Công ty Valneva ở Pháp nhưng sẽ ưu tiên bán vắc xin mới VLA2001 cho Anh. Lý do: Anh biết chơi chiêu "tiên hạ thủ vi cường" đầu tư sớm, trong khi châu Âu cứ mãi dùng dằng.
Thủ tướng Anh Boris Johnson (phải) thân chinh đến thăm nhà máy của Công ty Valneva ở Livingstone (Scotland) ngày 28-1 - Ảnh: AFP
Công ty công nghệ sinh học Valneva được sáp nhập từ Công ty khởi nghiệp Vivalis của Pháp và Công ty Intercell của Áo năm 2013. Valneva đặt trụ sở ở Nantes (Pháp), với 600 nhân viên tại sáu quốc gia.
Vắc xin VLA2001 là loại vắc xin bất hoạt
Vắc xin (vaccine) ngừa COVID-19 VLA2001 do Công ty Valneva phát triển là loại vắc xin bất hoạt (tiêm virus đã mất độc lực để kích hoạt phản ứng miễn dịch) giống như vắc xin bệnh cúm.
Theo kênh truyền hình France Info, vắc xin này được tiêm hai liều và được bảo quản bằng dây chuyền lạnh tiêu chuẩn (từ 2°- 8°C).
Theo Công ty Valneva, ưu điểm của vắc xin VLA2001 là dựa theo công nghệ truyền thống (công nghệ đã được chứng minh rộng rãi), phù hợp với phụ nữ mang thai và người có khả năng miễn dịch đặc biệt thấp.
Đầu tháng 4-2021, Valneva thông báo kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và giai đoạn 2 cho thấy vắc xin đã tạo phản ứng miễn dịch mà vẫn bảo đảm an toàn.
Thử nghiệm được tiến hành trên 153 người trưởng thành khỏe mạnh từ 18-55 tuổi.
Bộ Y tế Anh đầu tư tiền cho Công ty Valneva nghiên cứu vắc xin COVID-19 - Ảnh: AFP
Bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3
Hôm 21-4, Valneva thông báo bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 cho vắc xin VLA2001 trước khi đăng ký lưu hành.
Thử nghiệm mang tên Cov-Compare được tiến hành tại 25 địa điểm ở Anh. Khoảng 4.000 tình nguyện viên sẽ được tiêm hai liều vắc xin VLA2001, hoặc vắc xin Vaxzevria của Hãng dược AstraZeneca (tên cũ là vắc xin COVID-19 AstraZeneca mới đổi lại cuối tháng 3-2021).
Mục đích chính của thử nghiệm nhằm chứng minh VLA2001 ưu việt hơn Vaxzevria hai tuần sau khi tiêm, bằng cách đo các kháng thể trung hòa đặc hiệu với COVID-19.
Nếu thử nghiệm thành công, Valneva sẽ đăng ký lưu hành vắc xin vào mùa thu năm 2021.
Ông Thomas Lingelbach - giám đốc điều hành Valneva - giải thích: "Chúng tôi tin rằng VLA2001 giữ vai trò quan trọng, bao gồm tiêm nhắc lại hoặc tiêm đối phó với các biến thể".
Lấn cấn với EC
Ban đầu, Ủy ban châu Âu (EC) đã dự kiến đặt hàng mua tối đa 60 triệu liều vắc xin của Valneva, trong đó có quyền chọn mua 30 triệu liều.
Đến ngày 22-4 (giờ địa phương), người phát ngôn EC thông báo sau một năm đàm phán, Công ty Valneva vẫn chưa đáp ứng một số điều kiện, vì vậy chưa đạt được thỏa thuận cung cấp vắc xin cho EU.
Một số điều kiện chưa đạt bao gồm bảo đảm trách nhiệm dân sự, hiệu quả của vắc xin, cung cấp vắc xin…
Giám đốc Thomas Lingelbach phản pháo: "Chúng tôi đã dành nhiều thời gian và nỗ lực để cố gắng đáp ứng quy trình mua bán tập trung của EC. Thôi bây giờ chúng tôi tập trung nỗ lực vào các nước thành viên EU và các bên liên quan bên ngoài EU…".
Các nước Valneva dự tính đàm phán riêng là các nước Valneva có hoạt động như Pháp và Áo (nghiên cứu và phát triển), Anh, Scotland và Thụy Điển (sản xuất).
Trụ sở Valneva ở Nantes (Pháp) - Ảnh: MAXPPP
Anh không bỏ lỡ cơ hội
Từ lâu Anh đã ngắm nghía vắc xin VLA2001. Anh đã bỏ tiền đầu tư cho Valneva thử nghiệm lâm sàng và mở rộng nhà xưởng của Valneva ở Scotland.
Chính phủ Anh đã ký thỏa thuận ban đầu với Valneva hồi tháng 7-2020, sau đó ký kết hợp đồng hợp tác vào tháng 9-2020 về khả năng mua 190 triệu liều, trị giá tối đa 1,4 tỉ euro. Cụ thể trong giai đoạn 2021-2022, Anh đặt hàng 100 triệu liều.
Ông Franck Grimaud - tổng giám đốc Valneva - đã giải thích với AFP: "Nước Anh phản hồi đầu tiên, có lẽ phần lớn vì chúng tôi có hoạt động ở đó và cũng vì ngay lập tức họ tin vào vắc xin bất hoạt của chúng tôi. Họ là những người đầu tiên phản hồi và đưa ra đề xuất mang tính chất trợ giúp".
Bộ trưởng phụ trách tiêm chủng Nadhim Zahawi của Anh cho biết nếu được cấp phép lưu hành, vắc xin của Valneva sẽ được sản xuất tại Scotland và được vô lọ ở Thụy Điển.
Do công suất ước tính khoảng 200 triệu liều, nếu trừ đi đơn đặt hàng của Anh, số vắc xin còn lại đưa ra thị trường chẳng còn bao nhiêu.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online