Tại sao các nguyên thủ Pháp, Anh, Nhật Bản, Canada đều “bất lực” khi lấy lòng ông Trump?

Dù cho được đón tiếp long trọng bởi các nguyên thủ thế giới, ông Trump vẫn giữ vững quyết định cứng rắn của mình trong nhiều trường hợp.

426 1 Tai Sao Cac Nguyen Thu Phap Anh Nhat Ban Canada Deu Bat Luc Khi Lay Long Ong Trump

Những “người bạn tốt” của ông Trump

Các nhà lãnh đạo nước ngoài đều nhận ra rằng các cú bắt tay thật chặt, các trận đấu golf vui vẻ, lễ duyệt binh hoàng tráng và các nỗ lực khác nhằm lấy lòng tổng thống Mỹ Donald Trump không giúp cho thế giới khi ông Trump vẫn tự làm theo ý mình mà không để ý tới ý kiến của các nước đồng minh quan trọng.

Dù ông Trump gọi thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là “người bạn tốt”, gọi tổng thống Pháp Emmanuel Macron là “tri kỉ thực sự” và gọi thủ tướng Justin Trudeau là “người bạn, người hàng xóm và đồng minh đặc biệt”, thì chưa hẳn vị tổng thống Mỹ đã hoàn toàn đồng tình với mọi động thái của họ.

Bất chấp lời khuyên từ thủ tướng Nhật Bản Abe, tổng thống Trump vẫn quyết định tham dự cuộc họp thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Trong lúc đó, ông vẫn không quên đưa ra lời đe doạ về việc tăng thuế với ô tô và kim loại nhập khẩu từ xứ mặt trời mọc.

Điều này rất khó tưởng tượng khi ông Shinzo Abe là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên hội kiến tổng thống Trump sau khi ông trúng cử tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2016. Và hồi tháng 2 năm ngoái ông cũng là nguyên thủ duy nhất đã bay cùng tổng thống Trump trên Không lực Một tới khu nghỉ mát Mar a Lago tại bang Florida để đánh golf.

Tổng thống Pháp còn huy động nguồn lực khổng lồ để tổ chức buổi lễ duyệt binh hoành tráng chào mừng tổng thống Trump vào mùa hè năm ngoái. Ông Macron và ông Trump còn ôm hôn và bắt tay thắm thiết trong chuyến thăm cách đây chưa đầy 2 tháng.

Nhưng chỉ vài tuần sau, ông Trump vẫn quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và còn từ chối tái tham gia vào hiệp ước chống biến đổi khí hậu Paris bất chấp lời khuyên từ người đứng đầu nước Pháp.

Tổng thống Trump cũng đe dọa trừng phạt thương mại với liên minh Châu Âu (EU) và tăng thuế lên các sản phẩm thép nhập khẩu từ Canada bất chấp việc thủ tướng Canada gọi quyết định tăng thuế này là “một sự xúc phạm và không thể chấp nhận”.

Đây là sự thay đổi 180 độ so với thời gian lúc ông Trump mới lên nhậm chức tổng thống, vì khi đó ông Trudeau còn tránh chỉ trích công khai người đứng đầu Nhà Trắng và vào tháng 3 năm ngoái, ông còn đưa con gái Ivanka Trump và con rể ông Trump Jared Kushner đi xem nhạc kịch Broadway.

Bà Amanda Sloat, phó trợ lý Ngoại trưởng dưới thời tổng thống Barack Obama, nhận xét: “Tôi tin chắc rằng các nhà lãnh đạo nước ngoài đều nghĩ họ cần làm điều gì tốt nhất cho đất nước của mình và tìm mọi cách chiếm được cảm tình của người đứng đầu nước Mỹ. Tôi nghĩ họ cũng trải qua quá trình học hỏi giống như nội bộ chính phủ Mỹ hiện nay.”

426 2 Tai Sao Cac Nguyen Thu Phap Anh Nhat Ban Canada Deu Bat Luc Khi Lay Long Ong Trump
Ông Trump và thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Getty

Cách tiếp cận tổng thống Mỹ

Trên thực tế, rất nhiều quan chức Mỹ đã từng hi vọng rằng họ sẽ thuyết phục người đứng đầu Nhà Trắng với việc sử dụng lý lẽ, viện dẫn cơ sở dữ liệu và số liệu thực tế.

Nhưng cuối cùng họ nhận ra rằng tất cả nỗ lực của họ đều trở thành vô ích, nhường chỗ cho các lời hứa lúc tranh cử tổng thống.

Các quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ như cựu cố vấn trưởng về kinh tế Gary Cohn, cựu Ngoại trưởng Rex Tillerson và cựu cố vấn an ninh quốc gia H. R. McMaster đều rút ra bài học rằng không gì có thể dễ dàng thay đổi quyết định của tổng thống Trump.

Và bây giờ các nhà lãnh đạo thế giới đều đã học được bài học tương tự.

“Mọi người đều nghĩ rằng cứ đối xử thật tốt với ông Trump thì họ sẽ giành được những gì họ muốn. Nhưng điều đó không đơn giản như thế,” cựu giám đốc truyền thông Anthony Scaramucci nói trên tờ Financial Times.

Một cựu quan chức Nhà Trắng khác đánh giá: “Ông Trump rất ích kỉ và tôi nghĩ ông ý coi việc người khác cần lấy lòng mình là nghĩa vụ của họ và mình không cần có trách nhiệm đáp lại”.

Trên thực tế, một số nhà lãnh đạo nước ngoài vẫn nhận được sự ủng hộ của ông Trump sau những màn tiếp đón hoành tráng dành cho người đứng đầu Nhà Trắng.

Ả Rập Saudi đã tiếp đón tổng thống Trump vô cùng trọng thị trong chuyến thăm của ông vào mùa xuân năm ngoái và nhận được sự ủng hộ chưa từng có từ nước Mỹ. Điều này cũng đúng với thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã thành công trong việc hạn chế những chỉ trích của tổng thống Trump về nước mình, sau màn tiếp đón “trên cả cấp quốc gia” đối với vợ chồng ông Trump tại Bắc Kinh hồi mùa thu năm ngoái.

Nhưng kể từ lúc ông Trump khơi mào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và công bố chiến lược an ninh quốc gia với những lời lẽ cứng rắn dành cho Trung Quốc thì điều này thực sự đã chọc giận chính quyền Bắc Kinh.

Mặc dù là nhà lãnh đạo đầu tiên hội kiến ông Trump sau lễ nhậm chức tổng thống và đã có màn bắt tay thắm thiết tại Nhà Trắng nhưng thủ tướng Anh Theresa May đã không thể thuyết phục ông Trump thay đổi quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.

Đó là chưa kể, ông Trump còn liên tiếp chỉ trích bà May thông qua những nhận xét công khai về Hồi giáo và chủ nghĩa khủng bố tại Anh.

Nhưng ví dụ rõ ràng nhất cho việc là lấy lòng ông Trump cũng chẳng có ích lợi gì chính là trường hợp tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Vị tổng thống trẻ tuổi ngay khi vừa nhậm chức đã nhanh chóng mong muốn thiết lập 1 quan hệ hữu hảo với tổng thống Trump, với hi vọng chính phủ Mỹ sẽ vẫn duy trì thỏa thuận chống biến đổi khí hậu kí kết ở Paris, thỏa thuận hạt nhân Iran và duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Liên minh Châu Âu và ủng hộ NATO.

“Mọi thứ ban đầu có vẻ diễn biến tích cực khi ông Trump gọi điện cho ông Macron nhiều hơn bất cứ nguyên thủ Châu Âu nào. Nhưng sau đó, chúng ta đều thấy rằng ông Macron đã không thể thuyết phục ông Trump đổi ý,” một cựu quan chức Nhà Trắng tiết lộ.

“Các lãnh đạo Châu Âu đã nhận thấy cách họ tiếp cận ông Trump không hiệu quả nhưng hiện chưa ai có thể tìm ra phương án nào để thay thế cả.”

Nguồn: http://soha.vn

Bài liên quan