Cho rằng mình đang ở thế thượng phong, có thể bắt bí được nước Anh, Bắc Kinh vào hôm 07/09/2018 đã không ngần ngại dồn tổng lực đánh Luân Đôn trên vấn đề Biển Đông sau vụ tàu đổ bộ Anh HMS Albion đi sát vùng Hoàng Sa trên đường ghé Việt Nam.
Ảnh tư liệu : Tàu đổ bộ Anh Quốc HMS Albion ở cảng Abu Dhabi, ngày 28/06/2011. KARIM SAHIB / AFP
Trong lúc bộ Ngoại Giao Trung Quốc đòi Luân Đôn « sửa sai », thì tờ China Daily, cái loa đối ngoại của chế độ Bắc Kinh, cảnh cáo rằng đàm phán Trung-Anh về một hiệp định thương mại song phương thời hậu Brexit có nguy cơ gặp khó khăn vì hành động của Anh Quốc tại Biển Đông.
Trung thành với chiến thuật cố hữu là cây gậy và củ cà rốt, trong buổi họp báo thường kỳ vào hôm nay tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định rằng « Anh Quốc đã hành động sai trái » khi « khiêu khích » Bắc Kinh bằng cách cho chiến hạm áp sát quần đảo Hoàng Sa đang do Trung Quốc kiểm soát.
Theo phát ngôn viên Trung Quốc, hành động của Luân Đôn, đã đi ngược lại mong muốn từng được lãnh đạo Anh Quốc bày tỏ là xây dựng một « kỷ nguyên vàng trong quan hệ với Trung Quốc ».
Dù không nói ra nhưng bà Hoa Xuân Oánh được cho là đã nhắc đến sự kiện hai bên đã đồng ý vào tháng 8 vừa qua là xem xét khả năng đạt được một thỏa thuận tự do mậu dịch song phương « thượng đẳng » sau khi nước Anh rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu, cho phép chính quyền bảo thủ ở Luân Đôn phô trương một chiến thắng chính trị quan trọng.
Lời đe dọa của Bắc Kinh rất rõ ràng : Nếu Anh Quốc cứ tiếp tục dấn thân vào Biển Đông, Trung Quốc có thể dẹp bỏ thỏa thuận thương mại hậu Brexit đó.
Không chỉ để cho bộ Ngoại Giao lên tiếng, Bắc Kinh còn bật đèn xanh cho báo chí dùng « cây gậy hậu Brexit » thẳng thừng đe dọa Luân Đôn.
Trong bài xã luận, tờ báo chính thức China Daily đã nói trắng ra là hai nước đã đồng ý thúc đẩy một thỏa thuận thương mại tự do hậu Brexit, do đó « bất kỳ hành động nào phương hại đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc đều sẽ ngăn chặn việc tiến đến thỏa thuận ».
Theo hãng tin Anh Reuters, Luân Đôn đã liên tục ve vãn Bắc Kinh để có được một thỏa thuận mậu dịch hậu Brexit, và bộ trưởng Tài Chính Anh Philip Hammond sẽ tiếp đón phó thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa (Hu Chunhua) tại Anh vào mùa thu này để đàm phán tiếp tục.
Tờ China Daily cũng cho rằng việc Anh Quốc cử chiến hạm tham gia các chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông, chỉ là một hành động theo đuôi, nhằm lọt được vào mắt xanh của Mỹ để bảo đảm sinh lộ kinh tế sau khi rời Liên Hiệp Châu Âu.
Đối với tờ báo, nếu muốn đạt được « kỷ nguyên vàng » trong quan hệ với Trung Quốc như bà Theresa May từng cam kết thúc đẩy trong chuyến thăm Bắc Kinh gần đây, nước Anh cần phải « ngừng bám gót Mỹ » ở Biển Đông.
Câu hỏi được giới chuyên gia đặt ra là liệu củ cà rốt hậu Brexit của Trung Quốc có đủ sức hấp dẫn Anh Quốc trong tương quan với Mỹ hay không ?
Cho đến nay, theo đa số các nhà phân tích, nếu bị buộc phải chọn lựa, Luân Đôn chắc chắn sẽ thiên về Washington hơn là Bắc Kinh.
Còn về vấn đề Biển Đông, dù không có tranh chấp lãnh thổ trong khu vực, nhưng nước Anh, cũng như các nước khác như Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ đều cùng chung một mục tiêu : bảo đảm được quyền tự do đi lại trong khu vực, hiện càng lúc càng bị Trung Quốc đe dọa với chủ trương quân sự hóa Biển Đông.
Trong tình hình đó, có nhiều khả năng là cây gậy và củ cà rốt hậu Brexit mà Trung Quốc đưa ra trong trường hợp Anh Quốc khó phát sinh hiệu quả mong muốn.
Nguồn: Trọng Nghĩa/ RFI