Theo Financial Times, mọi động thái tăng mức vay nợ trong tương lai đều có thể đưa nền kinh tế đến bờ vực sụp đổ, biến nước Anh trở thành một Venezuela thứ hai.
Mới đây, các tờ báo của Anh đã đưa ra một thống kê chính thức về tổng giá trị tài sản của quốc gia này, con số được công bố lên tới gần 10.000 tỷ Bảng. Trong khi nhiều người tỏ ra lạc quan với số liệu này, thống kê về nợ công đi kèm lại cho thấy những lo ngại nhất định đối với nền kinh tế Anh.
Cách đây chỉ 2 tuần, theo bảng xếp hạng Top các nền kinh tế lớn nhất thế giới tính theo quy mô GDP, Anh đã trượt khỏi vị trí thứ 5, xuống đứng hàng 6.
Nhưng tờ Điện tín Telegraph tuần này lại trích dẫn một con số khả quan. Tổng tài sản của toàn Vương quốc Anh đưa ra trong báo cáo của Văn phòng thống kê quốc gia ONS là 9,8 nghìn tỷ Bảng. Giá trị của Vương quốc Anh được ghi nhận đã tăng hơn 9% trong năm 2016, con số cao nhất quan sát được tính từ 2004.
Theo Telegraph, tổng tài sản tăng, nhưng thứ bậc nền kinh tế giảm, không hề mâu thuẫn nhau. Đất đai là phần tài sản đóng góp nhiều nhất trong tổng tài sản nền kinh tế, lên tới trên 50%. Phần lớn tài sản nằm im ở đất, và tình trạng nợ công khổng lồ trong vòng 10 năm trở lại đây, thậm chí đang trở thành một thực tế nhiều áp lực cho kinh tế Anh.
Theo phân tích từ Reuters, nợ công của Anh hiện tương đương với 90% GDP, gấp đôi với thời điểm trước khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Một thành viên của Uỷ ban chính sách tài chính Ngân hàng Trung ương Anh cho rằng, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới việc chống chọi trước các cú sốc về kinh tế có thể xảy ra.
Báo cáo ngân sách mùa Thu của Bộ trưởng Tài chính Phillip Hammond vào tháng trước cho thấy chính phủ vẫn có kế hoạch tăng các khoản vay, đơn cử với khoảng 15 tỷ Bảng cho mảng nhà ở. Tuy nhiên, theo Financial Times, mọi động thái tăng mức vay nợ trong tương lai đều có thể đưa nền kinh tế đến bờ vực sụp đổ, biến nước Anh trở thành một Venezuela thứ hai.
Cũng theo Financial Times, về mức nợ kỷ lục của Anh, cũng có nhiều quan điểm trái chiều. Một thành viên của Công đảng đối lập trong Chính phủ Anh cho rằng, tăng vay nợ để sử dụng trong đầu tư như xây dựng nhà ở, đường xá, trường học và bệnh viện có thể mang lại các giá trị gia tăng lâu dài. Nhiều công ăn việc làm được tạo ra thêm, đồng thời kích thích tăng trưởng và giảm bớt khó khăn trong việc chi trả lãi suất cho các khoản vay.
Các tranh cãi xung quanh việc tăng tỷ lệ vay nợ của chính phủ thoạt nghe cũng có phần giống như câu chuyện quả trứng và con gà. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh các đàm phán Brexit vẫn đang diễn ra và chưa đạt được nhiều kết quả, khó có thể phủ nhận việc thận trọng trong can thiệp vào các khoản vay nợ trong tương lai là yếu tố cần thiết để tránh những cú sốc tới nền kinh tế từ yếu tố chính trị.
Nguồn: VTV.vn