Nhiều tập đoàn đang lên kế hoạch rời khỏi Anh do lo ngại triển vọng kinh tế tương lai không ổn định của nước Anh sau Brexit.
Hôm nay (23/06), tròn 2 năm người dân Anh bỏ phiếu ủng hộ rời khỏi Liên minh Châu Âu (Brexit) trong cuộc trưng cầu ý dân lịch sử. Trong bối cảnh chính phủ của Thủ tướng Theresa May vẫn đang loay hoay thúc đẩy các cuộc đàm phán với Liên minh Châu Âu, nhiều tập đoàn đang theo nhau lên kế hoạch rời khỏi xứ sở sương mù này do lo ngại triển vọng kinh tế tương lai không ổn định của nước Anh sau Brexit.
Tập đoàn Airbus có kế hoạch rút khỏi Anh. Ảnh: Sputnik. |
Tập đoàn sản xuất máy bay Airbus trong tuần này cảnh báo, hãng sẽ rút khỏi Anh trong trường hợp nước này rời khỏi Liên minh châu Âu mà không có thỏa thuận nào. Theo chân Airbus, thương hiệu ô tô BMW của Đức cũng vừa lên tiếng cảnh báo về tương lai không chắc chắn của việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu.
Trước đó nhiều tập đoàn lớn như BP, Vodafone, Nestlé, E.ON cũng đã bày tỏ lo ngại trường hợp Anh rời khỏi thị trường chung EU và liên minh thuế quan mà không có thỏa thuận về giai đoạn chuyển tiếp. Khi đó, hoạt động của các tập đoàn tại Anh sẽ bị đình trệ và gián đoạn nghiêm trọng, gây ra thiệt hại doanh thu lớn.
Phó chủ tịch của Tập đoàn Airbus Katherine Bennett cho biết: “Nếu không có thỏa thuận, chúng tôi sẽ phải xem xét kế hoạch đầu tư một cách nghiêm túc vào nước Anh, xem xét cách sử dụng nguồn tài chính vào các công nghệ nghiên cứu hay các quyết định lớn khác, bởi vì chúng tôi cần phải hoạt động một cách ổn định tại Anh. Nếu không có Thỏa thuận Brexit, đây sẽ là một thảm họa đối với nước Anh cũng như Airbus”.
Cảnh báo của Airbus cho thấy mối lo ngại của các doanh nghiệp về tương lai của nước Anh khi chỉ còn 9 tháng nữa là thời điểm nước này phải rời khỏi EU. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ về mối quan hệ kinh tế thương mại giữa Anh và EU như thế nào khi Thủ tướng Anh Theresa May vẫn đang tiếp tục tìm kiếm sự ổn định trong nội bộ Đảng để cố gắng tiến tới một thỏa thuận với EU.
Các tổ chức thuộc lĩnh vực dịch vụ tài chính từng nhiều lần bày tỏ lo ngại những tác động tiêu cực của Brexit tới hoạt động kinh doanh của các tổ chức, đặc biệt trong trường hợp Anh không đạt được thỏa thuận nào với EU khi nước này rời khỏi liên minh.
Trong khi không ít dự đoán về tình trạng thất nghiệp vẫn bủa vây hằng ngày thì Bộ Tài chính và Ngân hàng trung ương Anh lại tỏ ra lúng túng, chưa tìm ra quy chế phù hợp cho trung tâm tài chính Luân Đôn trong tương lai. Các công ty lớn hàng đầu của Châu Âu cảnh báo, nếu như tình trạng bất ổn Brexit vẫn tiếp diễn như hiện nay, họ sẽ không đầu tư vào Anh.
Giám đốc điều hành Hãng Siemens tại Anh Juergen Maier cho biết: “Chúng tôi cần biết rõ những vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan, ít nhất là trong ngắn hạn. Do đó thông điệp của chúng tôi đó là cần một kết quả cụ thể, thực tế trong bối cảnh đồng hồ đang điểm. Tôi nghĩ bây giờ cũng là thời điểm để lắng nghe các chuyên gia, những người hiểu về hoạt động hải quan tham gia đóng góp tiếng nói thúc đẩy các cuộc đàm phán”.
Nỗi lo của các doanh nghiệp hiện không chỉ là các cuộc đàm phán Brexit bị đình trệ, mà thực trạng kinh tế nước Anh cũng đang bị tác động khá rõ của tiến trình Brexit. Đó là một nền kinh tế trì trệ, đầu tư giảm sút. Nhiều tập đoàn lớn lên kế hoạch rời khỏi Anh có thể kéo hàng nghìn người dân mất việc làm. Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Berenberg ước tính, kinh tế Anh mất đến 46 tỷ USD từ thời điểm sau cuộc trưng cầu ý dân đến quí 1 năm 2018. GDP tăng chỉ 0,1% trong quí 1 năm nay khi các ngành xây dựng và sản xuất đình trệ.
Trước thực trạng kinh tế đất nước, Thủ tướng Anh Theresa May cho biết, chính phủ nhận thức rõ sự cần thiết đảm bảo sự ổn định cho các doanh nghiệp. Chính phủ Anh đang nỗ lực để cân bằng giữa các đàm phán với EU và với các yêu cầu từ phía những doanh nghiệp để tránh tăng thêm chi phí và đình trệ tại các cửa khẩu sau khi Anh rời EU.
Nước này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng đảm bảo các thỏa thuận thương mại trong tương lai với EU, bao gồm vấn đề hải quan đường biên được thuận lợi, thông thoáng. Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Theresa May hôm qua cũng xoa dịu lo ngại của các tập đoàn, khi bày tỏ tin tưởng rằng nước Anh sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại tốt với Liên minh châu Âu khi rời khỏi khối./.
Phạm Hà/VOV1 Tổng hợp
Nguồn: VOV.VN