Một khi virus SARS-CoV-2 tạo phản ứng miễn dịch ngắn hạn, như vậy cần phải tiêm chủng nhắc lại và nhu cầu ống tiêm xem như tăng gấp đôi.
Mỹ đang chạy đua sản xuất ống tiêm và chuẩn bị kho đông lạnh chờ tiếp nhận vắc xin ngừa COVID-19. Nhiều ý kiến lo ngại có thể thiếu lọ chứa vắc xin và tá dược cần thiết.
Nếu có vắc xin đầu tiên ngừa COVID-19 được đưa ra thị trường, chắc chắn các công ty không kịp sản xuất, vận chuyển hoặc tiêm chủng vắc xin kịp thời trên toàn thế giới.
Công ty Hindustan Syringes ở Faridabad (Ấn Độ) tăng tốc sản xuất ống tiêm đón đầu vắc xin COVID-19 - Ảnh: AFP
Liệu Mỹ sẽ có thêm 7 hoặc 8 tỉ ống tiêm?
Báo The Guardian (Anh) ghi nhận các công ty Mỹ sản xuất mỗi năm khoảng 663 triệu ống tiêm.
Mỹ đã tính toán để có thể phân phối đại trà vắc xin ngừa COVID-19, cần phải có thêm 850 triệu ống tiêm nữa.
Tháng 1-2020, TS Rick Bright lúc bấy giờ còn giữ chức giám đốc Cơ quan Nghiên cứu và phát triển y sinh tiên tiến (BARDA thuộc Bộ Y tế Mỹ) từng cảnh báo việc thiếu hàng trăm triệu ống tiêm.
Lúc bấy giờ kho dự trữ quốc gia Mỹ chỉ còn 15 triệu ống tiêm. Theo Hãng tin Bloomberg (Mỹ), phải đến tháng 5-2020 chính phủ Mỹ mới bắt đầu đặt hàng ống tiêm.
Dù vậy đáng lo ngại là vấn đề thiếu ống tiêm xảy ra sau này.
Nhà nghiên cứu chính Prashant Yadav ở Trung tâm Phát triển toàn cầu (Mỹ) nhận xét: "Nếu chúng ta có 7 hoặc 8 tỉ liều vắc xin vào năm 2021 và 2022, liệu có thêm 7 hoặc 8 tỉ ống tiêm nữa hay không? Chắc chắn là không".
Sản xuất lọ thủy tinh borosilicate tại Công ty Stevanato (Ý) - Ảnh: STEVANATO
Thiếu lọ thủy tinh borosilicate
Trong các dụng cụ dược phẩm cần thiết để tiêm chủng vắc xin có thể hết hàng lọ thủy tinh borosilicate chứa vắc xin.
Loại lọ thuốc này có khả năng chịu nhiệt, ít phản ứng với hóa chất chứa trong lọ nên dễ dàng vận chuyển an toàn.
Tuy nhiên, lọ thủy tinh borosilicate đắt tiền hơn và khó chế tạo hơn lọ thủy tinh thông thường.
Theo trang web Quartz, đã có nhiều ý kiến lo ngại lọ thủy tinh borosilicate không có sẵn trong trường hợp tiêm chủng đại trà.
Trong khi đó, Công ty đa quốc gia Stevanato Group (Ý) xoa tay mừng thầm và đang tăng gia sản xuất với dự báo sẽ phải cung cấp hàng tỉ lọ thủy tinh borosilicate trong vài tháng tới.
Tá dược có thể không đủ đáp ứng
Tình hình tá dược cho vắc xin cũng thế. Đây là các chất bổ trợ được thêm vào vắc xin để tăng cường và bổ sung cho hoạt động của vắc xin.
Một số huyết thanh ngừa COVID-19 đang thử nghiệm có chứa tá dược. Nếu một huyết thanh nào đó chứng minh được hiệu quả, khâu cung ứng tá dược có nguy cơ trở thành "con đường khổ nạn" như đã từng xảy ra với thuốc phản ứng dùng trong xét nghiệm PCR.
Ngoài muối nhôm còn gây tranh cãi, các chất tá dược mới thường được chiết xuất từ các nguồn tự nhiên khó tiếp cận.
Ví dụ một loại tá dược được lấy từ vỏ một loại cây ở Chile chỉ mọc ở độ cao trên 2.000m hoặc một tá dược khác có nguồn gốc từ dầu gan cá mập.
Nhờ công nghệ sinh học, có nhiều cách để tổng hợp tá dược nhưng rất khó biết các công ty có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu lớn hay không.
Bà Carol Tomé - tổng giám đốc UPS - đi kiểm tra chuẩn bị hậu cần cho công tác vận chuyển vắc xin COVID-19 - Ảnh: UPS
Tìm đâu ra 8.000 máy bay?
Để tiêm chủng đại trà phải có phương tiện vận chuyển vắc xin trên toàn cầu.
Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) đã cảnh báo đây sẽ là "thách thức vận tải lớn nhất lịch sử". IATA dự kiến cần tổng cộng 8.000 máy bay Boeing 747.
Theo BBC, cần phải có không gian lưu trữ vắc xin ở nhiệt độ thấp trong khi các máy bay hiện nay không được trang bị.
Một số vắc xin cần được bảo quản ở nhiệt độ khoảng -80°C. Vì vậy, các quan chức y tế công cộng và các công ty hậu cần của Mỹ đang gấp rút trang bị tủ đông cho vắc xin.
Công ty chuyển phát bưu kiện Mỹ (UPS) đã đầu tư 600 đơn vị làm lạnh công nghiệp tại các địa điểm ở Louisville, Kentucky và Hà Lan nhằm đón đầu vắc xin COVID- 19.
Dây chuyền sản xuất vắc xin COVID-19 tại Hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh), một trong 7 ứng viên vắc xin hàng đầu hiện nay - Ảnh: AFP
7 vắc xin sáng giá hơn hết
Tính đến ngày 14-9 có 7 ứng viên vắc xin COVID-19 hàng đầu.
4 loại của Mỹ, châu Âu và Nga gồm mRNA-1273 của Moderna (Mỹ), ChAdOx1 nCoV-19 (ở Ấn Độ gọi là Covishield) của Đại học Oxford hợp tác AstraZeneca (Anh), BNT 162 của Pfizer (Mỹ) hợp tác BioNtech (Đức) và Sputnik V (Nga).
3 loại của Trung Quốc gồm CoronaVac của SinoVac, vắc xin bất hoạt của Sinopharm và Ad5-nCOV của CanSino Biologic.
Trên thế giới có 167 dự án vắc xin COVID-19. Hầu hết đang trong giai đoạn tiền lâm sàng (thử nghiệm trên động vật).
Trong 29 dự án đang phát triển thử nghiệm lâm sàng (trên người) có 11 vắc xin ở giai đoạn I, 11 vắc xin ở giai đoạn II hoặc giai đoạn I/II và 7 vắc xin ở giai đoạn III nêu trên.
Nguồn: tuoitre