ gene của biến thể nCoV này chứa 23 đột biến. Hầu hết đột biến phát sinh đều có hại cho virus hoặc không có tác dụng.
Tuy nhiên một số đột biến trong B.1.1.7 dường như ảnh hưởng đến cách thức virus lây lan. Neil Ferguson, nhà dịch tễ học tại Đại học Imperial College London, ước tính biến thể này có tốc độ lây truyền tăng từ 50 đến 70% so với các chủng khác ở Anh.
Việc một dòng virus trở nên phổ biến hơn, có thể nhờ tình cờ, chẳng hạn, biến thể bắt đầu ở một thành phố đông người.
Tại sao biến thể này gây lo ngại?
Chủng nCov này đang nhanh chóng thay thế các phiên bản khác của virus. Nó có các đột biến ảnh hưởng đến một phần có thể là quan trọng của virus. Một số đột biến thay đổi về cách thức tiếp xúc và lây nhiễm tế bào người.
Muge Cevik, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học St. Andrews ở Scotland, cố vấn khoa học cho chính phủ Anh, nhận định các đột biến có thể sao chép và lây truyền nhanh hơn. Giới chức Anh cho biết tỷ lệ lây nhiễm của nó có thể cao hơn tới 70%.
Chính tốc độ lây lan này khiến chính quyền phải phong tỏa thủ đô và các nước khác nhanh chóng áp lệnh hạn chế đi lại với du khách Anh.
Các biến thể có thể được tìm thấy trên khắp Anh, tập trung nhiều ở London, đông nam và miền đông đất nước. Để ngăn chặn chủng virus siêu lây lan, hơn 10 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), Canada, Thổ Nhĩ Kỳ đã áp lệnh hạn chế đi lại với du khách Anh.
Chủng biến thể có làm cho người bị nhiễm dễ chết hơn không?
Không có bằng chứng nào cho thấy điều đó xảy ra, mặc dù điều này cần được các chuyên gia theo dõi. Tuy nhiên, chỉ cần tăng số lượng lây truyền ca nhiễm cũng đủ gây áp lực cho hệ thống y tế.
Chưa có bằng chứng chắc chắn về độc lực của biến thể này có tăng lên hay không. Tuy nhiên có lý do để xem xét khả năng một cách nghiêm túc.
Ở Nam Phi, một dòng nCoV khác cũng chứa đột biến đặc biệt được tìm thấy trong B.1.1.7, đang lây lan nhanh chóng qua các khu vực ven biển. Các bác sĩ ở đó phát hiện những người bị nhiễm biến thể này có nồng độ virus cao trong đường hô hấp trên. Điều này có thể liên quan đến các triệu chứng nghiêm trọng hơn trong một số bệnh do virus gây nên.
Người dân London đeo khẩu trang, đi lại trên đường phố vắng vẻ trong ngày đầu tiên thành phố áp đặt lệnh hạn chế cấp độ 3. Ảnh: NY Times
Biến thể đến từ đâu?
Trong một trường hợp nhiễm trùng điển hình, người bệnh nhiễm nCoV vào cơ thể. Virus sinh sôi đủ lượng để lây nhiễm cho người khác, vài ngày trước khi xuất hiện các triệu chứng. Sau đó, lượng virus giảm dần do hệ thống miễn dịch đã kích hoạt chức năng phòng thủ. Trừ khi bệnh nhân bị quá nặng, phần lớn người mắc sẽ loại bỏ hoàn toàn virus trong ít nhất vài tuần.
Đôi khi, virus lây nhiễm cho những người có hệ miễn dịch yếu. Trong cơ thể người đó, virus có thể phát triển mạnh trong nhiều tháng, hệ miễn dịch người này không thể đánh bại virus. Thay vào đó, cơ thể của họ trở thành nơi sinh sản cho biến thể của virus.
Các nhà khoa học khác cho rằng, virus có thể đã đạt được những đột biến mới bằng cách lây qua quần thể động vật, như chồn, trước khi quay trở lại quần thể người. Đây là vấn đề đáng lưu tâm vì ngày càng có nhiều ca nhiễm trên động vật được phát hiện.
Vaccine có chống lại được biến thể mới?
Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép vaccine Moderna và Pfizer/BioNTech. Cả hai vaccine này đều dạy hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể đối với một loại protein nằm trên bề mặt của virus, gọi là spike. Protein này bám vào các tế bào và mở ra một lối đi cho nhân virus vào bên trong. Các kháng thể sẽ bao lấy protein spike làm cho virus không thể bám và nhiễm vào tế bào.
Một đột biến có thể làm virus thay đổi hình dạng của các protein spike, khiến những kháng thể sinh bởi vaccine khó bám chặt hơn vào chúng.
Biến thể B.1.1.7 có 8 đột biến trong gene tạo spike. Tuy nhiên hệ thống miễn dịch có thể tạo ra các kháng thể khác nhau cùng chống lại một loại protein, khiến cho virus khó thoát khỏi sự tấn công của hệ miễn dịch.
Tiến sĩ Moncef Slaoui, cố vấn khoa học Chiến dịch Thần tốc vaccine Covid-19, nói rằng biến thể mới không ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine. "Một ngày nào đó, một nơi nào đó - một biến thể của virus có thể làm cho vaccine hiện tại mất tác dụng, nhưng khả năng đó xảy ra với vaccine hiện nay rất thấp. Tuy nhiên, chúng ta phải tuyệt đối cảnh giác", tiến sĩ Slaoui cho biết.
Trong khi đó, Kristian Andersen, nhà virus học tại Viện Nghiên cứu Scripps, cho rằng còn quá sớm để loại bỏ rủi ro. Nếu biến thể nCoV tại Anh tiến hóa để thoát khỏi hệ thống miễn dịch ở những bệnh nhân ốm yếu, chúng có thể khiến virus qua mặt vaccine. Các vaccine sẽ không vô dụng hoàn toàn, nhưng chúng trở nên kém hiệu quả hơn.
Ý Nhi (Theo New York Times, BBC)
Nguồn: vnexpress.net