Nghiên cứu mới đây cho thấy quá trình hình thành quần đảo Anh có sự tham gia của 3 lục địa thay vì 2 như những tuyên bố trước đây.
Trong nhiều thế kỷ qua, các nhà khoa học tin rằng Anh, xứ Wales và Scotland được hình thành từ sự sáp nhập của 2 tiểu lục địa Avalonia và Laurentia cách đây 400 triệu năm. Cụ thể, Avalonia vốn là phần lãnh thổ Anh và xứ Wales đã va chạm và hợp nhất với Laurentia, tiểu lục địa tạo thành Scotland ngày nay.
Tuy nhiên, các chuyên gia tới từ Đại học Plymouth sau khi phân tích thành phần đá ở các tỉnh Cornwall và Devon ở Anh phát hiện ra rằng cấu tạo đá ở đây có nhiều điểm tương đồng với vùng Brittany ở Pháp hơn là các phần còn lại trong lục địa Anh.
Các nhà khoa học tin rằng quá trình hình thành quần đảo Anh có sự tham gia của 3 lục địa thay vì 2 như suy đoán trước đây.
Họ từ đó rút ra kết luận rằng một tiểu lục địa thứ 3 là Armorica, vốn hình thành nên vùng Tây Bắc nước Pháp hiện nay cũng tham gia vào quá trình hình thành quần đảo Anh.
“Đất đai ở nước Pháp cổ đại là một phần từ Devon và Cornwall tách ra”, nhà địa chất học người Anh cho hay.
Theo các nhà nghiên cứu tới từ Đại học Plymouth, phần biên giới địa chất giữa Avalonia và Armorica trên thực tế chạy từ cửa sông Exe ở phía Đông đến Camelford ở phía tây chứ không phải nằm bên dưới Eo biển Anh như các suy đoán trước đây. Bởi nguồn gốc địa chất phía Bắc đường biên giới này giống với phần còn lại của Anh và xứ Wales trong khi tất cả phần còn lại có liên hệ chặt chẽ với Pháp và lục địa châu Âu.
Điều này là lý do giải thích vì sao các khoáng sản như thiếc và vonfram lại rất phong phú ở phía Tây Nam nước Anh giống như vùng Brittany và các khu vực khác của lục địa châu Âu.
“Đây là cách nghĩ hoàn toàn mới về cách thức hình thành nước Anh”, nhà vật lý học Arjan Dijkstra cho biết.
“Phát hiện của chúng tôi cho thấy rằng mặc dù không có đường vật lý trên bề mặt, có một ranh giới địa chất rõ ràng chia tách Cornwall và phía nam Devon khỏi phần còn lại của Vương quốc Anh”, ông này cho hay.
Nguồn: https://vtc.vn/