Vật dụng che đầu này từng bị dân Anh ném đá tơi bời, nhưng lại được bảo vệ nhờ lòng dũng cảm và… chút cổ quái

Ngày nay, thật khó tưởng tượng đi dưới thời tiết ẩm ương của nước Anh mà có thể thiếu đi vật dụng này. Thế nhưng khi vừa được giới thiệu vào thế kỉ 18, nó đã vấp phải làn sóng phản đối lớn.

426 Content 5

Vào khoảng những năm 1750, một người Anh tên Jonas Hanway vừa trở về sau một chuyến du hành đến Pháp. Ông cầm trên tay một chiếc ô bước đi giữa ngày mưa ở London.

Hãy hình dung về hình ảnh này, bạn nghĩ sao? Một chuyện quá đỗi bình thường đúng không? Nhưng vào lúc bấy giờ, hành động này lại bị ném đá không thương tiếc!

Hai lí do để “chống” lại… chiếc ô
Thứ nhất, hầu hết người Anh vào thế kỉ 18 cho rằng chiếc ô là biểu tượng cho sự yếu đuối bạc nhược, chẳng thể chịu nổi nắng mưa, nhất là đối với cánh mày râu!

Thứ hai, chiếc ô là một hình ảnh “quá Pháp”! Thật vậy, lấy cảm hứng từ chiếc ô che nắng ở các nước Viễn Đông, nhà sáng chế người Pháp – Jean Marius đã tạo ra mẫu ô gọn nhẹ vào thế kỉ 18.

Nó còn có thể gấp lại, làm bằng chất liệu chống nước, giúp người dùng đi lại dưới trời mưa hay trời tuyết thuận lợi hơn.

426 Content 4
Những chiếc ô trên đường phố Paris, tranh vẽ của Louis-Léopold Boilly năm 1803

Ngay sau đó, chiếc ô trở thành món phụ kiện bất ly thân đối với những cô gái Paris quý phái và sành điệu. Tuy nhiên, tâm lý người Anh lại không muốn bắt chước như vậy.

Kết quả là khi Hansen trở thành người đầu tiên mang ô về nước Anh, ông không chỉ che mưa gió trên trời mà còn hứng luôn… bão táp phong ba từ miệng lưỡi thế gian.

Nhiều ánh mắt nghi kỵ chĩa vào Jonas Hanway cùng chiếc ô

Nhưng Hansen cũng chẳng phải tay vừa. Ông từng gây chú ý qua việc phản đối nhập trà vào nước Anh, được học giả nổi tiếng Charles Wilson gọi là “nỗi buồn chán huy hoàng không biết mệt mỏi của lịch sử Anh Quốc”. Thế nên ai chửi mặc ai, Hansen vẫn cầm ô!

Căng thẳng leo thang với những cỗ xe ngựa
Dù cổ quái và kiên định đến mấy, Hanway cũng không thể không cảm thấy sức ép từ người dân Anh Quốc, đặc biệt là các phu lái xe ngựa.

Lúc bấy giờ, người ta vẫn đi bộ hay đi ngựa là chính. Và khi trời mưa, do xe ngựa có mái che nên rất đắt khách. Vậy nên thử hỏi, nếu bây giờ mọi người chuyển qua dùng ô thì có phải là xe ngựa sẽ thưa vắng bớt đi, kế sinh nhai sẽ bị đe dọa hay không?

Jonas Hanway bị các phu xe ngựa ghét ghê gớm vì “cướp chén cơm” của họ

Theo tạp chí lịch sử “Look and Learn”, mỗi khi phu xe ngựa thấy Hanway cùng chiếc ô đi ngang qua, họ thẳng thừng ném rác vào người ông.

Có lần một phu xe còn thúc ngựa phóng lên hăm dọa Hanway nhưng bị ông… dùng ô đánh lại túi bụi! Dù sao phải công nhận rằng các phu xe đã không hề lo lắng vô lý.

Tranh vẽ chân dung Jonas Hanway năm 1781

Như thể “mưa dầm thấm lâu”, dần dần người Anh đã lan truyền rộng khắp, nhìn đến quen mắt, nghe đến mòn tai về một người đàn ông che ô.

Ông ấy không hề yếu ớt như định kiến của đám đông mà ngược lại rất dũng cảm với lập trường của mình! Khi Hanway mất vào năm 1786, chuyện dùng ô khi trời mưa đã phổ biến khắp đất nước.

Ba tháng sau đó, mẫu ô mới từ nhà sản xuất Gatward trình làng và được mọi người hưởng ứng nhiệt tình.

Về phần Jonas Hanway, thật đáng buồn là chỉ sau khi qua đời, người ta mới bắt đầu nhớ đến và trân trọng công sức của ông.

Có thể nói, thời xưa quả đúng là kỳ lạ với nhiều cuộc đấu tranh dai dẳng nhằm đưa nhân loại tiến về phía văn minh.

Trong những cuộc chiến ấy, một vài hiệp sĩ dũng cảm gắn liền với lớp áo choàng, nhưng có một “hiệp sĩ” đã đấu tranh bằng chiếc ô giơ cao trên đầu trong suốt 40 năm.

Nguồn: http://soha.vn/

Bài liên quan