Khó khăn từ Brexit (Anh rời Liên hiệp châu Âu – EU) bủa vây London khi tiến trình đàm phán rời EU hầu như “dậm chân tại chỗ”. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế Anh hiện ở mức chậm nhất trong hơn 5 năm gần đây do tác động tiêu cực từ một tiến trình chuyển giao Brexit bị cho là “thiếu trật tự”.
(Nguồn: CNBC.com) Đàm phán Brexit đã đạt tiến triển trong những tháng đầu năm 2018 khi các nhà lãnh đạo EU thông qua phương hướng về một giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 21 tháng sau khi Anh rời khỏi EU vào tháng 3-2019, cũng như cho giai đoạn đàm phán tiếp theo. Tuy nhiên, sau bước tiến nêu trên, tiến trình đàm phán hầu như vẫn “dậm chân tại chỗ”, giới chức châu Âu cảnh báo rằng EU và Anh vẫn có nguy cơ không đạt được thỏa thuận. Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU M.Barnier thậm chí đã hối thúc hai bên phải tiếp tục các kế hoạch để chuẩn bị cho một kịch bản “không đạt được thỏa thuận”.
Hiện tại, vấn đề mà Brussels và London chưa tìm được tiếng nói chung bao gồm cách giải quyết các tranh cãi trong tương lai liên quan đến vai trò của Tòa án Công lý châu Âu (CJUE) đối với Anh, vấn đề đường biên giới giữa CH Ireland và vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh và khuôn khổ cho các mối quan hệ trong tương lai giữa hai bên. Phái đoàn đàm phán của EU về Brexit vừa có các cuộc thảo luận với các quan chức Anh ở Bỉ. Tuy nhiên, đàm phán vẫn bế tắc khi phía EU đã bác bỏ đề xuất của Anh hướng tới các mối quan hệ gần gũi với EU trong tương lai, cũng như đề xuất nhằm giúp tránh một “biên giới cứng” giữa CH Ireland và vùng lãnh thổ Bắc Ireland.
Trong bối cảnh “nước đã đến chân” và chỉ còn đúng 10 tháng nữa là Anh chính thức rời EU, Brúc-xen đang gia tăng áp lực yêu cầu London đẩy nhanh tiến trình đàm phán Brexit. Trưởng đoàn đàm phán của EU về Brexit Barnier đã cảnh báo Anh rằng việc không đạt được nhất trí về CJUE đối với Anh hậu Brexit đồng nghĩa sẽ không có một thỏa thuận và giai đoạn chuyển tiếp nào. Về quan hệ thương mại giữa Anh – EU hậu Brexit, ông Barnier đã thẳng thắn chỉ ra rằng, những trì hoãn của Anh trong việc giải thích rõ ràng về kiểu quan hệ thương mại giữa Anh – EU mà London mong muốn giống như “một trò chơi trốn tìm”. Ông hối thúc London nhượng bộ, đồng thời kêu gọi Anh thừa nhận rằng nước này không thể giữ lại nhiều đặc điểm của một thành viên EU sau khi đã rời khỏi “mái nhà chung châu Âu”.
Một khó khăn nữa của Anh trong tiến trình đàm phán Brexit là nội bộ nước này vẫn thiếu sự thống nhất về một số vấn đề quan trọng. Đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) mới đây dọa sẽ rút khỏi Chính phủ Anh nếu Bắc Ireland bị buộc phải ở lại khu vực thị trường chung hoặc liên minh thuế quan sau khi Anh rời khỏi EU. Nhà lãnh đạo đảng DUP N.Đốt cho biết, dù đang tham gia liên minh cầm quyền, nhưng đảng DUP, chính đảng lớn nhất tại Bắc Ireland, sẽ bỏ phiếu chống lại Chính phủ Anh nếu “ranh giới đỏ” của đảng này về Brexit bị vi phạm. Trước thực tế này, Thủ tướng CH Ireland L.Varadkar tuần trước đã cảnh báo rằng nếu như mâu thuẫn trong nội các Anh kéo dài thì nhiều khả năng London sẽ “tay trắng” rời EU mà không đạt được thỏa thuận Brexit. Theo nhận định của ông L.Varadkar, cả CH Ireland và EU đều chưa nhìn thấy khả năng nào về việc Chính phủ Anh sắp thoát khỏi bế tắc và tìm ra tiếng nói chung đối với vấn đề Brexit.
Tiến trình đàm phán Brexit diễn ra chậm chạp cũng đang “phủ bóng đen” lên kinh tế Anh. Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP của nước này ở mức yếu 0,1% trong quý I vừa qua và đây là kết quả của một tiến trình chuyển giao Brexit “thiếu trật tự”. Ngoài ra, kinh tế Anh ảm đạm còn do tình hình thị trường khó khăn, đầu tư và chi tiêu tiêu dùng giảm. Các chuyên gia cũng cảnh báo viễn cảnh kinh tế ảm đạm hoặc nguy cơ về một Brexit nhiều bất ổn có thể sẽ trì hoãn việc bình thường hóa chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE). Theo đó, BoE có thể sẽ cắt lãi suất cơ bản nếu quá trình chuyển giao Brexit diễn biến thiếu trật tự, hoặc thỏa thuận Brexit cuối cùng giữa Anh và EU không đáp ứng được kỳ vọng của giới doanh nghiệp.
Trong khi triển vọng kinh tế đất nước ảm đạm hơn, nhiều người Anh đã nhập quốc tịch Đức để bảo đảm tương lai của mình. Cơ quan Thống kê liên bang Đức cuối tuần qua thông báo số người Anh trở thành công dân Đức đã tăng mạnh trong năm 2017, chủ yếu do lo ngại những tác động sau Brexit, vào năm 2019. Theo đó, riêng năm 2017 có gần 7.500 người Anh đã nộp đơn xin nhập quốc tịch Đức, tăng 162% so với năm 2016. Một khi nước Anh chưa có một thỏa thuận Brexit rõ ràng trước thời điểm Anh rời EU vào tháng 3-2019, sẽ còn nhiều người Anh cảm thấy bất an và lo ngại sẽ bị tước quyền sống, làm việc tại Đức.
EU đã đặt ra thời hạn hoàn tất thỏa thuận “ly hôn” với Anh vào tháng 10-2018 để Quốc hội Anh và Nghị viện châu Âu có đủ thời gian để thông qua thỏa thuận này trước thời điểm Anh chính thức rời EU dự kiến vào ngày 29-3-2019. Tuy nhiên, trong bối cảnh tiến trình đàm phán chậm chạp như hiện nay, nguy cơ Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận Brexit với EU đang ngày càng lớn dần. Và, nếu “kịch bản” này xảy ra, nước Anh sẽ đối mặt các thách thức lớn hơn gấp nhiều lần so với khó khăn hiện nay.
Nguồn: http://www.nhandan.com.vn