Số lượng sinh viên chuyển sang cung cấp dịch vụ giải trí “người lớn” đang tăng lên do ảnh hưởng của đại dịch.
10% sinh viên tham gia khảo sát Tài chính Sinh viên cho biết họ sẽ cân nhắc việc buôn bán tình dục hoặc các hoạt động giải trí người lớn khác nếu cần tiền gấp. Vào năm ngoái, con số này chỉ có 6%. Khảo sát được thực hiện bởi tổ chức Cứu trợ Sinh viên (Save the Student).
Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra 7% sinh viên đã thực sự tham gia buôn bán tình dục trong thời đại dịch. Trong đó, khoảng 77% là nữ giới, 22% là nam giới. 1% còn lại từ chối trả lời.
Jessica Hyer Griffin - người sáng lập Tổ chức Cứu trợ Sinh viên là Công nhân Tình dục
Một sinh viên dùng tên Rose để trả lời phỏng vấn nói rằng cô bắt đầu cung cấp dịch vụ giải trí người lớn trực tuyến sau khi mất việc làm tại nhà hàng do lệnh phong tỏa.
Rose cho biết mình được xếp vào nhóm có nguy cơ mắc Covid-19 cao, vì vậy làm việc thông qua một trang web thu phí thành viên là “an toàn và dễ dàng kiếm tiền hơn”.
Rose hiện chưa tốt nghiệp. Cô không cho người thân biết việc làm mới của mình vì lo ngại họ sẽ không thông cảm.
Cô giải thích mình sẽ phải “chật vật” lo chuyện tiền nong nếu không làm việc mà cô mô tả là “trình diễn và làm mẫu”.
Cho đến này Rose chưa “để lộ bất kỳ phần cơ thể nào từ thắt lưng trở xuống”.
Rose cho biết cô “yêu” nguồn thu nhập mới và coi đó là “một trong những việc tuyệt vời nhất” mình từng làm.
“Tôi từng bị biếng ăn. Tuy nhiên, chưa bao giờ tôi cảm thấy tự tin về cơ thể của mình như lúc này”, Rose nói.
Cô mô tả công việc là “rất tự do”.
“Tôi kiểm soát nội dung cũng như cơ thể của chính mình. Tôi có thể làm bất cứ điều gì tôi muốn bởi vì mỗi người được quyền đặt ra giới hạn riêng”, Rose cho biết.
Bạn trai Rose biết về công việc mới và ủng hộ cô. Thu nhập trung bình của Rose lên tới hàng trăm, đôi khi hàng nghìn bảng Anh mỗi tháng.
Trong “hầu hết thời gian làm việc”, cô sinh viên cảm thấy khá an toàn . Các tính năng bảo mật của trang web giúp Rose yên tâm hơn.
Trước đây, cô gái ở độ tuổi 20 này từng làm việc với một trang web chưa được mã hóa.
“Một vài thứ ‘rò rỉ’ ra ngoài và được đăng một trang web khác với nội dung vô cùng đen tối. Việc này thực sự làm tôi sợ”, cô kể.
Sinh viên thường tìm việc bán thời gian trong lĩnh vực khách sạn và bán lẻ. Tuy nhiên, hai ngành nghề này đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Kết quả là nhiều sinh viên rơi vào cảnh thất nghiệp, trong khi cha mẹ họ cũng không thể giúp đỡ do thời buổi kinh tế khó khăn.
Tom Allingham - thuộc tổ chức Cứu trợ Sinh viên
Tom Allingham, thuộc tổ chức Cứu trợ Sinh viên, cho biết con số sinh viên tham gia buôn bán tình dục có thể tăng vọt trong năm tới.
“Như chúng tôi đã chỉ ra, mọi người hoàn toàn có thể tham gia ngành công nghiệp tình dục nếu họ muốn”, anh Allingham nói, “Tuy nhiên, sẽ rất đáng lo ngại nếu họ bị buộc phải làm vậy do lâm vào cảnh ‘túng quẫn’”.
Allingham kêu gọi chính phủ dành nhiều ngân sách hơn để hỗ trợ sinh viên. Anh cũng cho rằng trường học cần tạo ra một môi trường nơi sinh viên làm việc trong ngành công nghiệp tình dục “không cảm thấy bị tách biệt”.
Cho đến nay, tại Anh quốc có duy nhất một nhóm hỗ trợ sinh viên là công nhân tình dục. Nhóm này được thành lập bởi Jessica Hyer Griffin, có trụ sở ở Manchester.
“Nhìn chung, ngày càng nhiều người gia nhập ngành công nghiệp tình dục do họ đã từ bỏ công việc trước đó ... Và họ không thể sống tiếp nhờ vào khoản tiền trợ cấp của Universal Credit”, Griffin nói.
Cô cho rằng đây là một điều “tích cực” do “công nhân tình dục đang dần được xã hội chấp nhận”.
“Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khi có ít khách hàng, họ thường phải ‘mạo hiểm’ phục vụ tất cả khách hàng”, cô Griffin cảnh báo.
Jessica cũng nói rằng rất nhiều người hoạt động trong lĩnh vực này yêu thích công việc một cách tự nguyện - nhưng “những người ‘khánh kiệt’ thường không còn lựa chọn nào khác”.
Tổ chức Cứu trợ cho Sinh viên là Công nhân tình dục cung cấp hỗ trợ cộng đồng cũng như các phiên hỗ trợ trực tuyến hoặc trợ giúp qua điện thoại.
Tổ chức hỗ trợ về các vấn đề nợ nần, bảo vệ người lao động và tư vấn nghề nghiệp.
Theo: Sky News