Cuộc đời của vị Nữ hoàng cuối cùng của triều đại Stuart – vương quốc Anh chính là tiêu biểu của một đài các cao quý nhưng bị bao quanh bởi những tăm tối đằng sau ánh hào quang của ngai vàng.
Nữ hoàng của vương quốc Anh có vị trí danh giá, nắm quyền như một Hoàng đế của cả một đế chế hùng mạnh bao gồm nhiều nước liên minh. Tuy nhiên, đằng sau ánh hào quang của quyền lực trong tay, có biết bao nhiêu Nữ hoàng phải sống trong tăm tối của áp lực và những bi kịch tình cảm riêng tư, gia đình, con cái.
Và cuộc đời của vị Nữ hoàng cuối cùng của triều đại Stuart – vương quốc Anh chính là tiêu biểu của một đài các cao quý nhưng bị bao quanh bởi những cảm xúc tăm tối tuyệt vọng khi 17 lần mang thai nhưng chỉ có 5 đứa trẻ được chào đời và chúng cũng đều yểu mệnh qua đời khi còn rất trẻ, sau đó thậm chí bà còn lao vào một mối tình đồng tính nhưng kết cuộc, bà cũng không có gì trong tay ngoài sự lạnh lẽo cô độc…
Tuổi thơ bất hạnh thiếu thốn tình cảm đằng sau ánh hào quang của một Nữ hoàng
Vị Nữ hoàng đó chính là Anne, người phụ nữ xinh đẹp, gợi cảm đã đưa Vương quốc Anh lên tới tầm cao mới chỉ trong 12 năm trị vì của mình bằng tài năng và sự cứng rắn. Nữ hoàng Anne sinh ngày 6 tháng 2 năm 1665 tại London, là con gái thứ 2 trong một gia đình quý tộc với cha mẹ đều là Công tước xứ York.
Thời thiếu nữ của Nữ hoàng Anne phải nói là một chuỗi ngày đau buồn khi lần lượt chứng kiến sự ra đi của những người thân yêu. Ban đầu, vào những năm còn nhỏ, Anne được gia đình cho sinh sống với bà ngoại của mình tại Pháp, nhưng đến năm Anne 4 tuổi, bà ngoại của bà qua đời. Sau đó, Anne được dì ruột của mình nuôi dưỡng, nhưng chưa tròn một năm, người dì này cũng qua đời bởi căn bệnh về dạ dày. Tiếp đó, Anne quay trở về sống chung với cha mẹ của mình ở Anh, và năm 6 tuổi, mẹ Anne cũng qua đời vì căn bệnh ung thư vú.
Sau đó, Anne phải sống trong sự thiếu thốn tình cảm của gia đình, vì thực chất sinh ra trong một gia đình cao quý đồng nghĩa với chuyện phải thường xuyên đối mặt với các cuộc tranh quyền đoạt vị, bị xoáy vào những cuộc chiến ngầm giữa những gia tộc với nhau, và cha của Anne cũng thế, ông vì mải mê tìm kiếm quyền lực mà để hai cô con gái của mình chịu cảnh cô đơn, thiếu thốn hơi ấm.
Đến năm Anne tròn 18 tuổi, bà được gia đình gả cho Hoàng tử George của Đan Mạch, đây có thể nói là một cuộc hôn nhân xứng đôi vừa lứa mặc dù vốn dĩ nó cũng chỉ là một cuộc hôn phối chính trị như bao cuộc hôn phối khác trong giới quý tộc, hoàng tộc thời đó. Chồng của Anne được sử sách miêu tả là một thanh niên khá đẹp trai, cao và tóc vàng nhưng anh chàng này có một tật xấu chính là nghiện rượu, vì vậy những bước tiến quyền lực của anh ta không có gì nổi bật, suốt ngày chỉ biết đắm mình trong rượu chè bê tha.
Năm 1685 cha của Anne lên ngôi trở thành Vua của nước Anh sau khi em trai Charles II (tức chú ruột của Anne) của mình thoái vị, tuy nhiên, chỉ cầm quyền được 3 năm, cha của Anne bị chính con rể và con gái ruột Mary của mình lật đổ, sau đó họ nắm giữ ngôi báu, lên ngôi trị vì Vương quốc Anh. Chẳng bao lâu sau Mary và chồng của mình qua đời lần lượt vào những năm 1694 và 1702 mà không có con cái, Anne trở thành người cuối cùng trong dòng tộc Stuart có quyền kế vị và bà đã chính thức lên ngôi trở thành Nữ hoàng vào năm 1702, thời điểm này, bà đã 37 tuổi.
Sau đó, trong suốt 12 năm trị vì cho đến khi qua đời ở tuổi 49, bà đã đưa Vương quốc Anh trở lại thành một quốc gia hòa bình khi giải quyết những vấn đề xung đột tôn giáo. Bà đã khiến người dân toàn Vương quốc Anh tin tưởng bởi sự cứng rắn, tài năng và kinh nghiệm của một Nữ hoàng đã đi qua biết bao nhiêu là bi kịch khi chứng kiến sự ra đi của những người thân yêu thuở ấu thơ, và những xung đột của chính những người trong gia đình chỉ vì vấn đề tôn giáo, cả sự đau thương của bản thân mình khi gắng gượng ngồi vững trên ngai vàng trong khi, phía sau lưng bà là nỗi đau mất đi 17 người con và sự hành hạ của bệnh tật.
Cả một đời bi kịch của Nữ hoàng cuối cùng của triều Stuart trị vì Vương quốc Anh
Suốt cuộc đời ngắn ngủi, Nữ hoàng Anne phải chịu đựng rất nhiều bệnh tật và những đớn đau hành hạ thể xác. Từ năm 4 tuổi Anne đã được bác sĩ nhãn khoa chuẩn đoán là có một đôi mắt khá yếu ớt, bà phải chịu cảnh nheo mắt khi nhìn xa cho tới những năm cuối đời.
Nhưng tất cả không là gì so với căn bệnh Lupus – nổi ban đỏ bẩm sinh mà bà mang trong người, đó cũng chính là nguy nhân đẩy bà xuống hố sâu tuyệt vọng khi mang thai 17 lần thì hết 12 lần con chết ngay từ trong bụng mẹ. 5 đứa con còn lại, hai con gái, Mary và Anne Sophia đều chết trong giai đoạn sơ sinh vì bệnh đậu mùa. Con gái Mary sinh ngày 14 tháng 10 năm 1690, chỉ sống được hai tiếng đồng hồ và George George sinh ngày 17 tháng 4 năm 1692 chỉ sống được vài phút.
Chỉ duy nhất, đứa con trai bé bỏng William của bà là sống lâu nhất, nhưng cũng như mẹ mình, thậm chí là nặng hơn, Hoàng tử William mang trong mình nhiều bệnh tật từ bé. Khi ra đời Hoàng tử đã bị co giật và được chuẩn đoán là bị tràn dịch màng não, suốt những tháng ngày sau đó, Hoàng tử phải sống trong đau đớn khi không thể đi bộ một mình, luôn luôn trong trạng thái buồn ngủ, thường xuyên bị bác sĩ hút dịch trên đầu để kiểm tra. Và số phận của Hoàng tử cũng như 16 anh chị em của mình, năm 1700, sau bữa tiệc sinh nhật 11 tuổi, William đã trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay của mẹ và cha.
Nữ hoàng Anne suốt những tháng ngày hạnh phúc và đau lòng chứng kiến con mình lớn lên, chịu đau đớn bởi bệnh tật và qua đời cũng có tình trạng sức khỏe không khá gì hơn. Vì mang thai quá nhiều lần, Nữ hoàng Anne phải đối mặt với những chứng bệnh hệ lụy như béo phì và gút, chúng khiến bà đi lại khó khăn và đau đớn mỗi ngày. Thậm chí trong ngay ngày lễ đăng quang Nữ hoàng của mình, Anne đã đau đến mức phải ngồi lên ghế để quân lính khiêng bà đến buổi lễ.
Và nỗi đau nối tiếp nỗi đau, tưởng như bà sẽ gục ngã khi người chồng “tay ấp má kề” của bà qua đời năm 1708. Nhưng Anne lại trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, bà nhanh chóng gạt bỏ nỗi buồn chỉ sau 2 ngày để tang chồng và tiếp tục công việc trị vì cả một vương quốc lớn mạnh. Và trải qua biết bao nhiêu đau thương, bà lại vướng vào một mối tình bi kịch khác, chính là mối tình đồng tính với Sarah Churchill (vợ của Công tước Churchill xứ Markborough, tức bà cố của dòng họ cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill), vốn là một cận thần xinh đẹp, hấp dẫn nhưng cũng đầy quỷ quyệt, luôn đòi hỏi, ưa nổi giận và có lòng tham không đáy.
Có thể nói, mối tình ít được tiết lộ này, nhiều khả năng diễn ra trong khi bà vẫn đang chung sống với chồng Hoàng tử George, trở thành một trong những câu chuyện hấp dẫn nhất, song cũng mang quá nhiều bê bối trong lịch sử Hoàng gia Anh. Anne yêu quý Sarah đến nỗi cho phép người đàn bà quỷ quyệt này can thiệp vào các vấn đề chính sự, có thể nói, tình yêu tràn tới vào những năm tháng cuối đời đau thương của Anne này đã khiến bà mù quáng.
Tuy nhiên, mặc dù phải trải qua đau khổ triền miên và đắm chìm trong một mối tình kỳ lạ, Nữ hoàng Anne vẫn tìm thấy chút tỉnh táo cuối cùng, vào những giờ phút cuối cùng. Bà luôn đau đáu vai trò một vị quân vương, làm tròn trách nhiệm với hoàng gia và hạn chế sự can dự của quyền lực thứ ba – nhân tình Sarah bằng ý chí sắt đá, thẳng tay cắt đứt mối quan hệ này. Và bộ mặt của Sarah đã phơi bày ra ngay sau khi bị Nữ hoàng Anne chối bỏ, Sarah đã không tiếc lời nguyền rủa Anne, và biến cái gọi là “tình yêu” ngày nào trở thành một cuộc chiến âm thầm hỗn loạn, chính Sarah đã tuyên bố rằng đến cuối cuộc đời cũng không bao giờ tha thứ cho Anne.
Tuy vậy, trong những ngày dài suy nghĩ, Anne đã quyết tâm tiếp tục ngự trị ngai vàng trong sự gièm pha, trả thù của Sarah, Nữ hoàng đã tìm thấy chút yên bình sau tàn dư khổ đau, và tại vị cho tới lúc qua đời. Vào khoảng 7 giờ rưỡi sáng ngày 1 tháng 8 năm 1714, Anne đã qua đời tại Cung điện Kensington vì bệnh tật, cơ thể của bà thậm chí đã béo phì đến mức phải được chôn trong một quan tài gần như là hình vuông to lớn. Bà được chôn cất bên cạnh chồng mình tại tu viện Westminster, Anh Quốc, kết thúc một cuộc đời đầy bi kịch đằng sau ánh hào quang mang tên “Nữ hoàng”.
Nguồn: Kenh14.vn