Đường đến Brexit đang xuất hiện đầy rẫy những dự báo không chính xác về kinh tế nước Anh.
Kể từ khi Anh Quốc bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 6 năm ngoái, bất chấp những dự đoán tiêu cực sau cuộc bỏ phiếu rằng nước Anh sẽ đối mặt với nợ nần trong ít nhất 6 tháng và bị kìm hãm phát triển trong năm 2017, tăng trưởng kinh tế của nước này lại đang vượt xa kỳ vọng. Tuy nhiên các chuyên gia vẫn giữ nhận định về nguy cơ suy thoái, dù nhẹ nhàng hơn. Nhiều người còn cảnh báo tác động tiêu cực có thể sẽ kéo dài.
Trước việc Thủ tướng Theresa May sẽ thông qua điều 50 (điều luật chính thức tách Anh Quốc ra khỏi EU) vào ngày 29/3 tới, thực trạng nền kinh tế nước này có thể được tóm tắt như sau:
Trong ít nhất 2 năm tới, Anh Quốc sẽ phải đàm phán để thoát khỏi những thỏa thuận (đã tồn tại nhiều thập kỷ nay) trên mọi phương diện từ thương mại, nông nghiệp cho đến các quy chế về tài chính. Những thay đổi này sẽ gây ảnh hưởng lên nền kinh tế lớn thứ 2 châu Âu này.
Được biết, một trong những lý do dẫn đến những dự đoán tiêu cực là từ một cuộc khảo sát về mức độ tự tin và hành vi mua sắm của người dân sau khi cuộc trưng cầu kết thúc. Kết quả cuộc khảo sát là sự suy giảm nghiêm trọng về các chỉ số nêu trên. Dù những chỉ số sau đó có dấu hiệu hồi phục, nhưng tín hiệu này vẫn khiến Thống đốc Ngân hàng Anh Mark Carney phải đưa ra quyết định kích thích tăng trưởng vào tháng 8.
Nói rõ hơn về quyết định này, ông Carney cảnh báo rằng Anh Quốc đang “bước vào một giai đoạn kéo dài mà trong đó không có gì là chắc chắn”. Điều này là sự thật, đồng thời vẫn có nhiều điều chưa sáng tỏ xoay quanh các thỏa thuận Brexit. Nhà hoạch định chính sách Kristin Forbes vào hồi tháng 9 từng cảnh báo, rằng ngân hàng có thể đã đánh giá sai tác động của sự mập mờ này. Thận trọng về dự đoán cho năm 2018, nhưng Ngân hàng Trung ương Anh đã 2 lần đưa ra dự báo về kinh tế cho năm 2017.
Một điều mà các chuyên gia kinh tế đã đúng là lạm phát. Đồng Bảng Anh đã giảm tới 17% giá trị kể từ cuộc trưng cầu, và cùng với sự tăng giá dầu, chi phí nhập khẩu tăng mạnh. Tỷ lệ lạm phát đã tăng gấp 3 lần tính từ hè năm ngoái và các chuyên gia thậm chí còn tỏ ra bi quan hơn về tương lai.
Chứng kiến chỉ số lạm phát xoay quanh mức 2% (mục tiêu của Ngân hàng trung ương Anh) trong năm nay, nhiều nhà kinh tế đã đưa ra các dự báo. Bình quân, các dự đoán nằm ở mức 3%.
Giá cả tăng mạnh hơn sẽ tác động lên tiêu dùng cá nhân (một động lực lớn để phát triển kinh tế), vì mức tăng thu nhập không cao bằng mức tăng về giá cả. Những dấu hiệu này đang được thể hiện trong các dữ liệu mới nhất về thị trường bán lẻ.
Quang Lương
Bloomberg