Sáu máy bay chiến đấu Không quân Hoàng gia Anh Typhoon sẽ bay tới Đông Âu sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin điều khoảng 80.000 quân tới biên giới Ukraine.
Máy bay Typhoon của Không quân Hoàng gia Anh. Ảnh: Shutterstock
Theo tờ Dailymail, các quan chức Bộ Quốc phòng Anh tối 12/4 đã xác nhận thông tin trên, cho biết số máy bay này sẽ được triển khai tới Romania để kiểm soát bầu trời quanh Biển Đen.
Các máy bay Typhoon sẽ nhận hỗ trợ từ binh sĩ thuộc Phi đoàn Hậu cần Viễn chinh số 1 và Phi đội Vận tải Cơ khí số 2 của Không quân Hoàng gia. Các máy bay sẽ triển khai từ căn cứ ở Anh trong tuần này.
Triển khai máy bay Typhoon là một phần trong sứ mệnh kiểm soát trên không thường niên của NATO mang tên Chiến dịch Biloxi. 100 lính bộ Anh cũng dự kiến được điều tới Ukraine để tham gia tập trận chung với binh sĩ Ukraine trong mùa hè này.
Bộ Quốc phòng Anh nói: “Chiến dịch Biloxi là cuộc triển khai máy bay Typhoon tới Romania đã được lên kế hoạch từ lâu nhằm ủng hộ sứ mệnh kiểm soát trên không của NATO để giám sát không phận đồng minh của chúng tôi”.
Mặc dù Bộ Quốc phòng Anh khẳng định việc triển khai 6 máy bay Typhoon là hoạt động thường lệ, song động thái lại diễn ra vào thời điểm dư luận ngày càng lo ngại về xung đột giữa Nga và Ukraine.
Đêm 13/4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông vẫn chờ đợi sau khi đề nghị đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin cách đây gần 3 tuần. Phát ngôn viên của ông Zelensky nói: “Chúng tôi rất hy vọng rằng đây không phải là từ chối đối thoại”.
Theo chính phủ Ukraine, Nga đã điều 41.000 binh sĩ tới biên giới ở Đông Ukraine và 42.000 binh sĩ tới Crimea và con số ngày càng tăng.
Trong khi đó, Điện Kremlin cho biết đó chỉ là diễn tập, không phải mối đe dọa. Ngày 7/4, Nga khẳng định Nga sẽ tiếp tục duy trì các lực lượng quân sự tại khu vực gần biên giới với Ukraine chừng nào Moskva coi đây là hành động phù hợp và không gây ra các mối đe dọa.
Trước đó, người phát ngôn Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cũng tuyên bố sự di chuyển quân của Nga trên lãnh thổ nước này không gây lo ngại cho các nước khác vì Nga không đe dọa bất kỳ nước nào, trong đó có Ukraine.
Ông Peskov khẳng định Nga sẽ tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh quốc gia trong trường hợp NATO triển khai quân tới Ukraine.
Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết ông quan ngại về số lượng binh lính Nga đang tập trung ở biên giới Ukraine và cảnh báo Moskva rằng "sẽ phải gánh hậu quả". Ông Blinken cũng cho biết thêm rằng Mỹ đang bàn bạc với các đồng minh và đối tác về các động thái đang diễn ra của Nga ở biên giới sát Ukraine. Trước đó, hôm 9/4, Ngoại trưởng Mỹ cũng đã có cuộc trò chuyện với người đồng cấp Đức và Pháp về động thái gần đây của Nga với Ukraine.
Tuần trước, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết chính quyền Tổng thống Biden đang tham khảo ý kiến của các đồng minh NATO về leo thang căng thẳng ở biên giới Nga - Ukraine.
Những động thái trên diễn ra sau khi các vụ đụng độ gia tăng giữa lực lượng đòi độc lập ở miền Đông và quân đội chính phủ Ukraine. Người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng ở miền Đông Ukraine, ông Denis Pushilin tuyên bố rằng các lực lượng của vùng lãnh thổ này sẽ không dừng lại ở biên giới hiện tại nếu quân chính phủ phát động cuộc tấn công quy mô lớn.
Thùy Dương
Nguồn: baotintuc.vn